Siết chặt quản lý thị trường nước uống đóng chai

Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, trên thị trường xuất hiện hàng loạt thương hiệu nước đóng chai, đóng bình (nước đóng chai). Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, do công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng còn nhiều bất cập, hàng loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai kém chất lượng vẫn tồn tại và hoạt động, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ðoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình kiểm tra một cơ sở sản xuất nước đóng chai tại huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang
Ðoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình kiểm tra một cơ sở sản xuất nước đóng chai tại huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Chất lượng nước đóng chai lâu nay vốn đã rất khó kiểm soát. Sau vụ "biến" nước mương thành nước "tinh khiết" ở Hải Phòng mới đây, người tiêu dùng lại càng lo lắng về chất lượng các loại nước đóng chai này. Khảo sát trên thị trường hiện nay, có rất nhiều các loại nước đóng chai với đủ chủng loại, mẫu mã phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tại các cửa hàng tạp hóa, chợ, cổng bệnh viện, bến xe, thậm chí các ngõ ngách ở Hà Nội cũng có thể dễ dàng mua các loại nước uống đóng chai. Song, bên cạnh các sản phẩm nước đóng chai uy tín có thương hiệu lâu năm xuất hiện không ít sản phẩm nước đóng chai của các cơ sở tư nhân hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ… Phần lớn các sản phẩm này đều lấy theo tên của những sản phẩm, thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Nhiều cơ sở sản xuất chỉ thêm sau chữ Lavie một vài mẫu tự hay cách viết khác đi như Lavis, Leve, Lovea, Leva, Bavie… Hay Hãng Aquafina thì có các sản phẩm nhái như Aquafona, Aquanova… thậm chí nhái luôn cả tên chính hãng rồi tung sản phẩm ra thị trường. Nếu chỉ nhìn qua, khách hàng rất có thể nhầm lẫn bởi có rất nhiều điểm giống nhau về mầu sắc, hình ảnh in trên bao bì, cùng kích cỡ, dung tích, mầu sắc... Khi tung sản phẩm ra thị trường, cơ sở nước uống nào cũng quảng cáo rằng, sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiên tiến, thiết bị hiện đại. Song trên thực tế, ngoại trừ những loại nước uống đã khẳng định thương hiệu trên toàn quốc, được sản xuất và đóng chai bằng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế, thì phần lớn các loại nước đóng chai khác đều được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và khó có thể kiểm chứng chất lượng.

Anh Trần Quang Việt ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: "Quá nhiều thương hiệu nước đóng chai, nhưng chỉ có một số sản phẩm thường quảng cáo trên ti-vi là tôi còn biết, còn các sản phẩm khác gần như không có tên tuổi. Ðiều quan trọng là chất lượng như thế nào, có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không, thì người tiêu dùng khó có thể nhận biết". Không chỉ với mặt hàng nước tinh khiết, các loại nước tăng lực, nước ngọt… cũng xuất hiện hiện tượng làm "nhái" rất khó kiểm định chất lượng.

Sự lo lắng của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở, khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất nước đóng chai không bảo đảm chất lượng vẫn đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường. Theo số liệu Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 504 cơ sở nước uống đóng chai và nước đá được quản lý và cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, kết quả công tác kiểm tra từ năm 2019, và sáu tháng đầu năm 2020 tại 236 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh trái phép, không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðiều đáng nói, trong số các cơ sở doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai vi phạm, có nhiều "tên tuổi" đã có thương hiệu, được người dân tin dùng. Trong khi thị trường nước đóng chai vẫn còn "vàng thau lẫn lộn", chính người tiêu dùng sẽ là nạn nhân gánh chịu mọi hậu quả khi sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, khi uống trực tiếp những loại nước đóng bình kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ nhiễm các kim loại nặng, vi sinh vật, thậm chí là có cả những sinh vật mủ xanh (loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người như viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu…). Những loại chai nhựa, bình nhựa kém chất lượng khi đựng nước cũng sẽ rất gây hại. Một số kim loại nặng như thủy ngân, chì nếu tích lũy lâu dài sẽ dễ dẫn đến ung thư.

Nước uống đóng chai là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong mùa hè, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt như hiện nay. Do vậy, để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm nước uống đóng chai, hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng và sức khỏe cộng đồng nói chung, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và có sự phối hợp, nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài việc tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chính quyền địa phương cần tiến hành xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm, đồng thời kiểm tra lại xem cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng chai nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân. Với những cơ sở không đủ điều kiện nên yêu cầu đóng cửa, không cho sản xuất, kinh doanh. Về phía người tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết, hiểu đúng, dùng đúng các sản phẩm nước uống đóng chai, tránh "tiền mất, tật mang".

Cùng với việc làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, cần tăng cường tuyên truyền giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm bảo đảm chất lượng thông qua nhãn mác. Ngoài ra, trước khi sử dụng, bản thân người tiêu dùng cần tự kiểm tra bằng cảm quan như quan sát vỏ chai phải còn nguyên tem mác, nước trong, không có mầu, không có mùi…

Ông Trần Ngọc Tụ

Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội

Bên cạnh sự tăng trưởng về mặt số lượng và mức tiêu thụ thì vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm của nhóm sản phẩm đồ uống, trong đó có nước uống đóng chai hiện nay rất đáng báo động. Nhiều cơ sở, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ không bảo đảm nguồn nước nguyên liệu đầu vào để đưa vào sản xuất, cũng như không đạt quy định vệ sinh của quy trình chế biến, đóng chai.

Ông Trần Văn Quang

(Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam)

Ðể chấn chỉnh tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở nước uống đóng chai cần tăng cường kiểm tra, công bố công khai địa chỉ, tên tuổi sản phẩm của cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mặt khác, cần nâng mức phạt lên nhiều lần mới đủ tính răn đe.

Luật sư Thu Hà

(Công ty TNHH Luật Thu Hà và cộng sự)