Bài toán giao thông đô thị

Chưa thấy nghiên cứu cụ thể về quãng thời gian để một công chức, cán bộ hoặc người tham gia giao thông đi từ những khu vực ngoại thành Hà Nội vào thành phố trong giờ cao điểm, nhưng nếu hỏi những người dân đã gắn bó với thành phố này, dễ dàng nhận thấy rằng để đi từ vị trí cách hồ Gươm chừng 7 km ở các hướng vào trung tâm, bạn sẽ mất ít nhất là 40 phút cho tới một giờ đồng hồ tùy vào việc sử dụng phương tiện xe máy hay ô-tô cũng như thời điểm.

Hãy thử ra đường vào 7 giờ sáng mỗi ngày, dễ dàng cảm nhận được sự vội vã, căng thẳng của từng cá nhân ngồi trên xe gắn máy, xe ô-tô và các loại phương tiện công cộng khác. Để chen nhau lên một cây cầu vượt, vốn là sản phẩm để chống ùn tắc khá hữu hiệu cách đây vài năm, bây giờ bạn sẽ phải tranh giành từng chút không gian, tận dụng từng chút ưu thế để nhích cái xe theo tốc độ chậm hơn người dắt xe đi bộ. Vậy nên chỉ có ở Thủ đô mới tồn tại cầu vượt có bảng hiệu cấm xe máy theo giờ, nhưng tất cả mọi người (trừ người đi bộ) đều có thể tham gia giao thông trên đó mà chẳng hề bị ai xử lý.

Cũng tại Thủ đô, tuyến xe bus nhanh đầu tiên của Hà Nội sau vài năm đưa vào vận hành đã cho thấy những kỳ vọng vào một loại hình giao thông công cộng mới mà những người tham gia xây dựng hệ thống giao thông được coi là hướng mở cho giao thông công cộng của Thủ đô vẫn chưa giải quyết được tình trạng ách tắc giờ cao điểm ở các tuyến có xe BRT. Dù rằng đã có rất nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập trong tuyến đường cũng như giá trị thực tế của tuyến BRT thử nghiệm số 1 nhưng cho tới thời điểm hiện tại, hàng vạn người vẫn cứ phải chen chúc nhau hàng giờ đồng hồ mỗi sáng - chiều ở tuyến đường chỉ có một làn xe hỗn tạp. Ở làn ngoài cùng bên trái dành cho bus nhanh, đường vẫn cứ thênh thang cho mấy chiếc xe bus kềnh càng với một số ít người sử dụng. Làn trong cùng, người ta vật vã lèn vào nhau để rồi chao chát ùn ứ mỗi khi có một chiếc xe dừng đỗ tạm, chỉ cần vài phút là tắc kín cả lối đi. Việc tạo sự thông thoáng khi tham gia giao thông đòi hỏi sự chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ của những người tham gia giao thông chứ một tuyến BRT không thể nào giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Thành phố Hà Nội từng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý những người đi xe máy lên vỉa hè. Nhưng xem ra chỉ thị này khó khả thi khi trên thực tế mỗi sớm, mỗi chiều ở các con phố chính, nhất là tuyến đường xe bus nhanh đi qua chen chúc người tham gia giao thông thì vỉa hè cũng dễ trở thành nơi đi lại chính. Cho dù khấp khểnh thế nào, hoặc một số đoạn đã bị người ta đem dây xích để chặn lại thì phương án leo lên vỉa hè để đi làm hoặc về nhà vẫn là khả thi nhất với những người đi xe máy.

Đã có nhiều phương án được đề xuất để giải quyết nạn tắc đường ở khu đô thị như cấm xe máy, cấm ô-tô vào nội đô, dùng biển số chẵn lẻ... Nhưng trong khi chờ cơ quan chức năng nghiên cứu phương án khả thi, những công dân Thủ đô vẫn cứ đành chọn cho mình biện pháp được coi là cổ truyền mỗi lần tham gia giao thông trong thành phố: phương án di chuyển theo dòng nước chảy - nghĩa là có khe hở chỗ nào thì lèn xe vào chỗ đó.

Trong bối cảnh hiện nay, bài toán cho giao thông đô thị, nhất là ở Thủ đô vẫn là bài toán mở. Để Thủ đô văn hiến vươn mình lên văn minh hiện đại, rất cần một quy hoạch giao thông đô thị mang tính bài bản, đồng bộ dài hơi và điều quan trọng hơn là việc triển khai quyết liệt để giải quyết tận gốc bài toán ách tắc giao thông đang ngày càng trở nên trầm kha.