Rủi ro khi sử dụng dịch vụ "làm đẹp" không chuyên

Vào dịp cuối năm, nhu cầu làm đẹp của người dân tăng cao cũng là thời điểm các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do sử dụng dịch vụ tiêm, phẫu thuật thẩm mỹ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thận trọng, tuyệt đối không thực hiện thủ thuật tại các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không được cấp giấy phép, không bảo đảm an toàn.

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương sử dụng công nghệ HIFU để nâng cơ mặt, trẻ hóa cho khách hàng.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương sử dụng công nghệ HIFU để nâng cơ mặt, trẻ hóa cho khách hàng.

Mới đây, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một bệnh nhân nữ 27 tuổi bị tai biến do xăm môi, nhập viện trong tình trạng môi trên biến dạng, chảy mủ, môi dưới bong tróc gây đau nhức kèm sốt. Khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết trước đó hai tuần có đến một thẩm mỹ viện tại huyện Định Quán (Đồng Nai) để xăm môi với giá hai triệu đồng. Một tuần sau, môi của chị xuất hiện nhiều nốt mụn mủ sưng to, đau nhức.

Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bị biến chứng hoại tử mũi sau tiêm filler tại các cơ sở làm đẹp không bảo đảm an toàn. Đơn cử, một nữ bệnh nhân 23 tuổi sau ba ngày tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp ở Hà Nội, có biểu hiện méo cằm, lệch má, mũi bị chèn ép hình thành ổ mủ, vết bầm tím lan rộng, khiến người bệnh đau nhức, khó chịu và có nguy cơ hoại tử. Bệnh viện cũng điều trị một nữ bệnh nhân ở tỉnh Hà Nam do tiêm filler nâng mũi dẫn đến biến chứng bầm tím ở mũi, hai má, dưới vùng mắt. Bác sĩ Đặng Thị Bích Diệp, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng khi tiêm chất làm đầy để nâng mũi, xóa nếp nhăn, làm mọng môi... là do bệnh nhân thực hiện thủ thuật ở các cơ sở không bảo đảm an toàn, người làm thủ thuật không được đào tạo bài bản, vật tư y tế không rõ nguồn gốc. Đơn cử, trường hợp bé gái 13 tuổi ở tỉnh Yên Bái đã đến một cơ sở làm đẹp để tiêm filler, người thực hiện thủ thuật đã tiêm không đúng kỹ thuật, trúng mạch máu của bé gái. Bác sĩ Diệp cũng cho biết thêm, bất cứ thủ thuật hay phẫu thuật làm đẹp nào, dù là ít xâm lấn cũng cần được tiến hành theo một quy trình khép kín bởi các bác sĩ có chuyên môn đã được cấp chứng chỉ hành nghề.

Hiện nay, cả nước có hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động. Theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi mầu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy định là vậy, nhưng thời gian qua, do buông lỏng trong quản lý, nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không có chuyên môn, không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền vẫn thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ như: Cắt mí mắt, hút mỡ bụng, tiêm chất làm đầy, phẫu thuật nâng ngực… Đáng nói là, tuy hoạt động không phép hoặc không đúng giấy phép nhưng ít có cơ sở dịch vụ thẩm mỹ bị cơ quan nhà nước thanh tra, xử lý vi phạm, nếu không có phản ánh, khiếu nại của khách hàng. Tại một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, khách hàng còn phải sử dụng các sản phẩm không bảo đảm về chất lượng, người thực hiện không có kỹ thuật dẫn đến các biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Sau những vụ việc tai biến do sử dụng dịch vụ thẩm mỹ không an toàn đã xảy ra, nhiều bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo nguyên nhân gây tai biến, bao gồm: Cơ sở thẩm mỹ sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; trong quá trình thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ có sơ suất dẫn đến kích ứng, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh qua đường máu; người có tiền sử bệnh máu không đông, bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, nhưng do chủ quan, cả bác sĩ và người bệnh không kiểm tra thể trạng trước khi phẫu thuật; tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê dẫn tới sốc phản vệ.

Ngành y tế cũng nhiều lần khuyến cáo người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung, phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cần đến các bệnh viện có chuyên môn hoặc cơ sở y tế uy tín, tuyệt đối không thực hiện thủ thuật tại các cơ sở hay phòng khám chưa được cấp phép. Các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ lớn như nâng ngực, hút mỡ... phải thực hiện tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn sử dụng dịch vụ y tế, dịch vụ thẩm mỹ thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, qua truyền miệng mà không quan tâm tới những thông tin mà cơ quan chức năng khuyến cáo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của mình, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ khi có đủ ba điều kiện sau thì mới nên sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, đó là: Cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật; bác sĩ được đào tạo về chuyên môn, được cấp chứng chỉ hành nghề; thuốc và các phương tiện máy móc được cấp phép lưu hành, còn hạn sử dụng.

Bác sĩ ĐẶNG THỊ BÍCH DIỆP (Bệnh viện Da liễu Trung ương)

Hoạt động của dịch vụ thẩm mỹ liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người cho nên cần giao quyền được cấp phép hoạt động, quyền được kiểm tra, thanh tra đột xuất, định kỳ cho ngành y tế để kịp thời phát hiện, xử phạt các cơ sở khi có vi phạm.

Bác sĩ NGUYỄN THANH THÁI Chuyên gia Bộ Y tế