KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG (3-2-1930 - 3-2-2020)

Sức Xuân trên những nhà giàn

“Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh mặc chông chênh lính nhà giàn chẳng sợ bão giông”. Hai câu hát của ca khúc “Mùa xuân DK” mới chỉ lột tả được phần nào những khó khăn, vất vả mà người chiến sĩ nhà giàn phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Buổi sinh hoạt chính trị của các chiến sĩ Nhà giàn DK1/16.
Buổi sinh hoạt chính trị của các chiến sĩ Nhà giàn DK1/16.

Nhà giàn như mái ấm

Trong cuộc đời lính biển của họ, ai cũng ít nhất một lần phải vượt qua những cơn bão nguy hiểm giữa trùng khơi. Qua lời kể của Trung tá Nguyễn Văn Lâm, người đã từng làm việc tại năm Nhà giàn DK1, tôi không khỏi bất ngờ về lòng dũng cảm của những chiến sĩ hải quân nơi đây.

Trong ký ức của Trung tá Lâm, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông cùng đồng đội chính là nhiệm vụ bảo vệ Nhà giàn DK1/9 trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão Tembin vào cuối năm 2017. Bằng giọng kể chậm rãi, người chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm mô tả tường tận về sức phá hoại kinh hoàng của cơn bão lịch sử. Song đáng ngạc nhiên là trong câu chuyện của Trung tá Nguyễn Văn Lâm, không có một từ ngữ nào mô tả về sự sợ hãi hay nhụt chí. Khi chúng tôi gặng hỏi về tâm trạng của ông Lâm và đồng đội tại thời điểm đó, người chỉ huy hiện tại của Nhà giàn DK1/20 chỉ mỉm cười: “Anh em đã lên kế hoạch và có sẵn những biện pháp đề phòng từ trước. Trước bão lớn, tinh thần phải thật vững vàng, không được bộc lộ tâm lý nao núng, sợ sệt. Sau khi bão tan, tất cả đều mừng rỡ vì thấy khả năng chống chịu thiên tai của thế hệ Nhà giàn DK hiện nay. Nhà giàn vẫn đứng vững trước sức gió cấp 11, 12, chẳng khác nào một điểm tựa tin cậy cho anh em yên tâm công tác, chiến đấu”.

Bão táp mưa sa không thể làm lay chuyển tinh thần người lính biển, nhưng cảm thức mùa xuân cùng với những ngày Tết cổ truyền vẫn làm lòng người chiến sĩ DK1 đôi lúc trùng xuống. Có gần 30 năm công tác, từng ăn nhiều cái Tết tại quần đảo Trường Sa, Trung tá Lâm vẫn bỡ ngỡ và cảm thấy chống chếnh khi lần đầu tiên đón Tết tại nhà giàn vì mọi sinh hoạt, lao động, chiến đấu chỉ quẩn quanh trên một khối kiến trúc chơ vơ giữa đại dương xanh thẳm. Nhưng là người chỉ huy, ông luôn xác định với bản thân và đồng đội: “về với DK như về ngôi nhà của mình vậy”.

Giờ đây, không ngoa khi nói rằng nhà giàn là mái ấm còn đồng đội như gia đình lớn thứ hai của ông Lâm. Việc sinh sống, học tập, lao động và chiến đấu đều trên nhà giàn đòi hỏi mỗi người lính phải tồn tại song song hai thứ tình cảm: tình đồng đội và tình anh em. Cũng vì lẽ đó, người chỉ huy bên cạnh việc khẳng định vai trò lãnh đạo trong công tác chiến đấu còn phải sống như một người chú, người anh trong gia đình để gắn kết tình cảm giữa các cá nhân trong đơn vị. Với những người lính trẻ ăn cái Tết đầu tiên xa nhà, lời động viên của các cán bộ, chiến sĩ công tác lâu năm tại DK luôn có ý nghĩa vô cùng. Từ đó, khích lệ người lính thấu hiểu tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và vai trò đặc biệt của người chiến sĩ nhà giàn. Để trở thành một chiến sĩ trực chiến giữa biển cả mênh mông, mỗi người lính DK ngoài việc luôn quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ quan trọng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, còn phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn khác như: sức mạnh thể chất, khả năng chịu đựng bền bỉ và tinh thần học tập, rèn luyện đạo đức, noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng nghỉ…

Ăn Tết là nhiệm vụ

Với Thiếu tá Phan Công Phùng, chính trị viên của Nhà giàn DK1/16, tổ chức cho anh em “ăn Tết” vui vẻ và đầm ấm cũng là một nhiệm vụ quan trọng vì đó là hoạt động nâng cao tình đoàn kết giữa các chiến sĩ trong đơn vị. Mặc dù vậy, tinh thần sẵn sàng chiến đấu vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Chia sẻ với phóng viên, Thiếu tá Phùng cho biết: “Chúng tôi đã xác định tốt nhiệm vụ. Bất cứ ở đâu chúng tôi cũng đoàn kết, gắn bó, vui vẻ và tổ chức đón Tết, mừng Xuân đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và vẫn bảo đảm tinh thần sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất”. Tại Nhà giàn DK1/16 nói riêng và toàn bộ 15 nhà giàn DK nằm trên thềm lục địa phía nam nói chung, trước dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, công tác hậu cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Bên cạnh nguồn nhu yếu phẩm được tiếp tế bằng các chuyến tàu chở hàng Tết, các đơn vị đóng quân tại đây cũng trực tiếp lao động tăng gia để bảo đảm nguồn thực phẩm tươi sống.

Có những người sĩ quan chỉ huy sát cánh bảo ban, lính trẻ DK vì vậy luôn biết phấn đấu, vượt qua những khó khăn, gian khổ để từng bước hoàn thiện mình. Trong chuyến công tác ngay trước thềm năm mới của mình, chúng tôi may mắn được gặp lính trẻ nhà giàn Lê Văn Giới. Nhập ngũ từ tháng 3-2019, đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của Giới, nhưng trên khuôn mặt người chiến sĩ tuổi mới đôi mươi luôn bừng sáng niềm vui và phấn khởi. Em tâm sự, mới ra nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/16 được bốn tháng. Thời gian đầu nhận nhiệm vụ là khoảng thời gian thử thách nhất vì em bị say sóng. Nhưng được sự giúp đỡ, động viên, dìu dắt của các chú, các anh trong đơn vị, Giới ngày càng vững vàng và thêm tự hào về nhiệm vụ của mình.

Dưới sự dìu dắt của Trung tá Nguyễn Văn Lâm, nhiều chiến sĩ trẻ đã trưởng thành vượt bậc, trong số đó có cả những chỉ huy, phó chỉ huy nhà giàn như trường hợp của Đại úy Đỗ Văn Hợp và Đại úy Vũ Duy Hoàng. Đặc biệt, cả ba thầy trò lại tình cờ gặp nhau trên tàu kiểm ngư KN261 vì cùng nhận nhiệm vụ mới tại các Nhà giàn DK1/16, DK1/18, DK1/20 nhân dịp Xuân Canh Tý 2020. Những kinh nghiệm từ người chỉ huy cũ, giờ đây lại là đồng nghiệp được các anh vận dụng để hỗ trợ cho các thế hệ tân binh tiếp theo góp phần tiếp tục xây dựng truyền thống hào hùng của Tiểu đoàn DK1 thuộc Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân.

Nhiều năm qua, được sự quan tâm từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, điều kiện đón Tết tại những Nhà giàn DK1 ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đó không chỉ là một sự hỗ trợ quan trọng về vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần cho người lính biển. Điều này đã góp phần tạo thêm sức mạnh và động lực để giữa tiết xuân, tại các nhà giàn giữa đại dương, những người lính vẫn ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời, bảo vệ chủ quyền đất nước.