Quảng Bình cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư cho người dân bị sạt lở

Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, tại tỉnh Quảng Bình xảy ra nhiều điểm sạt lở đất nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Khu nhà tạm của các hộ bị lở núi hỏng nhà ở tại thôn Đạm Thủy 1 và Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Khu nhà tạm của các hộ bị lở núi hỏng nhà ở tại thôn Đạm Thủy 1 và Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Ðến đầu năm 2021, số hộ dân phải di dời này vẫn đang ở trong các ngôi nhà và lán trại tạm bợ, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt. Người dân mong muốn chính quyền các ngành liên quan ưu tiên nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để có nơi ở mới trong thời gian sớm nhất.

Nhiều hộ dân vẫn sống trong những ngôi nhà tạm

Hơn ba tháng nay kể từ sau đợt mưa lũ lịch sử tại tỉnh Quảng Bình, gia đình chị Nguyễn Thị Lan, cùng hàng chục hộ dân ở thôn Ðạm Thủy 1, thôn Ðạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa phải sống và sinh hoạt trong những ngôi nhà tạm được dựng lên trên phần đất vườn của một người dân. Sau nhiều năm tích góp, chị Lan và nhiều hộ khác đã làm được nhà ở kiên cố, khang trang, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra sông Gianh. Ở vào địa thế ổn định ấy, ít ai hình dung được đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho dãy núi phía sau nhão ra, nứt toác rồi đổ nhào xuống làm hư hỏng nhiều ngôi nhà tường xây, mái bê-tông. Vụ sạt lở núi không gây thiệt hại về người nhưng nhiều ngôi nhà bị đổ sập, hư hỏng. Nhiều hộ phải tá túc tạm trong nhà người thân quen, 12 hộ còn lại được xã dựng nhà tạm bằng lá để ở cho đến nay. Chị Lan dẫn chúng tôi thăm khu nhà tạm được dựng bằng thân cây bạch đàn tươi nay đang lên mầm xanh đến vài xăng-ti-mét, mái lợp bằng lá tro (một loại cây địa phương giống lá cọ). Mỗi gia đình được phân khoảng 10 m2 là nơi sinh sống cho cả gia đình. Chị Lan chia sẻ: "Nhà cũ ở mỗi người một phòng, còn nơi ở tạm này, cả nhà được một ô, đêm lạnh, gió lùa từ trước ra sau. Mong sao Nhà nước sớm cấp đất để bà con có nơi ở ổn định". Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Cao Xuân Bình cho biết, địa phương đã chuẩn bị quỹ đất và qua lấy ý kiến thì người dân đồng ý di dời đến nơi ở mới, chỉ mong ngành chức năng ưu tiên nguồn vốn để làm khu tái định cư cho các hộ dân.

Sau mưa lũ, con đường từ trung tâm xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vào bản Sắt vẫn còn trơn trượt bùn lầy, phải mất gần một giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi mới tiếp cận được khu vực 34 hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Cuối tháng 10 vừa qua, toàn bộ bản Sắt bị nước lũ gây ngập lụt, nhiều nhà ngập tới nóc. Ðã vậy, ngọn núi cao phía sau bản bị nứt gãy lớn, có nguy cơ sạt lở vùi lấp bản làng cho nên UBND xã Trường Sơn và Ðồn Biên phòng Làng Mô quyết định di dời toàn bộ bản Sắt đến nơi an toàn. Từ đó đến nay, 34 hộ dân và điểm trường mầm non phải ở tạm trong các ngôi nhà bạt do chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng dựng lên. Bà con vốn quen ở trong những ngôi nhà sàn, nay phải ở lâu trong nhà bạt, ngày mưa rét còn đỡ chứ ngày nắng hanh rất khó chịu. UBND xã Trường Sơn cũng tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện các khâu hồ sơ, thủ tục theo quy định để xây dựng khu tái định cư cho bà con sớm có nơi ở ổn định.

Cần đẩy nhanh tiến độ để sớm có đất tái định cư cho người dân

Ngay sau mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã phối hợp UBND các huyện, các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát, lập phương án xây dựng khẩn cấp các điểm tái định cư cho các hộ dân tại bốn điểm sạt lở nghiêm trọng là xóm Ba Cồn, thôn Ðạm Thủy 1, thôn Ðạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa; thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa; bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, Mai Văn Minh, mục tiêu của các dự án di dân khẩn cấp này là san lấp mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng thiết yếu: điện, đường, trường học, nước sinh hoạt…, phù hợp quy hoạch lâu dài của địa phương và phong tục tập quán, sản xuất và đời sống của người dân. Trên cơ sở thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đề xuất tổng mức đầu tư bốn dự án tái định cư khoảng 55 tỷ đồng, bao gồm, đầu tư hạ tầng 52 tỷ đồng, hỗ trợ tái định cư ba tỷ đồng. Cụ thể, tại bản Sắt, khu tái định cư được xây dựng về phía tây so với vị trí trung tâm của bản với diện tích hơn 2 ha, tổng mức đầu tư 20,6 tỷ đồng. Khu tái định cư thôn Ðạm Thủy 1 và Ðạm Thủy 2, xã Thạch Hóa được xác định tại bờ tả sông Gianh gần 2 ha, bố trí cho 20 hộ, số vốn 15,3 tỷ đồng. Vị trí tái định cư của bản Cha Lo được quy hoạch về phía tây quốc lộ 12A với diện tích 3 ha, đủ nơi ở cho 39 hộ, nguồn vốn đầu tư 14,6 tỷ đồng. Còn tại xã Thuận Hóa khu vực tái định cư được xác định tại bờ tả sông Gianh để giao đất ở cho 16 hộ, số vốn 4,4 tỷ đồng.

Ðể sớm có đất ở cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đề nghị UBND tỉnh sớm quyết định giao chủ đầu tư và bố trí vốn để triển khai thực hiện các dự án khẩn cấp do thiên tai này. Ðồng thời cho phép chỉ định đơn vị tư vấn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án trình UBND tỉnh duyệt, chỉ định thầu về trích đo địa chính, giải phóng mặt bằng, xây lắp và giám sát thi công để thực hiện dự án. Hiện, các dự án cơ bản hoàn thành xong phần trích đo địa chính, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Riêng hai dự án tái định cư bản Sắt và ở Thạch Hóa đã bước vào giai đoạn san gạt mặt bằng để thi công hạ tầng kỹ thuật. Có mặt thường xuyên trên công trường để chỉ đạo công tác thi công, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, Nguyễn Văn Nhì cho biết, dù nguồn vốn mới chỉ được tạm ứng rất ít nhưng các đơn vị liên quan đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án để phấn đấu giao đất cho bà con trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Ngay khi giao đất, cùng với số tiền hỗ trợ làm nhà 40 triệu đồng/hộ theo quy định, xã vận động được nhà hảo tâm ủng hộ thêm 40 triệu đồng nữa là đủ để làm ngôi nhà sàn khang trang. Mẫu nhà sàn dựng trên khung bê-tông và thép, mái lợp tôn xốp chống nóng cũng đã được bà con đồng tình. Xã sẽ vận động đồng bào chuyển nhà gỗ cũ về làm nhà bếp bên cạnh, làm thêm sân xi-măng phía trước để thuận lợi cho sinh hoạt.

Qua trao đổi với đại diện lãnh đạo các địa phương và chủ đầu tư các dự án, cái khó nhất hiện nay là nguồn vốn chưa được bố trí kịp thời và đầy đủ, cho dù đây là các dự án khẩn cấp do thiên tai. Mặt khác, do tỉnh Quảng Bình đang vào mùa mưa rét nên công tác thi công gặp nhiều khó khăn, nhiều ngày phải tạm nghỉ vì đất quá ướt, dính không thể làm được. Ðiều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, trong khi Tết Nguyên đán đang tới gần. Người dân bị thiệt hại mất nhà cửa do thiên tai mong muốn UBND tỉnh Quảng Bình quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa để các dự án tái định cư sớm hoàn thành, nhanh chóng có đất ở cho người dân, giúp họ ổn định đời sống.

Bài và ảnh: Hương Giang

"Ðợt mưa lũ lịch sử vừa qua gây lở núi tại ba khu vực, ảnh hưởng đến đời sống của 71 hộ dân, trong đó 41 hộ phải di dời khẩn cấp. Mong các cấp cố gắng hỗ trợ sớm nguồn kinh phí giúp cho huyện thực hiện nhanh các khu tái định cư để người dân sớm ổn định cuộc sống".

Cao Xuân Tín

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình