Xử lý nghiêm hành vi buôn lậu vàng, kim loại quý và ngoại tệ qua biên giới

Theo bạn đọc phản ánh, sắp đến Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vàng, kim loại quý, ngoại tệ qua biên giới diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh An Giang, Lạng Sơn, Kiên Giang, Quảng Ninh… Nguyên nhân là do sự chênh lệch về giá vàng, kim loại quý và ngoại tệ giữa trong nước và nước ngoài; nhu cầu tích trữ, sử dụng vàng, ngoại tệ của người dân tăng cao; chính sách quản lý vàng, kim loại quý và ngoại tệ của Nhà nước còn một số hạn chế, bất cập…

Cán bộ Ðồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang) vận động, tuyên truyền người dân không vận chuyển, mua bán trái phép ngoại tệ, vàng qua biên giới. Ảnh: Duy Tùng
Cán bộ Ðồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang) vận động, tuyên truyền người dân không vận chuyển, mua bán trái phép ngoại tệ, vàng qua biên giới. Ảnh: Duy Tùng

Vừa qua, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã gửi thư khen Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSÐT) - Công an TP Hà Nội, vì có thành tích khám phá, khởi tố vụ án vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với số tiền gần 30 nghìn tỷ đồng. Trong thư có đoạn viết: Ðây là chiến công xuất sắc của Cơ quan CSÐT - Công an TP Hà Nội trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; chiến công này đặc biệt quan trọng trong thời điểm Thủ đô và cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và trong đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô trước thềm Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng...

Liên quan đến vụ án, trước đó Cơ quan CSÐT Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với các bị can Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng,… về tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới theo Ðiều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bước đầu xác định, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất, từ đó lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới… Trước đó, tại rạch Chắc Ri, thuộc khu vực phường Vĩnh Ngươn (TP Châu Ðốc, An Giang), các cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh An Giang trong lúc làm nhiệm vụ, phát hiện bốn đối tượng trên một thuyền máy chạy từ hướng Cam - pu - chia về Việt Nam. Ngay lập tức, tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, nhưng các đối tượng đã không chấp hành mà điều khiển phương tiện vào bờ rồi bỏ chạy. Qua kiểm tra phương tiện, các cán bộ biên phòng phát hiện một bọc ni-lông quấn băng dính, bên trong có 47 cọc tiền USD mệnh giá 100 USD với tổng số 470 nghìn USD... Ðây là hai trong số nhiều vụ án vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới đã bị các lực lượng chức năng triệt phá thành công.

Qua tìm hiểu, khi giá vàng, kim loại quý và ngoại tệ trong nước cao hơn giá thế giới hoặc ngược lại, hoặc khi thay đổi tỷ giá thì hoạt động nhập lậu, xuất lậu các mặt hàng này sẽ gia tăng do lợi nhuận hấp dẫn. Thí dụ, với vụ bắt giữ 51 kg vàng vận chuyển trái phép từ Cam-pu-chia vào Việt Nam vừa bị Công an tỉnh An Giang triệt phá, nếu tính theo giá vàng thế giới ở thời điểm 1.900 USD/ounce thì tổng số tiền bỏ ra để mua số vàng này từ Cam-pu-chia là hơn 70 tỷ đồng. Với giá vàng nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn thế giới ở mức hơn hai triệu đồng/lượng thì nếu nhập lậu trót lọt số vàng nêu trên, lợi nhuận thu được sẽ là hơn bốn tỷ đồng. Ðây là mức lợi nhuận không hề nhỏ đối với những người mua bán vàng bạc, ngoại tệ trái phép... Ở vụ án vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới với giá trị gần 30 nghìn tỷ đồng vừa bị Cơ quan CSÐT Công an TP Hà Nội khởi tố thì thủ đoạn các đối tượng phạm tội là giả mạo việc thanh toán giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế bằng cách hợp pháp hóa các hồ sơ pháp nhân của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu rồi rút tiền thông qua ngân hàng...

Trao đổi với Ðại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), chúng tôi được biết từ năm 2015 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) đã phát hiện, bắt giữ 59 vụ/ 88 đối tượng vận chuyển trái phép vàng, tiền VNÐ, ngoại tệ qua biên giới. Tang vật thu giữ hơn 1.134.000 USD, hơn 11 tỷ đồng, hơn 37,6 triệu nhân dân tệ, hơn 567 triệu kíp, hơn 297 triệu riel, hơn 11 kg và 60 lượng vàng; 20 vụ/24 đối tượng vận chuyển, lưu hành tiền giả (tang vật thu giữ 2.920.400.000 VNÐ giả, 800 USD giả, 4.000 nhân dân tệ giả...). Ðể thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường cất giấu loại hàng hóa đặc biệt này lẫn vào đồ dùng cá nhân, hàng nông sản hoặc thùng xe ô-tô, ghe, xuồng rồi vận chuyển qua biên giới. Nếu bị phát hiện, bắt giữ thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu tán tang vật, khai báo không thành khẩn hoặc bỏ lại tang vật chạy trốn... gây nhiều khó khăn cho quá trình điều tra. Ngoài ra, một số đối tượng buôn lậu, cờ bạc còn vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua đường hàng không, đường biển.

Cũng theo Ðại tá Bùi Văn Lua, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, hằng năm Bộ Tư lệnh BÐBP đều chủ động xây dựng các kế hoạch cao điểm phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vàng, kim loại quý và ngoại tệ qua biên giới. Tích cực chỉ đạo các đơn vị BÐBP chủ động trao đổi, phối hợp lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tội phạm này ở khu vực biên giới. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, nhất là các đường mòn, lối mở nhằm kịp thời phát hiện các đường dây, tổ chức buôn lậu vàng, kim loại quý và ngoại tệ để xác lập chuyên án đấu tranh. Gắn trách nhiệm người chỉ huy đơn vị và lấy kết quả đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, trong đó có loại tội phạm về buôn lậu vàng, kim loại quý và ngoại tệ. Phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới không tham gia các hoạt động buôn lậu vàng, kim loại quý và ngoại tệ. Tích cực hướng dẫn người dân, du khách xuất cảnh, nhập cảnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về mang tiền, vàng, ngoại tệ qua biên giới...

Tùy theo giá trị của số vàng, số kim loại quý và số ngoại tệ được vận chuyển trái phép qua biên giới mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2, Ðiều 13 Nghị định 128/2020/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Trường hợp vận chuyển, nhằm mục đích buôn bán, tìm kiếm lợi nhuận qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Ðiều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội buôn lậu.

Luật sư MAI QUỐC VIỆT

(Công ty Luật FDVN, TP Ðà Nẵng)

Ðể ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này, lãnh đạo Công an huyện Bình Liêu đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tăng cường nhận diện những hành vi, phương thức, thủ đoạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu ngoại tệ, kim loại quý. Bên cạnh đó cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng địa phương nhằm kiểm soát tốt các đường mòn, lối mở, các trung tâm thương mại trên địa bàn. Từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép loại hàng hóa đặc biệt này.

Thượng tá TRẦN TRUNG HIẾU

Trưởng Công an huyện Bình Liêu (Quảng Ninh)