Ý KIẾN BẠN ÐỌC

Tinh thần nhân đạo và trách nhiệm công dân

Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, Chính phủ và các bộ, ngành vẫn cố gắng dồn sức lo cho đồng bào ở nước ngoài về nước tránh dịch Covid-19.

Mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế, vật dụng thiết yếu trong khu cách ly đều được miễn phí. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã phải ở lều, nằm rừng để nhường doanh trại an toàn, sạch sẽ cho người cách ly. Thời gian qua, các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 phải làm việc rất vất vả, dành những điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về tránh dịch. Nhiều du học sinh, người lao động bị mắc kẹt tại các sân bay quốc tế được sứ quán Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ đưa về nước an toàn, bảo đảm mọi quyền lợi cho công dân.

Trong khi nhiều nước trên thế giới đều thu phí tất cả các trường hợp nghi mắc, mắc, điều trị liên quan đến dịch Covid-19 thì ở nước ta với tinh thần nhân đạo, truyền thống đạo lý của dân tộc, Ðảng, Chính phủ đã chỉ đạo là quan tâm tới tất cả mọi người, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể cho người cách ly, dù đó là người Việt Nam hay người nước ngoài và không thu bất kỳ khoản phí nào. Trường hợp bệnh nhân người Trung Quốc mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam nhập viện ngày 28 Tết Nguyên đán trong tình trạng sức khỏe rất yếu, có nhiều bệnh nền như: đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư phổi đã phẫu thuật, bệnh mạch vành, không thể tự đi lại sinh hoạt. Nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã không có Tết, túc trực tại bệnh viện, hết lòng cứu chữa người bệnh. Trường hợp bệnh nhân 73 tuổi là Việt kiều Mỹ mắc Covid-19, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, ngày ra viện đã xúc động chia sẻ: "Bác sĩ đã cứu sống tôi từ... cõi chết!". Hầu hết các bệnh nhân được chữa khỏi và người nước ngoài trong diện cách ly đều bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước tinh thần trách nhiệm và nhân văn này.

Những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm một cách vô tư, thiện tâm để cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn của dịch Covid-19 không phân biệt quốc tịch, màu da, giàu nghèo đã nói lên tinh thần nhân đạo, đầy trách nhiệm vốn là truyền thống đạo lý dân tộc. Ðáng tiếc, còn có những người về nước trong hoàn cảnh là đối tượng được Ðảng, Nhà nước hỗ trợ, cưu mang nhưng lại ảo tưởng về bản thân, có những phát ngôn và hành động phản cảm. Họ lớn tiếng chê bai, đòi hỏi vô lý, thể hiện sự vô lễ, thiếu văn hóa đối với những người đang nhường cơm sẻ áo, đang tận tụy ngày đêm phục vụ họ.

Trở về từ vùng dịch Hàn Quốc nhưng trốn cách ly, một cô gái quê ở Kiên Giang còn quay vi-đê-ô trực tuyến trên mạng xã hội, thách thức dư luận. Không ít người khi được thuyết phục vào khu cách ly tập trung còn bày tỏ thái độ không hợp tác, một số trường hợp còn trốn khỏi khu cách ly tập trung. Trở về từ vùng dịch nhưng một số bệnh nhân mắc Covid-19 đã khai báo y tế không trung thực, để lây nhiễm cho nhiều người. Ðiển hình là bệnh nhân số 34, sau khi từ Mỹ về nước đã làm 10 người khác lây nhiễm, hàng trăm người phải cách ly y tế do khai báo không trung thực về hành trình di chuyển của mình; bệnh nhân số 100 trong thời gian phải cách ly tại nhà vẫn đi lễ ở nhà thờ đến 60 lần, gây nguy cơ lây nhiễm rất cao cho cộng đồng.

Trốn cách ly, khai báo y tế không trung thực là những hành động vô trách nhiệm với cá nhân, gia đình và cộng đồng, vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Chỉ cần một cá nhân như vậy cũng có thể khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội. Hơn lúc nào hết, ý thức cá nhân và trách nhiệm cộng đồng cần được phát huy nhiều hơn nữa để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho mọi người.