Bản sắc đô thị

Dư luận thời gian qua luôn thể hiện sự quan tâm quanh câu chuyện triển khai quy hoạch mới liên quan đến rạp hát Hòa Bình, dinh Tỉnh trưởng… tại đô thị Đà Lạt; di chỉ Vườn Chuối ở Hoài Đức, Hà Nội; dinh Thượng thơ, Thương xá Tax tại TP Hồ Chí Minh; hay cơ chế bảo tồn các tòa biệt thự, công thự cổ tại Hà Nội…, và nhiều sự việc ở các tỉnh, thành phố khác.

Những thí dụ đó đều phản ánh vấn đề lớn luôn đáng quan tâm, ở mọi không gian sống, đặc biệt là những địa bàn mới, đang phát triển, về việc hài hòa công tác bảo tồn - phát triển. Theo đó, phát triển phải tôn trọng nền ký ức, bề dày văn hóa, lịch sử của đô thị, miền đất; và phát triển phải đáp ứng yêu cầu thiết thực vì cuộc sống văn minh, hiện đại. Đây chính là yêu cầu kiến tạo cho diện mạo, để góp phần gìn giữ và tạo dựng nội dung đời sống đô thị, địa bàn, vùng đất.

Diện mạo mới của nhiều đô thị, địa bàn những năm qua đang được tạo dựng phổ biến với hệ thống đường sá mới, mở rộng; bằng chuỗi cao ốc là nơi ở, nơi làm việc hiện đại, sang trọng; bằng những khu đô thị mới mà gần đây đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến không gian xanh, chất lượng “sống xanh”… Đó là điều đáng mừng, nhưng phải chăng chưa đủ?

Không phải vô cớ mà không ít chuyên gia quy hoạch, kiến trúc phải phàn nàn rằng đi qua nhiều đô thị, địa bàn, lại cảm thấy thiếu vắng những nét đặc trưng, bởi phần lớn đều có vẻ… na ná nhau về hình thức. Đã có những băn khoăn, lo lắng về không ít đô thị “không có đường chân trời”, nhìn từ trên cao chỉ thấy chen chúc nhà cửa, hoặc những đô thị miền núi mà khu vực quảng trường, các đại lộ được xây dựng một cách quá đỗi “hoành tráng”.

Đương nhiên, việc tạo dựng gương mặt đô thị hiện đang phát triển đồng thời gìn giữ bản sắc đô thị hoàn toàn không thể và không được trả lời một cách thô bạo và vô cảm bằng việc tháo dỡ, phá bỏ để làm mới hoàn toàn hoặc thái độ đòi hỏi phải giữ nguyên trạng tới mức cực đoan bởi coi đó là những hạng mục, không gian tiêu biểu, đặc trưng, nơi còn kể với hôm nay và mai sau câu chuyện lịch sử của miền đất, hồi ức của nhiều thế hệ cư dân. Câu trả lời cần dựa trên sự khai thác, vận dụng hợp lý quỹ đất, quỹ mặt nước của địa phương; khai thác những không gian cũ, xuống cấp trong xu thế cải tạo, nâng cấp nhằm cải thiện đời sống người dân; khai thác những địa bàn vùng ven, vùng ngoại thành khi được phát triển đường sá, đô thị mới… Thậm chí, còn từ việc sớm sửa chữa cả những gì đã thấy bộc lộ sai sót, hạn chế trong làn sóng phát triển ồ ạt.

Điều đó rất cần sự chung tay của các chuyên gia lịch sử, văn hóa, các nhà sáng tạo nghệ thuật, cùng giới quản lý văn hóa tâm huyết, bên cạnh các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, giao thông, xây dựng… Bản sắc đô thị sẽ thật sự được gìn giữ và phát huy nếu câu trả lời đặt trên chân kiềng vững chắc của hiệu quả bảo tồn, mục tiêu văn minh - hiện đại và tinh thần sáng tạo tích cực.