Làm báo Hồn nước đón cách mạng Tháng Tám

Ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc), những năm 1944-1945, là Ủy viên BCH Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (TNCQTHD), vừa làm công việc của tòa soạn, vừa tổ chức nhóm in báo Hồn nước, tiếng nói của Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Một sớm mai, ông gọi tôi đến căn nhà đơn sơ ở phố Hồng Mai, kể lại những kỷ niệm sâu sắc thuở “hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão”.

Một số báo Hồn nước.
Một số báo Hồn nước.

Từ 46 Bát Đàn

Sinh năm 1926, thu này ông đã 93 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn giở kỷ vật, sách, ảnh xưa cho tôi xem, và bùi ngùi kể: Phố Bát Đàn, xưa còn có tên là Hàng Bát cũ. Cha tôi vốn quê ở xã Quán Trạch, huyện Văn Giang (Hưng Yên), lên Hà Nội học Trường Canh nông từ đầu thế kỷ 20 rồi làm ở Sở Canh nông nên tiến bộ, hiểu biết thời thế. Dù phải nuôi dạy tám người con, ông cụ vẫn cho tôi đưa bạn thân ở đội Ngô Quyền - một tổ chức yêu nước của thanh niên Trường Bưởi, về nhà ở 46 Bát Đàn tụ họp, trao đổi các hoạt động để góp phần cứu nước.

Năm 1942, đồng chí Vũ Duy Trương (tức đồng chí Vũ Oanh), Đội trưởng Ngô Quyền, liên lạc được với đồng chí Vũ Quý, Ủy viên Ban cán sự Đảng Hà Nội (Tổ chức Đảng của các Thành ủy, Tỉnh ủy Bắc Kỳ lúc đó, đều có tên là Ban cán sự). Tháng 9-1942, đồng chí Vũ Oanh được kết nạp Đảng. Từ đó, nhà 46 Bát Đàn cũng là nơi đi lại, hội họp của đồng chí Vũ Oanh. Nhóm bạn thân của ông Vân ở đội Ngô Quyền gồm các đồng chí Vũ Văn Mai (tức Vũ Quang), Nguyễn Viết Tiết (tức Nguyễn Anh Bảo), Phùng Văn Phúc, và ông Vân đều tham gia TNCQTHD. “Chân trời mới đã mở ra cho chúng tôi, khi hướng đi rõ ràng hơn, với lý tưởng của thanh niên: theo Việt Minh cứu nước”, ông Vân kể.

Giữa năm 1944, ông Vân cùng hai đồng chí Nguyễn Viết Tiết, Phùng Văn Phúc được cử đi học lớp chính trị ngắn ngày do đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp giảng dạy ở nhà quê đồng chí Vũ Oanh (Cẩm Giàng, Hải Dương). Vào một ngày thu, tháng 8-1944, đồng chí Vũ Quý thay mặt Ban cán sự Đảng Hà Nội, tổ chức kết nạp Đảng cho ba người ngay tại 46 Bát Đàn. Ông Vân thật tự hào, xúc động được đứng dưới lá cờ đỏ búa liềm khi mới 18 tuổi. Sau đó, đồng chí Vũ Quý quyết định thành lập Chi bộ Đảng trong Đoàn TNCQ gồm ba đảng viên mới kết nạp, thêm đồng chí Phạm Khắc Minh (tức Quốc Hồng) đang sinh hoạt ở nhóm TNCQ do đồng chí Nguyễn Thành Lê phụ trách. Đồng chí Vũ Oanh được chỉ định làm Bí thư Chi bộ Thanh niên.

Sau khi Chi bộ ra đời, năm đảng viên đầu tiên của Chi bộ làm nhiệm vụ của Ban Chấp hành TNCQTHD (riêng đồng chí Quốc Hồng, tháng 2-1945 được điều động lên Sơn Tây, sau đó được Xứ ủy chỉ định vào Ban cán sự tỉnh Sơn Tây, chuẩn bị cho khởi nghĩa của địa phương). Đồng chí Vũ Oanh, Bí thư Chi bộ được chỉ định làm công tác Thanh vận của Đảng bộ Hà Nội. Đầu năm 1945, khi ông Lê Đức Vân đi làm cán bộ chuyên nghiệp, không thường xuyên ở nhà nữa, thì địa điểm sinh hoạt chi bộ cũng chuyển đến một số gia đình đội viên ở Bác Cổ, Trần Phú, Hàng Bột, và ra cả làng Cót.

Từ hạt nhân này, đội ngũ TNCQ ngày càng phát triển ở cả nội thành và các làng ven nội lúc đó như Khương Thượng, Khương Trung, Thượng Đình, Thịnh Liệt, Phương Liệt, Quan Nhân, Láng, Bưởi… Đến tháng 8-1945, TNCQTHD đã có hơn 300 đoàn viên.

Làm báo Hồn nước đón cách mạng Tháng Tám ảnh 1

Ông Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Lá cờ “Hồn nước”

Sau khi Đoàn TNCQTHD ra đời, thực hiện chỉ thị của Thường vụ T.Ư Đảng (tháng 2-1943), đồng chí Vũ Oanh nhận thấy Hà Nội cần phải có cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên. Đồng chí bàn bạc trong BCH, lấy tên báo là Hồn nước rồi giao cho ông Lê Đức Vân lo bài vở cho các mục của báo và in ấn.

Tôi nghe ông kể và bật ra câu hỏi: Làm sao bác xoay xở đủ bài vở được? Ông cười vui: Ngày ấy, làm báo bí mật thì phải tự đặt bài, lấy bài, mang về cho tổ in báo. Các anh Lê Quang Đạo, Nguyễn Khang, Hà Minh Tuân, và cả tôi nữa, phải “nhả chữ” cho các chuyên mục, một người viết vài bài, lấy bút danh khác nhau. Cứ “cuốc” xe đạp đến các địa điểm, nơi các anh ấy đang được dân nuôi giấu mà xin bài vở thôi.

Rồi ông chỉ cho tôi xem hai số báo vẫn được lưu giữ trong Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Tôi đọc thấy rõ trên báo Số Xuân (không rõ ngày tháng năm vì chữ in bị mờ). Báo được in bốn trang. Người xem báo còn đọc được một số tên của các bài viết như: “Năm mới”, “Qua một năm tranh đấu” ở trang 1 và “Đêm giao thừa” ở trang 4. Và đây nữa, Số 5 ra ngày 1-7-1945 được in litô, mực xanh, hai trang. Còn rất rõ tên báo “Hồn nước” và dòng chữ “Cơ quan tuyên truyền của nam nữ thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu” được in mầu đỏ. Trang 1 báo in các bài: “Văn hóa với cách mạng”, “Hãy bình tĩnh trước cơn khủng bố”, “Chặt xiềng phá ách”…, đặc biệt bài thơ “Khởi nghĩa” của tác giả Mạc Văn (bút danh của nhà thơ Thôi Hữu), vẫn còn đọc được cả bài, trong đó có những câu thơ thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng: “Rượu chi đâu mà mặt nóng hồn say/Đạn súng lắp chỉ đợi giờ khởi nghĩa”.

2.000 tờ trong năm số báo, hướng về khởi nghĩa

Còn nhớ những ngày đầu, dựa vào anh em đội viên TNCQ, ông Lê Đức Vân quyết tâm in bằng được số báo đầu tiên. Nhà ông Nguyễn Văn Cung (tức Trần Thư) ở 15 Hàng Phèn, là nơi in số 1 của báo vào cuối năm 1944. Các ông lấy cái “Nhà in Ký Con” để tỏ rõ lòng yêu nước. Nhưng nhà in chỉ có hai nhân viên in rất “i tờ” về kỹ thuật là ông Trần Thư và ông Mai Luân. Tôi hỏi ông cách in báo, ông cười vui: Lúc đầu báo chỉ có hai trang, được in bằng thạch nhưng không đạt yêu cầu nên tôi đi tìm mua hộp đá ẩm. Mỗi lần in cũng chỉ được 10 - 15 bản, chữ lại mờ, không thẳng hàng. Do đó, sau khi ra số 1, chúng tôi quyết định chuyển sang in báo bằng đá litô. Anh Nguyễn Kim Chi phải học viết chữ ngược để in báo cho đẹp hơn trước.

Tháng 2-1945, cơ sở in báo Hồn nước chuyển ra làng Giáp Nhất (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), ở nhà của cụ Nguyễn Hải Hoành, bố ông Hải Hùng, Đội trưởng đội Tuyên truyền xung phong ngoại thành. Ông Hải Hùng làm tạm gian nhà đơn sơ, gọi là “bếp” ở vườn để che mắt địch. “Nhà in” báo cũng chỉ có ông Trần Thư và Nguyễn Kim Chi. Dụng cụ chỉ vỏn vẹn có hai phiến đá khổ 40 cm x 60 cm x 2 cm, vài hộp mực, vài tập giấy nhỏ và con lăn đựng trong cái bị. Vậy mà truyền đơn, áp-phích và báo tiếp tục ra được số hai, ba với bốn trang và được chuyển đến các tổ TNCQ. Các ông thuê hẳn căn nhà ở Ngã Tư Sở vừa để làm kho giấy, vừa làm địa điểm liên lạc. Bà Tạ Thị Thọ, hội viên Hội Phụ nữ cứu quốc ở Hà Đông làm nhiệm vụ chuyển giấy đến nhà in và chuyển báo đi các cơ sở.

Báo ra đến số 4 thì nhà in ở Giáp Nhất bị lộ, ông Thư và Chi lại chuyển “Nhà in” đến Láng Trung, rồi lùi xa ra Xuân Canh, quê của ông Nguyễn Viết Tiết. Cụ Nguyễn Viết Thư, cha ông Nguyễn Viết Tiết, đã nuôi giấu và tạo mọi điều kiện cho số 5 của báo ra đời vào ngày 1-7-1945. Lòng dân chia từng bát cơm độn trong lúc giặc đói hoành hành, thật cảm động, nhưng ông Trần Thư bị ốm nặng, tổ in chỉ còn ông Kim Chi và vài người phụ việc. Lúc này, cao trào kháng Nhật cứu nước dâng cao cuồn cuộn, do đó, ông Vân quyết định chuyển “nhà in” ra xã Minh Khai, ở nhà bà Bảy để bắt nhịp hơi thở cuộc đấu tranh.

Ông Vân say sưa kể tiếp: “Anh Nhuận là công nhân in Tô-panh, đã mang đến tấm đá đúc của Pháp, nên báo in đẹp hẳn lên. Chúng tôi khẩn trương in truyền đơn và báo chuẩn bị cho khởi nghĩa. Số 6 chưa kịp phát hành thì khởi nghĩa bùng nổ. Tôi được Thành ủy phân công phụ trách quần chúng khởi nghĩa ở vùng Láng - Mọc - Đại lý Hoàn Long. Anh Nhuận cũng “bay” về nhà máy in Tô-panh để tham gia vào khối công nhân cứu quốc khởi nghĩa. Anh Nguyễn Kim Chi bèn chở tất cả dụng cụ in và số báo chưa kịp phát hành về gia đình. Sau khởi nghĩa, anh Chi giao lại Đoàn TNCQTHD”.

Với năm số báo ra đời và được phát hành bí mật, báo Hồn nước của Đoàn TNCQTHD đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng và Mặt trận Việt Minh đến thanh niên; động viên, khích lệ đoàn viên xung kích trong các cuộc mít-tinh, diễn thuyết, trấn áp bọn phản động…

Cách mạng thành công, báo Hồn nước ra công khai, là cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCQTHD, trụ sở ở phố Lê Thái Tổ (gần Ngân hàng T.Ư). Cuối năm 1945, báo đã chuyển thành cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam. Thời gian và nhân chứng đi vào lịch sử. Nhưng giá trị của tinh thần độc lập - tự do đã trao truyền từ thế hệ vàng của cách mạng Tháng Tám đến ngày nay.