Bảo đảm lợi ích nhà nước khi cổ phần hóa

Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá trong việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn nhà nước nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, bảo đảm lợi ích cho Nhà nước, như: thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận thoái vốn theo lô... Song thực tế 10 năm qua cho thấy, CPH luôn chậm so với yêu cầu, chất lượng CPH còn thấp.

Vietnam Airlines đã hoàn tất quá trình cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong năm 2016.
Vietnam Airlines đã hoàn tất quá trình cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong năm 2016.

Những chuyển biến tích cực

Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN năm 2016 của Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV, việc THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN đạt nhiều bước chuyển tích cực. Ðặc biệt, đây là lần đầu Chính phủ xây dựng được kế hoạch tổng thể, chi tiết danh mục DNNN thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm sử dụng vốn nhà nước đúng mục đích, hiệu quả. Ðồng thời, Chính phủ triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá trong việc thoái vốn nhà nước nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, bảo đảm lợi ích cho Nhà nước như thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận thoái vốn theo lô...

Báo cáo nêu rõ, các tập đoàn, tổng công ty (TÐ-TCT) tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt. Năm 2016 đã thực hiện thoái vốn được 5.149 tỷ đồng, thu về 18.832 tỷ đồng, gồm thoái vốn tại năm lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư tại các DN ngoài năm lĩnh vực nhạy cảm 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng… Theo tổng hợp báo cáo tài chính năm 2015 của 652 DNNN có tổng tài sản 3.043.687 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.376,2 tỷ đồng, tổng doanh thu 1.588,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 161.431 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 246.038 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, công tác quản trị, điều hành, quản lý, đầu tư phát triển và mở rộng thị trường của các DNNN sau CPH có tiến bộ đáng kể. Qua đánh giá kết quả CPH DNNN giai đoạn 2011 - 2015, tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2015 đều tăng hơn trước khi CPH. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật liên quan CPH DNNN; trường hợp DNNN chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, để bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định trong quá trình xác định giá trị DNNN thực hiện CPH.

Năm 2017, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, đó là tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp, CPH, thực hiện cơ cấu lại DNNN theo Ðề án Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Bảo đảm lợi ích nhà nước khi cổ phần hóa ảnh 1

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư theo lộ trình và kế hoạch được phê duyệt.

Vẫn chậm về tiến độ, thấp về chất

Đề cập những thách thức lớn trong quá trình CPH các DNNN thời gian qua, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Ðại Lai thẳng thắn đặt vấn đề, việc sử dụng tiền của Nhà nước sau CPH như thế nào, khi mà CPH rồi nhưng tiền Nhà nước vẫn luẩn quẩn trong DN “hậu” CPH? Từ năm 2010 đến nay, tốc độ CPH chậm dần, khó dần và ngày càng vướng phải những khó khăn mới do số DNNN còn lại đều là những DN “nhạy cảm”, cỡ TÐ-TCT, từng được gọi là những “quả đấm thép” của nền kinh tế. Trong khi đó, quá trình tiếp tục CPH các DNNN còn có những khó khăn, thách thức như việc làm sạch nợ, làm rõ các mối quan hệ trách nhiệm kinh tế và phương án cơ cấu lại các DNNN trước khi lên sàn hết sức khó khăn. Việc định giá DN cho đến thời điểm CPH rất phức tạp.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), số vốn bằng tiền và giá trị tài sản của Nhà nước đang nằm ở các DN mà Nhà nước sở hữu từ 50% đến 100% vốn điều lệ là 5,4 triệu tỷ đồng, lớn hơn 125% GDP năm 2016. Khu vực kinh tế nhà nước chỉ tạo ra không quá 35% GDP bình quân 5 năm qua. Còn theo công bố của Tổng cục Thống kê, cơ cấu thành phần kinh tế làm ra GDP của Việt Nam năm 2013 là: khu vực tư nhân 48,2%; khu vực nhà nước 32,2% và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 19,6%. Cơ cấu này đến nay về cơ bản không thay đổi đáng kể.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Ðức Hiếu cho biết, đến năm 2016, đã CPH 4.506 DNNN. Song thực tế 10 năm qua cho thấy, CPH luôn chậm so yêu cầu. Chất lượng CPH còn thấp. Nhiều mục tiêu quan trọng chưa đạt được, trước hết là mục tiêu thu hút đầu tư tư nhân và giảm tỷ trọng CP nhà nước tại DN theo quy định. Cụ thể, về số lượng và tiến độ, những năm 2007 - 2010 chỉ đạt 30% kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 93% kế hoạch, nhưng tới một nửa số DN được phê duyệt phương án CPH vào năm 2015, năm cuối của kỳ kế hoạch. Cả năm 2016 chỉ CPH được 56 DN. Về chất lượng, hầu hết DN CPH giai đoạn 2011 - 2015 không đạt kế hoạch thoái vốn nhà nước theo phương án đã được phê duyệt. Tỷ lệ CP nhà nước sau CPH luôn cao hơn so quy định. Xét tổng thể, kết quả CPH DNNN chưa có ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu lại kinh tế, chưa thu hút NÐT bên ngoài, tỷ lệ CP nhà nước còn lớn cho nên chưa góp phần phân bổ lại nguồn lực giữa DNNN với DN khác, mức độ đóng góp vào cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế chỉ ở mức độ hạn chế.

Cần thay đổi thực chất về cơ chế và cách thức triển khai

Theo TS Lê Anh Duy (Trường đại học Sài Gòn), sau 5 năm đẩy mạnh CPH (2011 - 2015), số lượng DNNN giảm nhanh, nhưng thực tế, vốn của Nhà nước bán ra thị trường chỉ khoảng 8%, còn lại gần 92% vốn tại các DN sau CPH vẫn do Nhà nước nắm giữ. Con số này cho thấy phía sau quá trình CPH hiện đang còn nhiều “góc khuất” cần được làm sáng tỏ.

Ðơn cử, cuối năm 2015, TCT Rau quả, Nông sản hoàn thành CPH và người ta thấy tên cổ đông chiến lược (CÐCL) của đơn vị này là các công ty “con” của một ông chủ ngân hàng. Danh sách ba CÐCL mua 60% số CP của TCT Rau quả, Nông sản đều là các DN thuộc sở hữu của ông chủ ngân hàng, hoặc ít nhất cũng là các công ty mà ông này có thể chi phối bằng cách này hay cách khác. Cũng trong thời gian này, giới đầu tư còn chứng kiến thương vụ mua 97% CP của TCT Công nghiệp ô-tô Việt Nam. DN thâu tóm gần như toàn bộ Vinamotor là một “đại gia” về tài chính và bất động sản.

Về vấn đề này, TS Lê Anh Duy cho rằng, những thương vụ mua CP với tư cách CÐCL “cùng họ” như nêu trên đơn giản là cuộc thâu tóm DN của các đại gia và mục tiêu họ hướng tới có lẽ là diện tích đất “vàng” mà các DNNN được CPH đang sử dụng. Trong khi đó, lúc thực hiện CPH, NÐT cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch, nhưng sau khi CPH xong lại có tình trạng chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu. Có thể thấy, việc mua bán và sáp nhập DNNN gắn với những lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của DNNN sau CPH. Nhiều DNNN bị “thâu tóm” bởi các DN trái ngành. Minh chứng rõ nhất là gần đây, câu chuyện Hãng Phim truyện Việt Nam trở thành sở hữu của một DN kinh doanh vận tải đường thủy tiếp tục hâm nóng việc các DNNN bị “thâu tóm” bởi những DN có lĩnh vực kinh doanh… hoàn toàn xa lạ. Vậy chủ mới quan tâm ngành nghề của DN được CPH hay diện tích đất mà các DN này đang quản lý, sử dụng?

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng nằm ngay trong cách thực hiện CPH DNNN. Có nghĩa là giao cho những người trong cuộc hay “đối tượng liên quan” bán tài sản do chính họ quản lý, đồng thời trao luôn cho họ cả tư cách người mua. Sự lạm dụng có thể phát sinh ngay từ trước khi lên phương án CPH, chẳng hạn, nếu ai đó có ý đồ dìm giá trị DN, họ có thể để DN thua lỗ rồi sau đó mua được rẻ; hoặc cố tình che giấu thông tin liên quan để hạn chế, ngăn cản người mua khác…

Ông Phan Ðức Hiếu thẳng thắn, cần có sự thay đổi thực chất về thể chế, cơ chế và cách thức triển khai, nếu không việc thực hiện chương trình CPH DNNN giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn như thực tiễn mười năm qua. Ðể CPH thành công và hiệu quả các DNNN, việc cần làm là phải quy trách nhiệm người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN. Cùng với đó, cần phải thay đổi một cách căn bản về chủ trương và đối tượng để tiến trình CPH diễn ra một cách thực chất và hiệu quả. Ðặc biệt, cần xác định rằng mọi DNNN cần phải được CPH, trừ số ít những DNNN thuộc diện Nhà nước phải sở hữu 100%.