Tinh giản biên chế, cuộc chiến không khoan nhượng!

Bộ máy quản lý hành chính nhà nước (HCNN) ngày càng phình to, hoạt động kém hiệu quả đang tạo ra yêu cầu bức thiết phải tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nếu xem việc tinh gọn bộ máy là “cuộc cách mạng”, để thực hiện thành công cuộc cách mạng này chắc chắn phải có sự hy sinh, có quyết tâm lớn.

Đề án sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị cấp xã đang được xây dựng. Ảnh: HẢI NAM
Đề án sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị cấp xã đang được xây dựng. Ảnh: HẢI NAM

Kỳ 4: “Cuộc cách mạng” trong bộ máy

(Tiếp theo & hết)

Yêu cầu bức thiết

Việc tinh lọc bộ máy HCNN là điều không thể trì hoãn, bởi cho tới thời điểm này, bộ máy HCNN cồng kềnh đang tiêu tới hai phần ba ngân sách (NS). Một bộ máy HCNN tinh gọn và hiệu quả là mục tiêu mà Chính phủ đã hướng tới trong nhiều năm qua và đặc biệt là trong một năm trở lại đây khi Chính phủ đã đặt ra mục tiêu trở thành một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện cả nước có hơn 1 triệu người làm tại 11.000 xã, phường, thị trấn. Trong bối cảnh, hầu hết các xã đều thu không đủ chi, việc chi trả lương và các khoản có tính chất như lương cho số cán bộ trên sẽ là một “gánh nặng” đối với NS. Và một đề án sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị cấp xã, trong đó có nội dung cắt giảm biên chế ở khu vực này đang được xây dựng. Bộ máy ở khu vực xã, phường, thị trấn được tinh gọn sẽ là một đột phá trong giảm biên chế hiện nay. Bởi cứ giảm được một vị trí ở khu vực này, cả nước sẽ giảm được 11.000 biên chế. Một con số rất nhiều ý nghĩa trong bối cảnh sự phình to của bộ máy đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Tính trên cả nước, tổng số người hưởng lương và phụ cấp từ NS lên tới gần 4 triệu người. Mỗi năm tiêu tốn tới 65% NS.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (NQ 39) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tổng biên chế cả nước chẳng những không giảm mà có chiều hướng tăng. Nếu ngày 31-12-2015, cả nước có 3.563.903 biên chế thì đến ngày 1-2-2017 tăng lên 3.574.303 người (tăng 0,57%).

Thực tế của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, để thực hiện tốt việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, các cấp ủy cần có quyết tâm chính trị, có giải pháp đúng, phù hợp điều kiện thực tiễn và kiên trì với giải pháp đó; đồng thời cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ T.Ư đến cơ sở.

Loại bỏ nền hành chính “nể nang”

Không thể phủ nhận là nhiệm vụ xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, với một bộ máy HCNN tinh gọn, hiệu quả thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết vụ kiện về tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm tại huyện Bình Chánh chỉ trong 1 giờ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ cần chừng ấy thời gian để xử lý vụ khiếu nại liên quan dự án treo 14 năm qua tại Đồng Nai. Sức ép từ các lãnh đạo của Chính phủ đã khiến cho bộ máy HCNN bị coi là trì trệ nhiều năm qua chuyển động. Nhưng qua chính những câu chuyện này, những yếu kém, hạn chế của bộ máy HCNN, mà cụ thể là những khoảng trống trách nhiệm, lại hiện rõ hơn bao giờ hết.

Mong muốn thì như vậy nhưng để có thể loại bỏ những cán bộ yếu kém về năng lực, thiếu động lực làm việc, lại là chuyện không dễ. Chúng ta đã có những công cụ nhằm đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức, dựa trên kết quả công việc. Tuy nhiên, đáng tiếc là một số quy định trong đó chưa có sự thống nhất và thiếu thực tế. Bởi theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cán bộ hai năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cho thôi việc, nhưng rất hiếm trường hợp công chức, viên chức bị cho thôi việc.

Theo ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - NS của QH, cải cách bộ máy HCNN trước hết là phải đổi mới tư duy về tổ chức hệ thống, phải có tư duy về hệ thống cấu trúc để làm sao tổ chức được một bộ máy từ trên xuống dưới thông suốt, khách quan, mạch lạc trong phân định chức năng, trong đó yếu tố quan trọng nhất là phân công quyền lực, ủy thác quyền lực, phân công rạch ròi cho từng cấp, xác định trách nhiệm của người đứng đầu của từng tập thể, cá nhân có như vậy mới thật sự chuyển biến được.

Trong một nền hành chính công vụ nể nang, trọng thành tích như hiện nay, việc kêu gọi sự tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có lẽ sẽ chẳng mang lại nhiều hiệu quả. Do đó, cần phải có những điều chỉnh trong hành lang pháp lý, xây dựng những hệ tiêu chí cụ thể hơn, mang tính định lượng nhiều hơn nhằm đánh giá hiệu lực hiệu quả của quá trình thực thi công vụ, nhằm tinh gọn bộ máy HCNN. Cùng với đó, rất cần sự giám sát chặt chẽ của người đứng đầu đối với cấp dưới, tác động để bộ máy ấy phải chuyển động, và nếu cán bộ nào không chuyển động, sẽ phải ra khỏi bộ máy.

Cần nhiều mũi giáp công

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính từng chỉ ra, hiện bộ máy HCNN cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc và hoạt động còn kém hiệu lực, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, không những chưa được đẩy lùi mà còn có mặt, có nội dung tinh vi, phức tạp hơn. Nhân dân bức xúc về chi tiêu cho bộ máy công chức thì nhiều mà hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Đảng đã nhận diện ra điều này, khẳng định những mặt yếu kém rất thẳng thắn, rất trực diện và xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng ra NQ 39 về tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại hệ thống công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Việc tái cấu trúc bộ máy phải gắn liền với chất lượng cán bộ. Nếu đưa ra được mô hình tổ chức bộ máy hợp lý nhưng người vận hành nó không hiệu quả, thì bộ máy đó sẽ chỉ nằm trên giấy, không vận hành được trên thực tế. Đây là công việc đòi hỏi phải có nhiều mũi giáp công, trong đó Đảng phải lãnh đạo quyết liệt, triệt để, đặc biệt người đứng đầu phải tiên phong gương mẫu, vượt qua chính mình, loại bỏ những lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ; quyết tâm xây dựng bộ máy thật sự năng lực, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Theo PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhưng cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; hoạt động còn chồng chéo. Bản thân chủ đề Hội nghị T.Ư 6 vừa qua đã cho thấy tính cấp thiết của nó. Bởi mấy lý do sau đây: Thứ nhất, bên cạnh những thành tích nhất định trong hoạt động đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, có thể nói bộ máy trong Đảng ta hiện nay hoạt động còn kém hiệu quả. Điều này thể hiện ở sự chồng chéo, phân tán quyền lực, một việc có quá nhiều cơ quan chỉ đạo và có những công việc không có người chỉ đạo, không ai chịu trách nhiệm cả. Thứ hai, cần phải tinh gọn bộ máy đang có nguy cơ ngày càng phình ra và giải quyết những vấn đề trong bộ máy. Sự phình ra này đang gây áp lực rất lớn cho NS. 70% NS hiện nay tập trung cho chi thường xuyên, chỉ 30% đầu tư cho phát triển là rất thấp. Vấn đề đặt ra là phải làm sao tinh gọn bộ máy, giảm những người làm trong bộ máy này.

PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, NS của chúng ta hiện đang gánh ba bộ máy: bộ máy Nhà nước, bộ máy Đảng, các đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội. Chúng ta phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng. Để xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, phải đổi mới từ cấp trên, từ T.Ư và bộ, ngành trước thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm lâu nay. Trong cải cách bộ máy tổ chức, sự tinh gọn từ cấp trên sẽ là đích đến, là định hướng để cấp dưới thực hiện, trước hết phải từ bộ máy của Đảng. Có thể nói, rào cản lớn của vấn đề tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính là sự đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là công việc rất quan trọng và không hề đơn giản. Phải xem đây là “cuộc cách mạng” trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện, triệt để, xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu. Đã là cuộc cách mạng thì chắc chắn phải có sự hy sinh, và có sự quyết tâm lớn mới có thể làm được.