Bảo đảm các lợi ích cốt lõi của Việt Nam

Trong tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Tờ trình đề nghị QH xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một trong những nội dung cử tri cả nước đặc biệt quan tâm và nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu (ĐB) QH.

Ngành dệt - may được coi là có nhiều lợi thế khi Việt Nam tham gia CPTPP. Ảnh: LAM ANH
Ngành dệt - may được coi là có nhiều lợi thế khi Việt Nam tham gia CPTPP. Ảnh: LAM ANH

Kỳ vọng việc Việt Nam gia nhập CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn, tuy nhiên các ĐBQH cũng phân tích rõ những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Trong phiên thảo luận tại Hội trường, sáng 5-11, một số ĐBQH cho rằng, việc phê chuẩn CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong khu vực Đông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Bày tỏ quan điểm nhất trí phê chuẩn Hiệp định ngay tại kỳ họp này bởi “những cơ hội quý giá mà CPTPP mang lại” như: mở rộng thương mại, đầu tư; hoàn thiện thể chế… Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (ĐBQH đoàn Thái Bình) nhận định: Việc tham gia CPTPP là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN), cơ hội có thêm việc làm cho người lao động (NLĐ), cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường (TT).

Tuy nhiên, theo ĐB Vũ Tiến Lộc, chúng ta “không thể không lo lắng”, các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực khi bài học thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa qua cho thấy rõ điều này. Bởi vậy, đề nghị QH giao cho Chính phủ triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả. Thực tế, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Tức là khoảng cách với thế giới còn quá lớn, và sự cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt.

Mặc dù không còn Mỹ, nhưng CPTPP được coi là một FTA thế hệ mới, với nhiều tiêu chuẩn cao và toàn diện. Để tận dụng được những lợi ích lớn mà CPTPP đem lại sẽ là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam. ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng: Các DN phải lưu tâm một số thách thức. Thứ nhất, ở một số mặt hàng sẽ tăng nhập khẩu (NK) nguyên vật liệu. Thứ hai, trong quá trình triển khai CPTPP, chúng ta không được lợi nhiều về thuế suất ưu đãi cả chiều xuất khẩu (XK) và NK đối với các nước thành viên. Thứ ba, về vấn đề cạnh tranh, tham gia CPTPP sẽ làm tăng năng suất lao động và tăng giá trị hàng hóa, nhưng lại đòi hỏi phải tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học - công nghệ (KH-CN). Các DN nhỏ không có khả năng đầu tư vào KH-CN sẽ có khả năng bị phá sản và NLĐ mất việc làm. Vì vậy, các DN phải đồng hành với Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước và DN trong khối CPTPP…

Nhắc lại quá trình bảy năm cùng 40 vòng đàm phán, thành viên tham gia người thoái lui, người vắng mặt trong đàm phán, ĐB Lê Thu Hà (đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của QH cho rằng, đây là hiệp định thương mại trắc trở, khó đoán định nhất lịch sử, nhưng cuối cùng cũng đạt được kết quả. Bên cạnh những ưu đãi “vàng” mà CPTPP mang lại, thách thức của nền kinh tế Việt Nam nằm ở năng lực cạnh tranh. Nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực KH-CN, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ từ CPTPP.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, tại sao các nước mời Việt Nam tham gia CPTPP? Câu trả lời là các nước đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam - đất nước đã thành công sau hơn 30 năm đổi mới. Bên cạnh đó, họ muốn nhắm tới TT 95 triệu dân của Việt Nam. Họ muốn đầu tư vào Việt Nam và coi đây là TT XK đầy tiềm năng của họ.

Phân tích cụ thể hơn những yêu cầu CPTPP đặt ra với hàng hóa, DN sản xuất Việt Nam về quy tắc xuất xứ hàng hóa, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân (ĐBQH đoàn TP Hà Nội) bày tỏ quan ngại, dệt - may lâu nay vốn được coi là mặt hàng có lợi thế, nhưng phần lớn nguyên liệu sản xuất ngành này lại không nằm trong số các nước được CPTPP chấp nhận về nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gay gắt, nhiều nhà đầu tư có thể rời bỏ TT Trung Quốc, chuyển sản xuất sang nước thứ 3 như Việt Nam để không bị ảnh hưởng. Nếu không kiểm soát tốt, có thể xảy ra tình trạng hàng hóa, nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước không phải trong khu vực tuồn vào, điều này rất nguy hại, hoặc làm chết các hoạt động sản xuất trong nước, hoặc bị rơi vào tình trạng vi phạm cam kết. Khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề.

Giải trình thêm về CPTPP trước QH, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong quá trình đàm phán Hiệp định, bằng nhiều biện pháp, Chính phủ đã tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội, các ngành hàng và cộng đồng DN. Sau khi đàm phán, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá, định lượng về tác động của CPTPP đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như: tăng trưởng GDP, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, cũng như tác động đến các lĩnh vực sản xuất trong nước và đã được gửi kèm theo báo cáo của Chính phủ đến các vị ĐBQH.

Phó Thủ tướng khẳng định, các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện Hiệp định này một cách hiệu quả, có lợi cho đất nước.