Bến cảng vận hành vượt khó

Gần 100 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Đó là nỗ lực to lớn của hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị chức năng, của cả xã hội và toàn dân trong công tác phòng ngừa, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều người từ vùng dịch, thậm chí có cả ca nhiễm về Việt Nam, được đưa vào cách ly bảo đảm an toàn. Cho đến nay, càng thấy rõ hơn hiệu quả của các phương pháp phòng, chống dịch mà chúng ta đã triển khai sâu rộng, trong đó có những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, tổ chức cách ly liên quan đến vận tải hành khách thời gian gần đây.

Tuy nhiên, cùng với những thành quả và sự lạc quan tỉnh táo, thực tế vẫn đặt ra vô vàn thách thức. Trong phạm vi đất nước, yêu cầu sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm, thúc đẩy du lịch, dịch vụ càng cấp thiết, nhằm giúp kinh tế - xã hội nhanh chóng phục hồi sau thời gian dài chiến đấu với dịch bệnh. Trọng trách này được thực hiện cùng lúc chúng ta vẫn phải song hành, không thể lơ là trong công tác phòng, chống dịch ngay tại chỗ và từ xa. Bởi, mối đe dọa của dịch Covid-19, ở quy mô toàn cầu tiếp tục thường trực với thống kê cho thấy, đã có tới hơn 15 triệu ca nhiễm và gần 620 nghìn người đã tử vong. Đặc biệt, có những dấu hiệu cho thấy làn sóng mới của dịch Covid-19 đang rình rập. Trên thế giới và ngay gần đất nước chúng ta vẫn có những khu vực, quốc gia có mức độ lây nhiễm cao, thậm chí là các vùng dịch mà trong số đó, Việt Nam vẫn tiếp tục cần thúc đẩy sự hợp tác, giao thương để phát triển.

Giống như một bến cảng trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, mưa to gió lớn, đã nỗ lực giữ gìn, “cầm cự” suốt thời gian dài bằng các lực lượng và phần nhiều sức lực, nhưng trước mắt chúng ta vẫn còn không ít khó khăn và cả nguy cơ bất trắc khi bến cảng không thể đóng kín, những con tàu không thể không ra khơi. Thật gay gắt và nan giải trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới, của hiện tại và tương lai đang tiếp tục xuất hiện nhiều biến động. Làm thế nào để vừa là bến đỗ bình yên, vừa là điểm xuất phát vững chắc, vừa có thể là điểm đến an toàn cho những “chuyến tàu” kinh tế, xã hội, văn hóa…, đó thật sự là những câu hỏi lớn cho công cuộc vận hành, bảo toàn bến cảng - đất nước. 

Công cuộc này, không thể chỉ trông đợi vào những chính sách, giải pháp của thời kỳ đặc biệt - chiến đấu với dịch bệnh, mà nó phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực chung, sự tự giác, sáng kiến vượt khó trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cả các cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội. Tinh thần đó, càng trở nên những điều kiện quan trọng cho sự xây dựng, phát triển đất nước vững mạnh, tự cường, xã hội dân chủ, văn minh.