Kỷ niệm 73 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2-9

Bài học của mọi thành công

Những ngày đầu mới giành lại độc lập, trong bối cảnh đầy khó khăn thử thách, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ cách mạng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, huy động được lực lượng vật chất và tinh thần của dân tộc để đương đầu thắng lợi với mọi loại kẻ thù, mọi loại nguy cơ. Bài học của những thành công đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9. Ảnh: LÊ MINH
Diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9. Ảnh: LÊ MINH

Huy động mọi nguồn lực trong dân

Ngay sau khi giành được chính quyền, tình hình tài chính của Chính phủ lâm thời rất khó khăn. Trong kho bạc chỉ còn lại 664.000 đồng có thể tiêu được vì một số lớn giấy bạc đã rách nát, đến thời hạn tiêu hủy. Nếu tính giá gạo cao nhất ở Bắc Bộ lúc đó là 700 đồng một tạ thì chúng ta chỉ còn mua được 98,8 tấn gạo.

Trước tình hình tài chính tưởng chừng như tuyệt vọng đó, ngày 4-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 04 thành lập Quỹ độc lập. Từ ngày 17-9 đến ngày 24-9-1945, Chính phủ lâm thời tổ chức Tuần lễ vàng, động viên mọi người tự nguyện đóng góp ủng hộ việc xây dựng và bảo vệ nền độc lập. Nhân dân (từ liên khu V trở ra) đã đóng góp cho Chính phủ 370 kg vàng trong Tuần lễ vàng và 20 triệu đồng cho Quỹ độc lập. Số tiền, vàng nói trên không lớn so nhu cầu chi tiêu của một quốc gia, song nó đã giải quyết được những khó khăn gay gắt trước mắt, nhất là việc xây dựng, nuôi dưỡng và trang bị cho các đơn vị Vệ quốc quân đang được gấp rút xây dựng.

Các nhà tư sản dân tộc yêu nước là những người đóng góp nhiều cho Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng và nhiều phong trào lạc quyên khác. Ông Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Re’sistanco ở Hải Phòng, người đã từng có nhiều hoạt động cứu đói cho đồng bào ở Hải Phòng, đã đóng góp cho Chính phủ 105 lạng vàng trong Tuần lễ vàng. Bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô, người đã chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo khác ở căn nhà số 48 Hàng Ngang trong những ngày đầu Người mới về Thủ đô) đóng góp cho Chính phủ 117 lạng vàng. Các bà Phát Đạt, Lương Thị Tình ủng hộ 56 lạng vàng. Bà Vương Thị Lai góp 101 lạng vàng. Trong Tuần lễ vàng, bà con giới công thương đã đóng góp cho Chính phủ khoảng 4.000 lạng vàng.

Sự ủng hộ đóng góp của toàn dân không chỉ dừng lại ở Tuần lễ vàng và Quỹ độc lập. Các đoàn thể cứu quốc thường xuyên tổ chức phong trào lạc quyên ủng hộ bộ đội, ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Các nhà công thương, tư sản yêu nước đóng góp nhiều tiền của giúp Chính phủ thành lập Việt Nam công thương ngân hàng với số vốn huy động được khoảng 1.800.000 đồng, giúp Chính phủ mua vũ khí, mua áo ấm cho chiến sĩ... Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cũng thể hiện tấm lòng hướng về Tổ quốc của mình qua những phong trào hoạt động sôi nổi, rộng rãi và thiết thực. Nhân chuyến đi thăm Pháp của phái đoàn Quốc hội nước ta (từ 16-4 đến 23-5-1946), Việt Nam công nông đoàn ở Pháp đã phát động phong trào lạc quyên quốc gia. Sau gần hai tháng phát động đã có 117 cá nhân và tổ chức Việt kiều ở Pháp tham gia với số tiền lạc quyên thu được lên tới 10.642.135 quan.

Sau ngày Pháp nổ súng gây chiến ở Nam Bộ (23-9-1945), cả nước bùng lên phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Cả nước dồn sức người, sức của chi viện cho Nam Bộ. Tinh thần “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên, đã được toàn dân biến thành hành động cụ thể. Các cuộc mít-tinh, biểu tình biểu thị quyết tâm kháng chiến, quyết tâm bảo vệ nền độc lập được tổ chức ở khắp nơi. Những khẩu hiệu “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”, “Triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh” được giương cao. Toàn dân cả nước góp tiền bạc, mua sắm vũ khí, ủng hộ chăn màn quần áo cho các chiến sĩ ở miền nam, lập Quỹ Nam Bộ... Trong Ngày Nam Bộ nhân dân Hà Nội đã quyên góp được 210.000 đồng và nhiều đồ dùng cho Nam Bộ. Ngày len vải sợi do Phụ nữ cứu quốc Hà Nội tổ chức đã quyên được 5.842 m vải, 149 kg len, hàng nghìn quần áo, chăn màn, giày-dép. Từ tháng 11-1945 đến tháng 11-1946, Bộ Quốc phòng đã chuyển vào mặt trận miền nam hàng chục chuyến xe lửa gạo, hơn 4.000 chăn Nam Định, 80.000 m vải ka-ki. Tháng 12-1946 một đoàn thuyền đã vượt biển mang vũ khí từ miền bắc chi viện cho mặt trận Nam Bộ...

Bài học của mọi thành công ảnh 1

Nhân dân tập trung tham dự khai mạc "Tuần lễ vàng" tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Ảnh tư liệu

Quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân

Khoảng thời gian sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến khi cả dân tộc Việt Nam chính thức bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập mới giành được, là một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt. Chúng ta phải bảo vệ và xây dựng Chính quyền cách mạng, chống lại những âm mưu xâm lược của thực dân đế quốc, âm mưu phá hoại, lật đổ của bọn phản động tay sai, vừa phải tích cực bồi dưỡng sức dân, xây dựng cuộc sống mới, đẩy lùi giặc đói, giặc dốt... Đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc đã được động viên cao độ. Chính kẻ thù cũng phải thừa nhận: “Người ta nhận thấy Chính phủ Việt Minh chỉ trông cậy ở thực tài của mình để gây uy tín trong dân chúng ủng hộ mình thành lập chủ nghĩa vô sản trên dải đất Việt Nam”.

Trong bối cảnh đầy khó khăn thử thách, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ cách mạng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, huy động tối đa lực lượng vật chất và tinh thần của dân tộc để đương đầu thắng lợi với các loại kẻ thù, các loại nguy cơ. Toàn dân Việt Nam đã đồng lòng nhất trí nghe theo, làm theo những lời kêu gọi của Chính phủ, của Mặt trận Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả lấy mục tiêu chung Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết làm điểm tương đồng.

Những đóng góp, hy sinh của toàn dân Việt Nam trong những năm tháng đó không thể đo đếm đơn giản bằng những con số thống kê mà ẩn sau đó là tình cảm, là nguyện vọng, là ý chí của nhân dân ta với Cách mạng, với Chính phủ, với Hồ Chí Minh, với Độc lập tự do. Bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: “Khi đó chúng tôi không hề có ý nghĩ tiếc tiền mà chỉ mong sao giúp được Tổ quốc, giúp được Chính phủ Cụ Hồ, góp sức giữ vững được nền độc lập. Chúng tôi không thể ra chiến trường chiến đấu như anh em chiến sĩ, chỉ có chút tài sản để đóng góp cho Tổ quốc lẽ nào lại tiếc. Số tài sản đó có thể tính đếm bằng ngàn, bằng triệu nhưng đằng sau những ngàn, những triệu đó là tấm lòng yêu nước của những người chung một nòi giống Việt Nam. Tấm lòng thì không đo đếm được...” (Chúng tôi theo Cụ Hồ, ủng hộ Việt Minh, Vương Anh ghi, 1999).

Trong những năm 1945 - 1946, trí tuệ và lý tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm của Hồ Chí Minh đã có một sức lôi cuốn, cảm hóa mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết quanh Người và quanh Chính phủ cách mạng do Người làm Chủ tịch. J.Sainteny, người đại diện cho Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh trong thời gian 1945 - 1946, trong tập hồi ký Một nền hòa bình bị bỏ lỡ đã viết: “...Do hiểu biết rộng, thông minh, hoạt động rất tích cực, tuyệt đối không nghĩ tới chuyện riêng tư, ông đã được nhân dân kính yêu, tin tưởng không ai sánh kịp. Rất tiếc là hồi đó chính phủ Pháp đã đánh giá thấp nhân vật này và đã không hiểu được giá trị cũng như uy lực của ông”.

Trong những năm 1945 - 1946, những lực lượng phản cách mạng cũng kêu gọi đấu tranh, kêu gọi yêu nước... để lôi kéo nhân dân. Nhưng những điều tuyên truyền mị dân giả hiệu không giành được ảnh hưởng. Bởi vì để có được lòng dân, không thể chỉ bằng những lời tuyên truyền suông mà phải bằng những công việc cụ thể, thiết thực đem lại lợi ích cho nhân dân. Những năm 1945 - 1946, trong thời gian ngắn, nhân dân ta đã được hưởng những quyền lợi chưa bao giờ được hưởng, về dân chủ, về dân sinh, về dân trí... Tất cả những điều đó đều do Chính quyền cách mạng đem lại, đã khiến cho quần chúng tin tưởng và bảo vệ Chính quyền cách mạng.

Chính quyền cách mạng non trẻ sau tháng 9-1945 được bảo vệ vững chắc trước những thử thách gian nan, trước mọi âm mưu xâm lược, phá hoại và lật đổ của kẻ thù bằng sức mạnh to lớn của khối lực lượng chính trị hùng hậu được đoàn kết bởi một mục tiêu chung, được dẫn dắt bởi một lãnh tụ anh minh. Chính quyền cách mạng đó càng vì dân càng tăng thêm sức mạnh do được nhân dân ủng hộ. Cho đến nay, kinh nghiệm lịch sử này vẫn đúng.