Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tự phê bình và phê bình

Trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên tắc tự phê bình và phê bình luôn được đặc biệt coi trọng. Có thể khẳng định rằng, chính nhờ thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình mà Đảng ta đã tồn tại và phát triển lớn mạnh, vượt qua bao sóng gió. Trong suốt cuộc đời mình, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và viết về vấn đề này. Người thường đặt mệnh đề “tự phê bình” lên trước, như với hàm ý “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại lễ lần thứ 35 ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 3-2-1965
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại lễ lần thứ 35 ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 3-2-1965

Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản lần đầu vào tháng 10-1947, Người dành hẳn mục đầu tiên trong sáu mục để bàn về phê bình và sửa chữa. Trước hết, Người bàn về mục đích của việc phê bình: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.272 - Sđd).

Từ mục đích hết sức cụ thể, rõ ràng, minh bạch như thế, Người chỉ ra cách thức phê bình: “Phê bình mình cũng như phê bình người, phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người” (Sđd, Tập 5, H.2011, tr.272).

Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người là một quan điểm nhân văn, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nêu lên điều này, Người dường như đã dự liệu tình huống một số người, đứng trước khuyết điểm của đồng chí, đồng đội thì “như đối với hổ mang, thuồng luồng” (Sđd, Tập 5, H.2011, tr.304), nhân “giậu đổ, bìm leo” bới móc, xúc phạm đến nhân phẩm, cuộc sống đồng chí.

Tháng 5-1966, khi bổ sung bản Di chúc đã đánh máy từ năm 1965, Người viết thêm vào đoạn căn dặn Đảng ta phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê và phê bình: “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (Sđd, Tập 15, H.2011, tr.611).

Năm 1968, khi làm việc với đồng chí Hà Huy Giáp, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương về xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được” (Sđd, Tập 12, H.1995, tr.554).

Hệ thống ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các năm 1947, 1966, 1968 vừa nêu ở trên, chúng tôi thấy mục tiêu và cách thức phê bình của Hồ Chí Minh có quan hệ thống nhất biện chứng với nhau, đó là xuất phát từ con người, tất cả vì con người. Do vậy, việc sử dụng “vũ khí phê bình” nhất định phải dựa trên điểm xuất phát này, để phê bình đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi. Làm được như vậy, chắc chắn việc phê bình và tự phê bình thu được hiệu quả cao, ngược lại thì thất bại, thậm chí mở đầu cho quá trình ghen ghét, đố kỵ, mâu thuẫn sau này.

“Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nghìn đời nay nhân dân đã đúc kết nên những giá trị nhân văn sâu sắc của lời ăn, tiếng nói. Thấu hiểu truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ mục đích phê bình để làm việc tốt hơn, đoàn kết hơn, thống nhất hơn, đã luôn quan tâm nhắc mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có cách phê bình phù hợp, khiến người được phê bình dễ tiếp thu, tự giác sửa chữa.

Để thực hành tự phê bình và phê bình hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh và tuyệt đối đề cao vai trò của dân chủ. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở, trong làm việc, trong tự phê bình và phê bình, phải dân chủ để “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” (Sđd, Tập 5, tr.319). Và trên bài báo “Cái chìa khóa vạn năng”, đăng Báo Nhân Dân ngày 25-3-1967, Người khẳng định: “... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” (Sđd, tập 15, H.2011, tr.325).

Ngày 25-8-1956, phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng), khóa II, bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn nhận khuyết điểm: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ và làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta” (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, H.2008, tr.326).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện phê bình và tự phê bình không thể thực hiện theo kiểu chiến dịch, phong trào mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, khiến cho việc này trở thành nền nếp tự nhiên, như việc rửa mặt mỗi ngày. Người viết: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” (Sđd, Tập 5, H.2011, tr.279).

Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu vội vàng cho rằng vì Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương dân chủ nên không nghiêm khắc trong phê bình. Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn “thượng tôn pháp luật”. Người không chỉ lấy đức trị để giáo dục, răn đe, động viên mọi người, mà rất chú trọng ban hành các quy định pháp luật để xử lý các hành vi sai lệch.

Hơn một tháng sau ngày lập nước, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh, huyện,... nêu rõ sáu căn bệnh cần đề phòng, là “trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo”. Ngày 27-11-1945, Người ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ. Ngày 26-1-1946, Người ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (vào ngày 31-10-1946), Người nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” (Lâm Quang Thự, Hồi ký Bác Hồ với Quốc hội, lưu kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu H25C15/52).

Trong thực tế xử lý công việc, với vai trò Chủ tịch nước, Người rất kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật và trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội, dù ở cương vị nào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người từng y án tử hình một đại tá quân nhu vì tội tham ô, lợi dụng xương máu của anh em chiến sĩ để mưu lợi cá nhân. Đến năm 1964, một Thứ trưởng Nông nghiệp vì có quan hệ bất chính mà đầu độc vợ, Người đã quyết định y án tử hình, để giữ nghiêm phép nước và làm gương cho người khác.

Là người sáng lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hành tự phê bình và phê bình. Người là người cộng sản xuất sắc nhất trên cả ba lĩnh vực: quan điểm, ứng xử khi được phê bình và thực hiện phê bình - tự phê bình. Không những cán bộ, nhân dân ta mà bạn bè trên thế giới khi nghiên cứu các trước tác và cuộc đời Hồ Chí Minh đều có chung nhận xét: Người là mẫu hình của sự thống nhất trọn vẹn giữa nói và làm. Mọi suy nghĩ và hành động của Người, trong đó có việc phê bình và tự phê bình, đều xuất phát từ mục tiêu giản dị: tất cả vì con người và vì hạnh phúc của mọi người.