Xử lý nghiêm tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông

Theo bạn đọc phản ánh, sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, mọi hoạt động của người dân đã cơ bản trở lại bình thường. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng, trong đó nhiều vụ có nguyên nhân từ người điều khiển các phương tiện sử dụng quá nhiều rượu, bia. Điều đó cho thấy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) chưa được người dân tự giác chấp hành.

Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.Ảnh: DOÃN TUẤN
Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.Ảnh: DOÃN TUẤN

Cả tháng trước thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, anh Trần Văn Thắng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) không đi đâu mà chỉ ở nhà. Khi hết thời gian giãn cách xã hội, mọi hoạt động cơ bản trở lại bình thường, anh Thắng và nhóm bạn hẹn nhau ra Nhà hàng Hoa Viên, ở phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) để uống bia “xả hơi”. Cầm cốc bia với khuôn mặt đỏ gay, anh chia sẻ: “Mặc dù biết Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã có hiệu lực; Nghị định 100 xử phạt rất nặng với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, nhưng anh em gặp nhau mà không uống tới bến thì chán lắm.

Hơn nữa, uống không nhiệt tình thì bạn bè lại nghĩ mình coi thường họ...”. Dạo qua các quán bia nổi tiếng ở Hà Nội vào buổi trưa, buổi tối đều bắt gặp cảnh tượng khá tấp nập. Tiếng hò reo, nâng ly “dô ta, dô hò...” ầm ĩ và kết thúc là những chén rượu, cốc bia trên tay được uống cạn…

Tại TP Hồ Chí Minh, sau thời hạn giãn cách xã hội, dường như rất nhiều người đã “quên” Nghị định 100 vẫn đang có hiệu lực xử phạt. Ở một số tuyến phố, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán bia vỉa hè dành cho các “bợm nhậu” vẫn rất tấp nập. Trong vai một khách nhậu, chúng tôi đến một nhà hàng trên phố Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) để tìm hiểu. Bước vào quán, trước mắt chúng tôi là rất nhiều người đang trong tình trạng say xỉn. Đâu đó là tiếng hô vang, thậm chí là cãi vã của những người say rượu gây náo loạn một góc phố. Một số người trước khi ra về vẫn cố uống thêm vài chén rượu rồi lái xe đi loạng choạng, đánh võng. Bà Nguyễn Lan Cảnh, trú tại phường 13 (quận Bình Thạnh) bức xúc: “Tình trạng người dân tụ tập để ăn nhậu ở các quán này đã có từ lâu, nhiều người cũng vì say bia, say rượu mà gây TNGT cho bản thân và những người chung quanh. Hôm trước, chúng tôi chứng kiến mấy thanh niên uống rượu say, thách đố nhau chạy xe tốc độ cao và đánh nhau phải đi cấp cứu…”. Cũng theo bà Nguyễn Lan Cảnh, trước đó, khi Nghị định 100 bắt đầu có hiệu lực và mức xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông rất nặng khiến nhiều người chấp hành nghiêm. Còn hiện nay, nhiều người đến các quán nhậu thường ít quan tâm hoặc “phớt lờ” quy định này.

Qua tìm hiểu, giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 có nhiều hoạt động bị hạn chế. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 thì các hoạt động dịch vụ ăn uống trở lại bình thường, nhưng gia tăng các vụ TNGT do liên quan rượu, bia. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, nhất là lái xe vi phạm nồng độ cồn, tốc độ. Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) (Bộ Công an) cũng vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 15-5 đến 14-6-2020 trên toàn quốc. Trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát, CSGT các đơn vị, địa phương được dừng các phương tiện để tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, tránh vượt, vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe thành đoàn… Khi kiểm tra nồng độ cồn, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thao tác sử dụng thiết bị, bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn dụng cụ đo, sử dụng từng ống thổi riêng cho từng người, bảo quản và tiêu hủy đúng quy định của ngành y tế đối với găng tay, khẩu trang, ống thổi đã qua sử dụng.

Trao đổi với Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết, để phòng, chống tình trạng nhiều người uống rượu, bia và tự điều khiển xe khi tham gia giao thông, Ban ATGT thành phố yêu cầu các cán bộ PC08 tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Tiếp tục lập các chốt chặn gần khu vực có nhiều quán nhậu để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lãnh đạo phòng cũng yêu cầu tất cả cán bộ, chiến sĩ CSGT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình, chế độ công tác và Điều lệnh Công an nhân dân. Các tổ tuần tra, kiểm soát với sự tham gia của các lãnh đạo phòng sẽ xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm, chở hàng quá tải.

Về việc này, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng chia sẻ, sau đợt giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán nhậu đã được phép hoạt động. Chính điều này đã khiến số vụ TNGT liên quan rượu, bia gia tăng. Do vậy, trong đợt tổng kiểm soát các phương tiện lần này, khi lực lượng CSGT dừng các phương tiện để kiểm tra theo quy định thì người điều khiển phương tiện sẽ được kiểm tra nồng độ cồn, ma túy. Tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm tra nồng độ cồn nhằm bảo đảm mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần; cán bộ, chiến sĩ phải đeo găng tay, khẩu trang… khi làm nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người tham gia giao thông tự giác không uống rượu, bia và các chất có cồn. Tập trung lực lượng ở bảy chốt chặn tại các tuyến phố để cùng lực lượng liên ngành kiểm soát dịch bệnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho các cán bộ CSGT khi thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo PC08 cũng huy động lực lượng đủ mạnh để kiểm tra, xử phạt người điều khiển phương tiện nếu sử dụng rượu, bia, ma túy.

Có rất nhiều căn cứ luật để xử phạt người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị phạt tiền cao nhất với ô - tô là 40 triệu đồng; với xe máy là 8 triệu đồng.

Luật sư LÃ THỊ ÁNH (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Người tham gia giao thông sử dụng quá nhiều rượu, bia và các đồ uống có cồn thì rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, mất khả năng làm chủ bản thân. Nguy cơ gây ra các vụ TNGT cho bản thân và người đi đường là rất cao. Hơn nữa, người có thói quen xấu này dễ mắc các bệnh xơ gan, xuất huyết dạ dày, ung thư gan, tim mạch, huyết áp… Để giữ gìn sức khỏe, bảo đảm ATGT cho bản thân và mọi người thì hãy thực hiện nghiêm khẩu hiệu “Đã lái xe thì không uống rượu, bia…”.

Bác sĩ TRẦN NGỌC HƯƠNG Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Cẩm Phả (Quảng Ninh)