Tinh giản biên chế, cuộc chiến không khoan nhượng!

Hiện ở nước ta có ba cơ quan quản lý về tổ chức biên chế. Đó là Quốc hội (QH), Ban Tổ chức T.Ư và Chính phủ. Tuy nhiên, hai năm qua, khi thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (NQ 39) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, việc quản lý bộ, ngành chủ yếu theo đầu mối, phân cấp mà chưa chú ý thu gọn các cục, vụ, dẫn đến việc giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng số cục, vụ, do đó bộ máy không ngừng phình to.

Cần tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Ảnh: NAM HẢI
Cần tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Ảnh: NAM HẢI

Kỳ 1: Bộ máy hành chính ngày càng phình to

Giảm đầu mối, tăng cục, vụ

Tinh giản biên chế theo NQ 39 là một chủ trương lớn, đã bắt đầu thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc vừa tiến hành làm tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước (HCNN), vừa tinh giản, kết hợp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Trong thời gian qua, thông thường ở bộ, ngành, địa phương chú trọng tinh giản biên chế nhưng ít quan tâm cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, cơ cấu lại tổ chức các đơn vị trong nền hành chính. Nếu không kết hợp giữa cơ cấu lại tổ chức và cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức thì sẽ không thực hiện được tinh giản biên chế.

Tháng 11- 2016, trả lời chất vấn trước QH về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng cho biết, số lượng công chức tinh giản biên chế vẫn rất thấp so mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2016, cả nước có 2,6 triệu công chức, viên chức, theo kế hoạch là phải tinh giản 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 người/hơn 2,6 triệu công chức, nhưng từ đầu năm 2015 tới thời điểm tháng 11-2016 mới giảm được 17.000 người.

Trong Dự thảo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy HCNN giai đoạn 2011-2016 mới được trình Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH tháng 9-2017, Đoàn Giám sát của QH cũng cho rằng, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên. Trong 5 năm qua, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ mặc dù đã thực hiện sắp xếp điều chỉnh ở nơi này, nơi khác nhưng về tổng thể vẫn tăng 28 đơn vị. Số đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Xu hướng nâng cấp vụ lên cấp cục diễn ra ở nhiều bộ. Một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ chuyên môn.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, chúng ta gọn đầu mối các bộ nhưng tổng cục, cục nhiều hơn. Việc đó cũng đồng nghĩa giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng lên rất nhiều, không kiểm soát được, không có cơ quan nào giám sát, chỉ có cấp bộ giám sát tổng cục, cục.

Cồng kềnh và kém hiệu quả

Trong giai đoạn kế hoạch từ năm 2016 đến năm 2020, Chính phủ đề ra rất nhiều giải pháp, thể hiện sự quyết tâm đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Đề án về cải cách hành chính giai đoạn 2016- 2020. Bên cạnh đó là kế hoạch hằng năm và lộ trình cụ thể giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị; kết hợp cải cách hành chính (CCHC) với thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy HCNN để phù hợp thực hiện đúng theo tinh thần NQ 39.

Chuyện tinh giản biên chế chưa bao giờ hết “nóng”, bởi lộ trình đã vạch ra nhưng việc thực thi hầu như vẫn… “bất động”. Không những thế, bộ máy luôn phình ra, hầu như những luật đã ban hành đều “đẻ ra” thêm bộ máy. Theo ước tính, chi lương hết gần 400.000 tỷ đồng/năm, chi đủ hết gần 1 triệu tỷ đồng, bằng ngân sách (NS) thu một năm của đất nước. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ước tính tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động ở HĐND các cấp…

Báo cáo của Chính phủ về tình hình biên chế cũng cho thấy, có đến 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc. Một số nơi dư biên chế khá lớn như: Bộ Tài chính dư 6.318 biên chế; Bộ Nội vụ dư 492 biên chế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604 biên chế. Tại 11 tỉnh, thành phố cũng dư tới 7.951 biên chế công chức. Trong đó, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (vượt 996 chỉ tiêu). Cấp bộ, chỉ có Bộ Công thương và Bộ Nội vụ đề xuất giảm biên chế, nhưng có đến 20 bộ, ngành xin tăng biên chế…

Thực tế, bộ máy hệ thống chính trị hiện quá cồng kềnh, hằng năm ngốn hàng triệu tỷ đồng. Chúng ta làm điểm chỗ này, chỗ kia, địa phương này, địa phương kia, tốn kém NS nhưng chưa hiệu quả. Cơ cấu tổ chức bộ máy HCNN còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả yêu cầu... Đây là một trong những nguyên nhân làm cho việc thực hiện pháp luật, chủ trương, các chỉ thị của Đảng, của Nhà nước kém hiệu quả; gây lãng phí tiền bạc, sức dân, làm nhờn luật và đặc biệt làm cho niềm tin của nhân dân giảm sút.

Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phát triển và tinh thần đó cần được thể hiện trong CCHC. Thêm vào đó, gánh nặng NS, áp lực nợ công đang tạo sức ép lớn đối với việc cải cách, tinh gọn bộ máy. Tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong bộ máy HCNN theo hướng gọn nhẹ, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, đồng thời cụ thể, rõ ràng về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm đang là yêu cầu rất cấp thiết.

Tinh giản biên chế, cuộc chiến không khoan nhượng! ảnh 1

Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo. Ảnh: SONG ANH

Thủ tục còn nhiêu khê

Theo TS Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ, cải cách tổ chức bộ máy HCNN thời gian qua còn nhiều hạn chế vì chưa được thực hiện trên nền tảng khoa học, chưa có tầm nhìn dài hơi, gặp đâu làm đó, tùy theo cảm hứng người đứng đầu dẫn đến hay thay đổi. Các điều kiện bảo đảm công tác cải cách tổ chức bộ máy HCNN, nhất là chất lượng đội ngũ công chức còn hạn chế. Cần có NĐ quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập các vụ, cục, tổng cục để tránh tình trạng “nâng cấp” như vừa qua.

Liên quan vấn đề này, đại biểu QH Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quan trọng là làm sao nâng cao được hiệu quả của bộ máy quản lý HCNN. Thứ nhất, cần rà soát thể chế trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đó là trách nhiệm, quyền lợi. Cho nên, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức phải đi liền với hiệu quả chứ không phải theo hệ số lương hay thời gian công tác. Thứ hai, phải định biên bộ máy quản lý HCNN tương thích với dân số, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực đó. Chúng ta cần có chính sách động viên nhiều hơn nữa. Nếu khu vực đó doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp nhiều, đầu tư nhiều, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhiều, thu thuế được nhiều, thì đồng nghĩa bộ máy HCNN đã có những đóng góp nhất định trong đó. Do đó, bộ máy này phải được hưởng thu nhập tương thích thành quả CCHC, phục vụ DN, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cần cải cách về thể chế cũng như quản lý cán bộ, làm sao để người lãnh đạo ngành, tư lệnh ngành có thể cách chức, sa thải thuộc cấp. Còn vẫn theo lối cũ phải họp hành, lấy ý kiến… có khi sự nể nang, chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến công việc.

Tuy nhiên, theo đại biểu QH Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh), thủ tục để thực hiện lộ trình này rất nhiêu khê. Hiện nay có NĐ 108 về tinh giản biên chế, nhưng các địa phương muốn tinh giản bộ máy phải trình Bộ Nội vụ duyệt. Vì lộ trình muốn giảm 10% biên chế, chưa nói đến việc chưa giảm đã phình ra, nhưng thủ tục để thực hiện tinh giản biên chế là phức tạp vô cùng. Điều này cần phải phân cấp mạnh để các địa phương chủ động. Đã giảm là phải để địa phương, cơ quan chủ động. Cần phải tháo gỡ, phân cấp rõ ràng vì đây là nhiệm vụ sống còn của sự phát triển KT-XH nói chung, chứ không chỉ riêng thủ tục hành chính. Cần phải quyết liệt tinh gọn bộ máy, đề nghị Chính phủ mạnh dạn giao cho một số địa phương, nhất là những đô thị, thực hiện chủ động trong tinh giản.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, NĐ 34 của Chính phủ quy định Bộ Nội vụ chỉ giảm trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, nhưng khi Bộ Nội vụ sắp xếp đơn vị bên trong, bộ giải thể thêm ba trường nữa và giải thể hai đơn vị là văn phòng trực thuộc ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bộ không còn phòng trong vụ nữa. Việc sắp xếp cơ cấu bên trong tránh chức năng chồng lấn các vụ và các trường với nhau.

Và mới đây, để tinh giản bộ máy, Chính phủ đã ban hành NĐ 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công thương. Theo đó, Bộ Công thương giảm từ 35 đơn vị, đầu mối trực thuộc xuống còn 30 đơn vị... Cách làm của Bộ Nội vụ và Bộ Công thương cho thấy việc tổ chức sắp xếp bên trong đơn vị là vấn đề quan trọng. Dù biên chế chưa đủ nhưng vẫn phải tiếp tục giảm, trên tinh thần “giảm 2, thu 1”, giảm những đối tượng không làm việc được, năng suất thấp và không đủ điều kiện, tiếp tục nhận những người mới có điều kiện làm việc, công tác tốt hơn. Qua đó làm cho bộ máy HCNN ngày càng hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước ngày càng cao hơn.

(Còn nữa)