Sống lại những ngày tháng hào hùng

Nhân dịp kỷ niệm những ngày chiến thắng hào hùng của dân tộc, Thời Nay chia sẻ với bạn đọc một số trích đoạn trong cuốn nhật ký xúc động của cựu chiến binh Bùi Quang Thuận, pháo thủ thuộc Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đầu đề và tít bài do tòa soạn đặt.

Bộ đội ta hành quân vào chiến trường. Ảnh tư liệu
Bộ đội ta hành quân vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc

Ngày ấy, phải trải qua ba tháng huấn luyện thật sự vất vả với khẩu hiệu: “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”, những tân binh mới có đủ kỹ năng ban đầu trên con đường trở thành người lính thực thụ. Tôi được điều về đơn vị pháo cao xạ, loại pháo 37 ly hai nòng chuyên bắn máy bay tầm thấp rất hiệu quả. Vừa về đơn vị mới tôi đã cùng đồng đội nhận lệnh gấp rút chuẩn bị đi vào chiến trường miền nam. Vậy là vừa tranh thủ huấn luyện vừa chuẩn bị mọi thứ cho một chuyến đi xa, một chuyến đi chắc chắn là gian nan, nguy hiểm. Sự sống và cái chết không phân định, có thể đến bất cứ lúc nào và cũng chưa biết điểm dừng ở không gian, thời gian nào. Chỉ một điều bao trùm lên toàn đơn vị là không khí náo động, ồn ào lúc nào cũng như sắp đi hội cho tới tận ngày lên đường.

Buổi lễ xuất quân sáng 4-4-1975 thật oai nghiêm và xúc động. Sau lời tuyên thệ và đọc lệnh hành quân của trung đoàn trưởng trước cả đoàn quân xe pháo chỉnh tề, tất cả mọi người hô vang lời thề quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Dân ở các làng chung quanh ra tiễn rất đông đứng hai bên cũng hô theo tạo thành một âm vang khắp cả triền đồi… Ai cũng thấy lâng lâng cảm giác thật khó tả của người lính, người mang trách nhiệm vinh quang mà cả nước, cả dân tộc đặt niềm tin trên đôi vai của mình. Những người con đã sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cao cả là giành lấy hòa bình, độc lập, thống nhất và tự do cho đất nước thân yêu.

Thời khắc xung trận

Đường vào chiến dịch bằng xe kéo pháo gian nan đã vượt qua cả sông Bến Hải nơi mà thế hệ cha ông từng ghi dấu. Ngày đi đêm nghỉ, đoàn quân vượt qua giới tuyến ngăn cách hai miền bắc - nam trước đây, nay đã thuộc vùng kiểm soát của quân ta. Tới Đông Hà, Quảng Trị rồi rẽ sang đường 9 nam Lào, đoàn xe pháo xù xì lá ngụy trang nối đuôi nhau cứ ầm ì, lầm lũi xẻ dọc dãy Trường Sơn, vòng qua ngã ba Đông Dương trở lại Việt Nam vào địa phận Kon Tum, Gia Lai, xuyên xuống Buôn Ma Thuột rồi luồn sâu nữa xuống phía nam… Khoảng 15 ngày cuối cùng của trận chiến là những ngày gian khổ nhất và cũng nhiều ký ức nhất, không thể nào quên trong đời lính.

Ban ngày thì máy bay trinh sát L19 địch bay lượn, buổi trưa máy bay phản lực địch tới đánh phá một vị trí rất gần có lẽ ngay ngoài đường cái. Đây là vùng ta mới kiểm soát nên vẫn có thám báo hoạt động, bom và những bãi mìn chung quanh. Vượt qua ngầm sông Bé, chạy được tầm mươi cây số nữa tới những cánh đồng cỏ tranh, đường đi bằng phẳng hơn. Đoạn này cách đồn giặc chỉ 1 - 2 km rất nguy hiểm, đèn pha địch quét loang loáng phía xa và thỉnh thoảng bắn pháo sáng cầm canh.

Những trinh sát được giao nhiệm vụ dò đường thường là người giữ súng AK ở khẩu đội, ngồi xe đi đầu cùng với đại đội trưởng. Mỗi khẩu đội có hai súng tiểu liên AK, còn lại là súng trường CKC. Ngồi ở xe đầu nguy hiểm hơn nhưng lại biết những diễn biến tình hình sớm nhất. Theo kinh nghiệm, trinh sát di chuyển phải chạy nghiêng, cúi thấp người và cao chân để đỡ vấp ngã và tránh vấp phải mìn. Anh em trong đơn vị vẫn nhớ mãi mấy câu bông đùa lạc quan của một người lính trinh sát kỳ cựu năm ấy: “Địch bắn chưa chắc đã trúng, trúng có thể mới bị thương, bị thương chưa chắc đã nặng, nặng chưa chắc đã chết”. Rồi anh ta kéo áo cho mọi người xem những vết đạn để dấu lại trên người ở chiến dịch năm 1972 và nói tỉnh bơ: “Đạn nó tránh mình chứ mình làm sao tránh được nó, vả lại sống chết có số rồi chẳng việc gì phải sợ cả”.

Đêm 29-4, quân ta tiến công toàn tỉnh Thủ Dầu Một, pháo kích liên tục bắn qua bắn lại trên đầu, khắp bầu trời pháo sáng, pháo hiệu như sao sa. Khoảng nửa đêm, địch phản pháo vào trận địa ca nông 85 và rộng ra cả khu vực đơn vị đang rải quân. Đạn nổ ghê sợ nối tiếp nhau, mặt đất rung chuyển sau mỗi tiếng nổ gần, đất đá rơi rào rào, mảnh đạn đập vào thân cây chin chít, lắc cắc… Cuộc đấu pháo lúc chuyển gần, lúc giãn xa, có cả tiếng pháo lớn 130 ly của ta bắn tới và pháo 175 ly của địch đáp trả. Tiếng đạn tầm xa này rất đặc biệt, đi rất cao rồi mất hút chìm trong các loại tiếng nổ khác. Cuộc đấu pháo dai dẳng cứ thế kéo dài tới mờ sáng mới chấm dứt.

Sáng 30-4, đơn vị của tôi hành quân theo đội hình xe tăng, sẵn sàng chiến đấu trong bất cứ tình huống nào, mỗi khẩu đội để ba pháo thủ trên mâm pháo để có thể vừa chạy vừa bắn được ngay, còn lại trên xe xếp ba-lô, đồ đạc sang hai bên, người nằm trong chĩa súng ra. Đường tiến quân hôm nay xác định rất nguy hiểm, qua nhiều đồn bốt địch giữa ban ngày, phối hợp với xe tăng và bộ binh tiến về thị xã Bình Dương, từ đây chỉ còn khoảng 40 km nữa là tới Sài Gòn. Đúng 8 giờ sáng, quân ta bắt đầu xuất phát, đoàn pháo đi giữa đội hình xe tăng, đường tiến quân rất khó vì toàn chạy trên những đồng ruộng bỏ hoang lâu ngày nhiều bờ bụi gồ ghề. Cờ giải phóng giương cao phần phật bay trên khói bụi, tiếng động cơ gầm rú băng băng vượt qua đoàn xe kéo pháo, tiếng súng phía trước vọng lại như thôi thúc vẫy gọi… Cảnh tượng thật oai hùng và đầy phấn khích cho người chiến sĩ.

Khi sắp qua bốt địch, ở giữa bãi trống ven đường quốc lộ ban ngày, người dẫn đường lại chỉ vào những chỗ rất khó đi cho xe pháo vì muốn tránh xa bốt địch. Hai chiếc xe tăng đi trước bị sa lầy không lên được khỏi những hố và bờ dốc và đường thì ngày càng khó đi. Cuối cùng đại đội trưởng gọi anh em trinh sát và cậu liên lạc đi tìm đường. Đeo bao đạn, bi-đông, các chiến sĩ cắp AK nhảy xuống xe vừa đi vừa chạy và cảnh giới hai bên vì chỗ này rất nhiều gò đất, bờ bụi dễ dàng cho địch mai phục. Mãi rồi cũng tìm được lối đi vòng thích hợp cho xe pháo qua, hai chiếc xe tăng cũng đã được kéo lên khỏi hố, xe tăng và pháo lại nối tiếp vào đội hình dũng mãnh xông lên. Khi cách khoảng 2 km tới một đồn địch thì chúng tôi thấy trận địa pháo lựu 122 ly của Tiểu đoàn 10 giăng hàng thẳng tắp trên mặt đất trống ven một bãi cỏ dại cao ngang lưng người. Cả một trận địa pháo lớn dàn ra, hạ nòng gần như bắn thẳng vào đồn thù. Trong thế áp đảo của quân ta, địch không thể bắn trả một phát nào.

Hòa chung khúc ca khải hoàn

Lúc này đoàn xe tăng của ta vượt lên trước nhằm thẳng nơi súng đạn đang nổ dữ dội ấy xông lên, còn đơn vị pháo tiến thêm tới một khu nghĩa địa cách đồn địch khoảng 1.000 m thì đặt pháo dàn trận. Sau khi pháo lựu 122 ly ngừng bắn, bộ binh và xe tăng của ta xông vào đột phá. Địch vẫn ngoan cố chống cự bên trong các công sự kiên cố, chờ đợi viện binh tới giải cứu. Để hỗ trợ cho bộ binh, pháo 37 ly được lệnh hạ nòng bắn uy hiếp trực tiếp vào căn cứ địch. Các bộ phận trinh sát, đo xa khẩn trương báo cự ly cho pháo thủ lấy phần tử bắn trên máy ngắm quang học của pháo. Với mục tiêu cố định và khoảng cách thế này thì hầu như ngắm đâu trúng đó. Từng chùm đạn lửa và đạn xuyên bắn thẳng vùn vụt, phá vỡ các mục tiêu nhô cao còn sót lại và các ổ đề kháng ngoan cố chống cự, khiến quân địch khiếp vía kinh hoàng. Sau khi dứt loạt đạn pháo, bộ binh và xe tăng đã tràn lên tiêu diệt, bắt sống bọn giặc còn sống sót, làm chủ hoàn toàn trận đánh. Đây chính là căn cứ Phú Lợi, một vị trí trọng yếu ở phía bắc Sài Gòn đã bị phá toang. Cửa ngõ đã mở quân ta ào ạt tràn qua, tiến về phía Thủ Dầu Một và sâu hơn nữa.

Tới tận hơn 4 giờ chiều, đơn vị hay tin quân ta đã chiếm Sài Gòn, Dinh Độc Lập về tay quân Giải phóng và Tổng thống Việt Nam cộng hòa đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tiếng hò reo mừng chiến thắng âm vang suốt cánh đồng nơi đơn vị đang đóng quân. Ngay sau đó, nhân dân các làng lân cận mang bao nhiêu đồ ăn, hoa quả, nước dừa… ra mừng quân giải phóng. Sau vô vàn khó khăn lặn lội qua dãy Trường Sơn, vượt hàng nghìn cây số cùng binh khí, khí tài quân sự, nhiệm vụ giải phóng miền nam và thống nhất đất nước gian khổ mà vẻ vang đã hoàn thành. Có mặt trong đoàn quân ấy và được chiến đấu những trận cuối cùng của chiến tranh, cả một lớp người như tôi và các đồng đội cho đến ngày nay vẫn không thể quên tâm thái tự hào xen lẫn niềm vui và cả những giọt nước mắt khi chứng kiến giờ phút thay đổi của thời đại ấy.