Vất vả tìm mua sách giáo khoa đầu năm học mới

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các địa phương tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa năm học 2020-2021 trên địa bàn. Tuy nhiên, những ngày qua, theo phản ánh của bạn đọc, ở một số địa phương có hiện tượng khan hiếm một số đầu sách giáo khoa gây lo lắng cho các phụ huynh.

Nhà sách của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (45 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đang thiếu rất nhiều đầu sách giáo khoa (Ảnh chụp ngày 11-9-2020).
Nhà sách của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội (45 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đang thiếu rất nhiều đầu sách giáo khoa (Ảnh chụp ngày 11-9-2020).

Qua đường dây nóng của Báo Nhân Dân, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cho biết, những ngày qua, mặc dù đã đến nhiều cửa hàng bán sách, nhưng vẫn chưa thể mua được đủ bộ sách giáo khoa để cho con học theo yêu cầu của trường. Nhiều cuốn sách giáo khoa bắt buộc phải có từ lớp 1 đến lớp 10 đang rất khan hiếm. Có phụ huynh đã phải mua bộ sách giáo khoa lớp 6 ngoài vỉa hè cao hơn gấp hai lần giá ghi trên bìa sách.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều cửa hàng sách ở Hà Nội từ ngày 6 đến 11-9, chúng tôi nhận thấy sách giáo khoa, nhất là sách dành cho học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 đang thiếu. Ngay tại nhiều cửa hàng của các hệ thống nhà sách lớn như: Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội, Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà, hệ thống nhà sách Fahasa… cũng không có đủ sách để bán. Chiều 7-9, tại cửa hàng sách, văn phòng phẩm Hồng Hà, số 25 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, một số kệ bày bán sách giáo khoa đã để trống, sách lớp 1 và lớp 6 không còn cuốn nào, những kệ còn lại chủ yếu là sách tham khảo, hoặc lẻ tẻ một số đầu sách giáo khoa các lớp giữa cấp. Chị Nguyễn Thu Hiền, ở phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị đang tìm mua cuốn sách Tiếng Việt lớp 3 tập một và tiếng Nhật lớp 7, đã đi mấy cửa hàng sách gần nhà nhưng không có, hy vọng đến tổng đại lý sách, văn phòng phẩm Hồng Hà thì sẽ tìm được nhưng rốt cuộc vẫn không có, nhiều phụ huynh đến đây tìm mua sách cho con cũng phải ra về tay không. Một nhân viên bán hàng cho biết, nhiều đầu sách giáo khoa đã bán hết từ trước hôm khai giảng năm học mới và không biết khi nào mới có. Tại cửa hàng Sách và Thiết bị trường học Hà Nội ở số 45 phố Lý Thường Kiệt, nhiều phụ huynh cũng không thể mua đầy đủ một bộ sách giáo khoa cho con học, thiếu nhất là một số đầu sách lớp 1, lớp 6, lớp 10 và lớp 12. Nhân viên bán hàng ở đây cho biết, nhà sách nhập hạn chế số lượng sách giáo khoa lớp 6 là do năm học tới sẽ thay sách giáo khoa để học chương trình mới.

Dạo một vòng hỏi mua sách ở nhiều cửa hàng bán lẻ sách trên phố Lý Thường Kiệt, chúng tôi được biết giá của tất cả đầu sách giáo khoa đều tăng cao hơn so với giá in trên bìa sách, mức tăng ít nhất là 50%, tăng cao nhất là sách tiếng Anh. Tuy nhiên ngay tại những cửa hàng bán lẻ cũng khó mua được đủ trọn bộ sách giáo khoa theo yêu cầu.

Một số địa phương như Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tại TP Hồ Chí Minh, có phụ huynh phải chạy xe máy hàng chục ki-lô-mét quanh thành phố vẫn chưa tìm mua đủ bộ sách giáo khoa cho con trong khi năm học mới đã bắt đầu. Tại tỉnh Bắc Giang, theo thống kê của Phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Ðào tạo Bắc Giang, những ngày đầu năm học mới, các trường tiểu học trong tỉnh thiếu khoảng 1.000 cuốn sách giáo khoa lớp 1.

Trước tình trạng khan hiếm sách giáo khoa nêu trên, ngày 10-9, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lý giải: Năm học này, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu mua sắm ở các địa phương có biến động so với mọi năm, giảm ở các vùng có dịch, tăng ở một số thành phố lớn. Việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập diễn ra chậm hơn mọi năm và dồn dập vào dịp sau khai giảng (so với mọi năm là trước khai giảng). Sức mua những ngày gần đây tăng gấp ba lần so với cùng kỳ nên xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ. Hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang gấp rút điều chuyển sách giữa các địa phương và khu vực, in bổ sung gấp để đáp ứng nhu cầu phát sinh, có đủ sách trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, sáng 14-9, tại nhiều cửa hàng sách ở Hà Nội, trong đó có cả cửa hàng sách thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trên phố Lý Thường Kiệt vẫn không có sách giáo khoa để bán. Chúng tôi đã liên hệ số điện thoại đường dây nóng: 0377 333 545 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì được biết, hiện Nhà xuất bản đã in, điều chuyển, bổ sung những đầu sách giáo khoa còn thiếu so với nhu cầu, nhưng do các cửa hàng nhập sách về cầm chừng đã gây thiếu sách cục bộ. Khi chúng tôi hỏi mua cuốn sách tiếng Nhật lớp 7 thì nhân viên ngập ngừng cho biết là chưa có.

Cũng liên quan sách giáo khoa, sách tham khảo năm học 2020-2021, ngày 8-9, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tăng cường quản lý trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021. Ðối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.

Để bảo đảm tất cả học sinh có đủ, đúng sách giáo khoa, đề nghị Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học tổ chức cung ứng trực tiếp về các trường theo số lượng phụ huynh đăng ký. Các sở giáo dục và đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mọi thông tin phản ánh về sách giáo khoa có thể gọi tới đường dây nóng: 0377 333 545, từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ cho đến ngày 30-9-2020, Nhà xuất bản sẽ giải đáp mọi thắc mắc về nhu cầu mua sách giáo khoa.

(Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

 

Trường nên thông báo đến phụ huynh loại sách giáo khoa đã chọn để phụ huynh chủ động mua hoặc đăng ký mua qua trường. Các trường cũng nên mua thêm một số bộ sách dùng chung để cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn mượn.

Nguyễn Thanh Huệ (Nguyễn Trãi, Hà Ðông, Hà Nội)