“Áo” công ích

TP Hồ Chí Minh loay hoay thu phí đậu xe ô-tô, càng mong “phú quý”, kết quả càng “giật lùi”. Trước cho nhân viên trật tự đô thị địa phương thu được 7,2 triệu đồng/ngày/23 tuyến phố trung tâm, sau cho Công ty TNHH MTV công ích Thanh niên xung phong thu chỉ được 6,1 triệu đồng/ngày/23 tuyến phố trung tâm. Những kết quả này so mức kỳ vọng 400 triệu đồng/ngày của thành phố là quá nghèo nàn.

Việc đưa ra con số kỳ vọng như trên cho thấy thành phố đã đánh giá được giá trị thật có thể khai thác của các tuyến phố, nhưng sao cách làm thì mãi không thanh thoát? Có một câu hỏi nên được đặt ra ở đây, đó là thành phố thật sự muốn gì?

Muốn có mức doanh thu như kỳ vọng, hay muốn duy trì, nuôi nấng các đơn vị công ích làm việc kém hiệu quả?

Nếu muốn đạt mức doanh thu như kỳ vọng, có một cách đơn giản và hiệu quả là: Khoán. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần tính toán đúng định mức, tiêu chuẩn, dự toán, đưa ra mời thầu công khai, minh bạch là xong. Đấu thầu xong, thu tiền vào ngân sách là có thể rảnh tay, rảnh chân, rảnh đầu lo việc khác. Bố trí công việc thế nào, tính toán khoa học, hợp lý, chặt chẽ, văn minh, kinh tế ra sao phụ thuộc đơn vị trúng thầu. Chỉ cần thành phố mở rộng cánh cửa ngoài công ích, chắc hẳn không thiếu doanh nghiệp muốn “kinh doanh cống hiến”.

Còn ngược lại, nếu thành phố vẫn muốn giữ những phần việc “béo bở” để ưu ái các doanh nghiệp công ích, thì hậu quả đương nhiên sẽ đau đớn, giống như kết quả hoạt động của Công ty TNHH MTV công ích Thanh niên xung phong đã thể hiện: Doanh thu 184 triệu đồng/tháng; chi phí nhân công 840 triệu đồng/tháng, gần gấp 5 lần doanh thu.

Vậy đấy, “công ích” - nói theo cách vui vẻ là làm việc công, có ích. Trong trường hợp làm việc vô ích thì không hiểu TP Hồ Chí Minh còn kiên trì phủ “chiếc áo công” lên các “nhóm lợi ích” đến bao giờ?