60 năm đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (1959 - 2019)

Ký ức về những ngày tháng can trường

Quyết tâm mở đường Trường Sơn và thực hiện thành công quyết tâm ấy là thành công kiệt xuất, một kỳ tích của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Biết bao người con nước Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ, chiến đấu, bảo vệ tuyến đường là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Trong nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong và người dân, ký ức về những ngày hào hùng, chiến đấu oanh liệt vẫn luôn ùa về, sáng rõ.

Đại diện doanh nghiệp trẻ (đứng giữa), tặng quà tri ân các cựu chiến binh Trường Sơn. Trong ảnh: Ông Hà Quý Phiến đứng thứ hai từ trái sang; bà Trần Thị Chung đứng ngoài cùng bên phải.
Đại diện doanh nghiệp trẻ (đứng giữa), tặng quà tri ân các cựu chiến binh Trường Sơn. Trong ảnh: Ông Hà Quý Phiến đứng thứ hai từ trái sang; bà Trần Thị Chung đứng ngoài cùng bên phải.

“Chiến mã Trường Sơn”

Được gặp gỡ, trò chuyện và nghe các cựu chiến binh (CCB) Trường Sơn kể chuyện là một may mắn. Nhờ thế những người sinh ra trong hòa bình hiểu hơn về một thời cha ông đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Tôi may mắn được gặp Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Phan Văn Quý cách đây ít năm. Cũng từ đó, chúng tôi tìm gặp nhiều nhân chứng, những người lính lái xe Trường Sơn, cựu TNXP năm xưa.

Ông Quý được coi là “cây sáng kiến” lái xe và bảo vệ xe an toàn. Trong chiến trường bom đạn ác liệt, vượt dốc leo đèo, qua ngầm, qua suối, không ít xe của chiến sĩ ta dính bom, người bị thương. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, những đoàn xe, đoàn người, như những chiến mã vẫn tiếp tục lên đường. Giờ đây, đến thăm Bảo tàng Hậu cần, chiến xe Zin157 do ông Quý lái ngày đó giờ được lưu giữ. Trong “lý lịch” tự hào của chiếc xe và CCB, có ghi: Trong bốn năm làm nhiệm vụ vận tải, Phan Văn Quý đã lái xe chạy được hơn 65 nghìn ki-lô-mét an toàn, tiết kiệm gần bảy nghìn lít xăng, là người dẫn đầu trong phong trào giữ tốt, dùng bền của Sư đoàn 571. Ngày 10-6-1976, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, khi mới 23 tuổi.

Với những người lính lái xe như ông Quý, việc bảo vệ an toàn cho người và xe, để đoàn xe khi chở hàng, chở bộ đội đi đến nơi, về đến chốn là cực kỳ quan trọng. Bởi thế, ngoài tinh thần gan dạ, dũng cảm, mỗi chiến sĩ đều phải nhạy cảm, có khả năng nghe máy bay địch, lựa địa hình rừng núi để tránh bom.

Chiều ngày 4-5-2019 tại Hà Nội, ôn lại về một thời hào hùng, CCB Nguyễn Ngọc Bào, quê ở Hà Nội, chia sẻ: “Năm 1967, tôi được Bộ Tư lệnh đoàn 559 bổ nhiệm từ Chính trị viên phó Tiểu đoàn 51, lên Chính trị viên Tiểu đoàn 59 vận tải ô-tô, thuộc Binh trạm 35, đóng ở Nam Lào. Tiểu đoàn được biên chế ba đội xe, gồm toàn xe và lái xe mới”.

Sau khi ổn định nơi đóng quân, Tiểu đoàn 59 nhận lệnh của Thủ trưởng Binh trạm 35 tổ chức chở một tiểu đoàn bộ binh vào bàn giao cho Binh trạm 36 phía trong. Đây là chuyến xe đầu tiên của mùa khô năm 1967-1968, nên tập thể nhất trí hạ quyết tâm “Ra quân đánh thắng trận đầu”. Ông Nguyễn Ngọc Bào được phân công trực tiếp chỉ huy đội hình xe chở quân.

Ông Bào nhớ lại, đúng tối ngày 1-12-1967, 32 xe xuất phát từ km 98 đường bắc sông Bạc. Xe đi được chừng 10 tiếng đồng hồ thì nghe tiếng máy bay C-130 và máy bay trinh sát OV-10 bay lượn trên đầu. Chúng bắt đầu thả pháo sáng rồi thả bom phát quang, bom bi inh tai nhức óc. Lập tức dưới mặt đất phía bên bờ nam sông Bạc, đối diện với đội hình xe đang chạy bên bờ bắc, các trận địa pháo phòng không 37 ly, 12 ly, 14 ly 5 của ta bắn lên bảo vệ xe. Quân địch thả nhiều bom nổ ngay và nổ chậm vào phía trận địa pháo và cả đội hình xe. Thùng xe nào cũng đầy bộ đội của ta ngồi. Nguy hiểm hơn là đường mới mở nên anh em công binh chưa kịp đào hầm, hố tránh bom. Ông Bào đề nghị cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn bộ binh, lệnh ngay anh em xuống xe, chui vào gầm xe và nằm sát vào vệ đường dưới ta-luy dương tránh bom đạn. Lúc này đã có một số lái xe và lính bộ binh bị thương. Một số đồng chí làm nhiệm vụ băng bó vết thương cho chiến sĩ. Ông Bào chạy lên xem hai xe đi đầu. Nhưng hai xe đầu đã hy sinh năm người. Lúc chuẩn bị cho đội hình xe tiếp tục hành quân, khẩn trương lên cầu phao sang bờ nam thì được tin cầu phao cũng trúng bom. Xe phải chờ đến 2 giờ sáng mới có thể khắc phục. “Đoàn xe lúc này rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Xe không tiến, cũng chẳng có chỗ quay đầu. Làm sao để đưa anh em chiến sĩ bị thương đi cấp cứu càng nhanh càng tốt. May thay, trong chiếc xe cuối cùng có một số bác sĩ, y tá của binh trạm lên chăm sóc số anh em bị thương. Rồi cũng phải đến 3 giờ sáng cầu phao mới thông, đoàn xe lăn bánh. Và phải đến hôm sau nữa, đoàn xe mới vào đến nơi tập kết. Bàn giao xong, đoàn xe quay ra tiếp tục làm nhiệm vụ”, ông Bào hồi tưởng.

Điều đáng nói, các chiến sĩ Tiểu đoàn 59 vận tải ô-tô đều mới được đào tạo 45 ngày, tuổi đời trên dưới 20, sung sức nhưng chưa từng qua thử thách bom đạn. Trong khi đó xe lại chạy vào ban đêm bằng đèn rùa tối om, đường xấu, lại nhiều đèo cao vực sâu. Thế nhưng ai cũng đem hết tinh thần và nghị lực, với ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vượt qua bao khó khăn, bảo đảm đội hình 32 xe đi đến nơi về đến chốn.

Phải khẳng định, tinh thần vượt khó, sáng tạo trong chiến đấu, mở đường, lái xe nơi tuyến lửa Trường Sơn vô cùng lớn lao. Còn nhớ, vào năm 1984, một đoàn nhà báo Mỹ đến phỏng vấn Anh hùng LLVT Đỗ Văn Chiến, quê ở Hải Hậu, Nam Định (nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 101, Binh trạm 31, Đoàn 559), trong đó có câu: “Có điều chúng tôi không thể hiểu, là chúng tôi đánh nhiều thế mà xe của các ông vẫn cứ chạy, dù bom dội xuống liên tục?”. Anh hùng LLVT Đỗ Văn Chiến, trả lời: “Chúng tôi chạy là để thắng các ông. Các ông không đủ khả năng đánh hết đường Trường Sơn đâu. Các ông đánh đường này chúng tôi chạy đường khác. Chúng tôi có ý chí và trái tim yêu nước để vượt qua bom đạn của các ông mà đi”.

Dũng cảm trong thời bình

Sau ngày đất nước thống nhất, đã có hàng nghìn thương, bệnh binh từng làm nhiệm vụ ở tuyến đường Trường Sơn, trở về đời thường tham gia lao động sản xuất vươn lên trở thành những tấm gương sáng. Như thương binh Hà Quý Phiến ở xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), thương binh Đặng Sỹ Ngọc, ở TP Vinh (Nghệ An), Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh, ở Nam Đàn (Nghệ An), CCB Lê Thành Đồng, ở TP Yên Bái, CCB Trần Thị Chung ở Vũ Thư (Thái Bình)…

Tôi gặp thương binh Hà Quý Phiến nhiều lần, không chỉ bởi ông là một tấm gương vượt khó, mà còn là một kiện tướng về thể thao, khi đã bỏ lại một chân ở chiến trường.

Năm 2003, lần đầu tiên ông Phiến được tham gia thi đấu là dịp Para Games 2 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội và giành Huy chương bạc môn bóng bàn. Sau lần tham dự Para Games, ông hăng hái tham gia nhiều giải đấu dành cho người khuyết tật và nhiều kỳ thi gặt hái được giải cao. Gặp ông Phiến trong chiều ngày 4-5-2019, dù tuổi đã cao, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh mà ông bảo “do thể thao ban cho”. Ông Phiến thổ lộ: “Hôm nay được gặp nhiều CCB từng làm nhiệm vụ ở tuyến đường Trường Sơn là may mắn. Ngay cả việc về nhà chỉ với một bên chân cũng là may mắn. Tôi nghĩ mình cần phải sống tiếp phần đời sáng đẹp của thời oai hùng đó, sống thay phần đồng đội, những người đã nằm lại trong lòng đất mẹ”.

Ngồi bên cạnh thương binh Hà Quý Phiến là một người phụ nữ mặn mà, đầy lạc quan. Qua tâm sự, được biết đó là CCB Trần Thị Chung, quê ở Thái Bình (nguyên là lính của Binh trạm 44, Sư đoàn 471). Những năm gian khổ, ngoài cầm súng, bà Chung được giao đảm nhiệm nuôi quân và có nhiều sáng kiến, giúp cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Sau này thống nhất đất nước, bà Chung xây dựng gia đình với ông Phan Văn Máy, là chiến sĩ thông tin Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Ông bà vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác để nuôi dạy ba đứa con nên người. Khi điều kiện gia đình có của ăn của để, bà cùng chồng và các con lập công ty, mở trang trại rồi tích cực làm thiện nguyện. Đến nay, bà đã có 21 năm giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Bà Chung tâm sự, không ít CCB làm nhiệm vụ ở Trường Sơn trở về cuộc sống hòa bình, làm giám đốc doanh nghiệp, thành tấm gương làm kinh tế giỏi. Họ giữ gìn ký ức và tinh thần người lính bất khuất. Họ khắc phục khó khăn cuộc sống, nhiều người như bà đã và đang chung tay làm thiện nguyện vì cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại và có rất nhiều người con ưu tú của Tổ quốc góp phần làm nên huyền thoại đó. Hàng nghìn tấm gương hôm nay với hàng nghìn câu chuyện để mãi mai sau tự hào.