2018 - một hành trình gian truân & ý nghĩa

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thật khó có cụm từ nào đúng hơn là “cái kết trọn vẹn” khi nhìn lại một năm, nền kinh tế Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH với nhiều kỷ lục mới được thiết lập.

Năng suất lao động tăng đã làm chất lượng tăng trưởng của chúng ta có sự cải thiện rõ nét.
Năng suất lao động tăng đã làm chất lượng tăng trưởng của chúng ta có sự cải thiện rõ nét.

Nhiều kỷ lục mới

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 28-12, điểm lại các con số kỷ lục về KT-XH năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. Có những hoàn cảnh và thời điểm chúng ta đứng trước khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán, nhưng chúng ta đã vượt qua được hành trình gian truân và có ý nghĩa.

Thủ tướng dẫn chứng, năm 2016, ta trải qua hạn hán lớn nhất sau một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp xuất khẩu (XK) được 40 tỷ USD. Từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế chúng ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD, năm 2018 dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến hơn 7 tỷ USD, gấp hơn ba lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được. Đặc biệt, tăng trưởng XK của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%. Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có hai năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục XK.

Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so mức 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên hơn 12%. “Rõ ràng, chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, “điều đáng mừng là Nghị quyết của T.Ư về kinh tế tư nhân đang thật sự đi vào cuộc sống, chưa thời điểm nào chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh của một quyết tâm vươn ra biển lớn của kinh tế tư nhân như trong hai năm qua”. Trước đây, chúng ta lo lắng sợ sụp đổ tài khóa quốc gia, lần đầu tiên, đến 27-12-2018, vượt thu ngân sách so dự toán đã lên hơn 3,5 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, nợ xấu giảm rất sâu. Nhiệm vụ về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả về văn hóa, xã hội, đặc biệt thành tích về thể thao gây ấn tượng…

Không say sưa với thành tích, thắng lợi

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định, năm 2018 Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì, đất nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Đề cập phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là năm thứ tư - năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm; năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng.

Bước sang năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị tập trung ưu tiên vào những nhiệm vụ sau: Một là, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Hai là, quan tâm hơn nữa và có biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa đối với việc xây dựng và phát triển có hiệu quả văn hóa, xã hội, xây dựng con người theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của T.Ư về lĩnh vực này. Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần “giữ nước từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bốn là, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Trên tinh thần đó, cần triển khai toàn diện chương trình phát triển KT-XH với 12 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Một cái kết trọn vẹn cho năm 2018, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ bởi thách thức, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn, bởi không thể vội chủ quan với những thành công đã đạt được. Chỉ với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm - như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - mới bảo đảm nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong năm 2019 cùng những năm tiếp theo.