Luôn có Bác trong tim

Gần 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng nhiều câu chuyện xúc động được kể từ các nhân chứng lịch sử tại triển lãm chuyên đề “Luôn có Bác trong tim” thể hiện tình cảm thắm thiết, mối quan tâm đặc biệt của vị Cha già dân tộc dành cho những người con yêu dấu của mình.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Khuê kể chuyện về Bác Hồ cho các bạn trẻ.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Khuê kể chuyện về Bác Hồ cho các bạn trẻ.

1. Sự kiện nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020) vừa được khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp tổ chức được chia làm ba phần: Vị Cha già dân tộc, Người là niềm tin tất thắng, và Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Bên cạnh những hiện vật quý là nhiều câu chuyện xúc động về Bác của các nhân chứng lịch sử, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND). Đáng chú ý là câu chuyện về ba lần được gặp Bác trong một tháng của AHLLVTND Trương Thị Khuê, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đứng cạnh bức ảnh được Bác tặng hoa lan năm 1968 tại Phủ Chủ tịch, bà nghẹn ngào ngân lên câu hò đã biểu diễn cho Bác trong dịp này: “... Ơ! Rừng Thúy Ba nhiều cây gỗ quý, người Vĩnh Thủy ý chí kiên cường! Ơ quê hương ơi vời vợi mến thương! Càng qua lửa đạn càng thêm trưởng thành!...”. Hồi đó xã đội phó kiêm trung đội trưởng pháo 12 ly 7 xã Vĩnh Thủy, khu vực Vĩnh Linh Trương Thị Khuê đã cùng đồng đội sáu lần bắn rơi máy bay địch và được phong AHLLVTND khi mới 20 tuổi. Bà chia sẻ, đó là vinh dự lớn của cuộc đời khi tới ba lần được gặp Bác chỉ trong một tháng, được ăn cơm cùng Bác, được kể chuyện chiến đấu và hát cho Bác nghe.

Bà kể: “Ngày 11-9-1968, sau khi đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới về thì chúng tôi gồm Trần Thị Bưởi (quê Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Xuân (quê Quảng Bình) và tôi được đến gặp Bác. Khi xe dừng lại trước ngôi nhà, ngoài cửa có cây hoa phong lan, Bác gọi chúng tôi vào hỏi: Các cháu ở Quảng Bình, Vĩnh Linh dân quân Quân khu 4 nghe nói bị đánh phá ác liệt lắm, vậy các cháu kể cho bác nghe. Thế là chúng tôi kể việc trước lúc đi Vĩnh Linh, Quảng Trị đã bị B52 đánh năm trận rồi. Khi nghe kể như vậy Bác hỏi ngay: Giặc đánh ác liệt như thế thì bà con ăn ở thế nào? Tôi mới trả lời: Dạ thưa Bác! Mặc dù giặc đánh như thế nhưng bà con đều ở dưới lòng đất, vẫn có hầm chiếu phim, văn công diễn văn nghệ…, đi lại từ thôn này qua thôn khác bằng giao thông hào, đêm nằm ngủ dưới hầm chữ A. Mọi sinh hoạt của nhân dân tuyến lửa đều ở dưới lòng đất hết ạ. Bác hỏi tiếp: Thế ăn có được no không? Chúng tôi mới trả lời: Dạ thưa Bác! Giặc đánh như vậy mà chúng con vẫn được ăn no, vẫn chiến đấu. Thậm chí làm hầm ra giữa đồng để sản xuất ạ…”.

Thời đó, cánh đồng bà con sản xuất nằm trong vùng quan sát của căn cứ giặc trên Cồn Tiên, Dốc Miếu. Nên cứ thấy người dân ra sản xuất là giặc lại bắn, do vậy bà con, chiến sĩ làm hầm ngay trên ruộng để hễ giặc có bắn thì lại chạy vào hầm trú, rồi lấy súng bắn trả lại. Bà con cứ thế sản xuất ra lúa gạo, bảo đảm lương thực. Nghe chuyện của bà Khuê xong, Bác mời kẹo, chuối để sẵn trên bàn rồi còn gói cho các chị em mỗi cháu một gói mang về. Tiếp đó đưa các cháu ra cây phong lan đang nở rực rỡ, Bác nói: Hoa phong lan của Bác đẹp nhưng thành tích của các cháu còn đẹp hơn hoa phong lan. Các cháu phải giữ gìn và phát huy thành tích đó lên cho thật đẹp. Và các cháu ra về cho Bác gửi lời hỏi thăm bà con, quân và dân Khu 4 nói chung và Quảng Bình, Vĩnh Linh nói riêng: Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi!

Sau lần thứ hai được vào xem văn nghệ với Bác tại Phủ Chủ tịch, vài ngày sau, Trương Thị Khuê cùng hai nữ đồng chí nữa lại được vào ăn cơm với Bác trước khi trở về Vĩnh Linh. Bữa cơm hôm đó có rau muống chấm tương, một bát cà muối, một đĩa canh khoai sọ và một đĩa thịt gà. “Bác tự tay đơm cơm cho khiến chúng tôi quá cảm động, cả ba chị em đều chảy nước mắt không ăn được nữa. Bởi vì, cả ba chúng tôi đều không có cha, có mẹ, chiến tranh đến cứ thế là vác súng đi chiến đấu. Từ nhỏ đến lớn có ai đơm cơm thế này cho mình đâu, mọi thứ đều phải tự làm lấy. Mà giờ đây được Chủ tịch nước đơm cơm cho mình ăn. Một hình ảnh giống như ông nội, ông tiên trong nhà chăm sóc cho mình, khiến chúng tôi cảm động lắm”, bà Khuê nhớ lại: “Bác nói: Các cháu ăn khỏe đi, phải ăn hết cơm đi. Chúng tôi nén xúc động ăn hết phần cơm Bác xới. Ăn xong, khi tôi định đứng dậy Bác cười hiền nói: Cháu Khuê ăn nốt ba quả cà đi! Tôi biết Bác dạy chúng tôi phải tiết kiệm. Nghe lời Bác tôi ăn hết ba quả cà đó và thấm đến bây giờ, suốt cuộc đời 43 năm hoạt động từ cơ sở lên đến Trung ương tôi không bao giờ để lãng phí. Đó là bài học lớn từ những quả cà nhỏ Bác đã dạy tôi. Trước lúc về, Bác còn dặn dò chúng tôi: Các cháu về phải học tập, không học không làm được đâu. Học trường, học lớp, học đơn vị, học thực tế”.

Cho đến ngày 2-9-1969, một chiếc Gaz 69 đón mọi người từ Vĩnh Linh ra Hà Nội gấp. Bà Khuê không biết có việc gì cả, cấp trên chỉ bảo đồng chí có việc đi Hà Nội. Ra đến nơi bà mới biết Bác mất. “Lúc đó trong người tôi không biết thế nào nữa, hình ảnh về Bác cứ ùa về: Bác cho ăn, tặng hoa, dặn dò dạy dỗ… thế mà chừ bây giờ Bác đã rời xa chúng tôi mãi mãi”, mắt ngấn lệ, bà Khuê nghẹn ngào kể tiếp: “Tôi được phân công túc trực bên Bác với chị Trần Thị Lý, chị Nguyễn Thị Chiên và chị Ngô Thị Tuyển. Bốn anh hùng đại diện cho quân, dân trực quanh linh cữu của Bác trong 15 phút và được làm tư tưởng không được xúc động quá, không được khóc. Sau khi trực xong, ra ngoài chúng tôi mới gục xuống, òa lên khóc Người”.

2. Một kỷ niệm đáng nhớ về sự thương yêu, quan tâm đến các cán bộ, chiến sĩ của Bác cũng được chia sẻ tại triển lãm. Đó là vào mùa hè năm 1967, thời tiết vô cùng nóng nực và khó chịu. Chủ tịch Hồ Chí Minh lo cho sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội. Bác đã nói với đồng chí Vũ Kỳ rằng: Thời tiết oi bức, nóng nực như thế này không biết các chiến sĩ, tự vệ phòng không bên mâm pháo và các chiến sĩ tự vệ trực chiến trên nóc các tòa nhà có chịu được không. Các chú ấy có đủ nước để uống không! Nói rồi, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ rằng: Chú lên xem tình hình thế nào rồi về thông báo cho Bác. Vâng lời Bác, đồng chí Vũ Kỳ đã lên nóc của tòa nhà Quốc hội ở Hội trường Ba Đình. Trên đó có một tổ súng máy phòng không 14,5 mm đang làm nhiệm vụ trực chiến. Nhìn thấy công sự, ụ cát rất sơ sài, đồng chí Vũ Kỳ thầm nghĩ nếu bị địch bắn vào, mọi người sẽ không an toàn. Trời nắng nóng, chỉ đứng một lúc đã thấy hoa mắt, chóng mặt, đồng chí Vũ Kỳ hỏi các chiến sĩ: “Các đồng chí có nước ngọt uống không?”. Các chiến sĩ trả lời: “Đồng chí ơi, trên này nước uống còn thiếu, lấy đâu ra nước ngọt?”.

Nghe đồng chí Vũ Kỳ về báo cáo, Bác quyết định rút tiền tiết kiệm của mình tặng lực lượng phòng không để có thêm nước giải khát cho các chiến sĩ trực chiến máy bay Mỹ trên toàn miền bắc với số tiền 16 nghìn đồng - có giá trị bằng mấy chục cây vàng hồi đó. Từ Ngân hàng Hoàn Kiếm, thư chuyển tiền của Người được chuyển tới Tổng cục Chính trị, dấu bưu điện đề ngày 27-7-1967. Nghĩa cử đó thể hiện tấm lòng bao dung, tình cảm yêu thương vô vàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho cán bộ, chiến sĩ. Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Văn Phiệt nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân kể lại: Lúc bấy giờ tôi là tiểu đoàn phó tiểu đoàn tên lửa bảo vệ Hà Nội, đang trực chiến ở ngầm Lường. Nghe tin Bác gửi nước ngọt cho cán bộ, chiến sĩ, không chỉ riêng tôi mà tất cả các đồng đội cũng rất cảm động. Vì Bác bỏ tiền tiết kiệm của mình ra để mua nước ngọt cho bộ đội, tình cảm thiêng liêng gần gũi đó giống như của một người cha dành cho những người con thân yêu của mình vậy.

Những kỷ niệm, hiện vật tại triển lãm tiếp tục khắc họa hình ảnh Bác Hồ như một biểu tượng đặc biệt, thân thuộc và sống động trong trái tim của mỗi người dân. Qua đó, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân, các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.