Quản lý chặt dịch vụ xe đưa đón học sinh

Những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều địa phương đã phát triển dịch vụ đưa đón học sinh đi học bằng xe ô-tô. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, trong quá trình hoạt động loại hình dịch vụ này vẫn bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan chức năng.

Hoạt động xe đưa đón học sinh tại một trường học trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: HÀ THU
Hoạt động xe đưa đón học sinh tại một trường học trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: HÀ THU

Hằng ngày, trong khoảng thời gian từ 7 giờ 30 phút sáng và tầm 4 giờ 30 phút đến 5 giờ chiều, tại sân chung cư 789 Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), có nhiều xe ô-tô của các trường tư thục liên tục dừng, đỗ để đón, trả học sinh. Bà Thu Hà, cư dân khu chung cư, là người thường xuyên có mặt tại đây để đợi đón cháu trai đang học lớp 2 một trường quốc tế quận Nam Từ Liêm, cho biết: “Đây là năm thứ hai, gia đình cho cháu đi học bằng xe đưa đón của nhà trường. Cũng yên tâm vì trường quản lý tốt. Cô phụ trách và ngay cả lái xe đều thuộc mặt, thuộc tên các cháu, luôn có số điện thoại liên lạc trực tiếp với gia đình khi cần thiết”. Cũng đăng ký dịch vụ đưa đón của nhà trường, anh Nguyễn Hồng Quang, trú tại phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, có con học lớp 4 một trường quốc tế chia sẻ: “Việc nhà trường tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô-tô rất phù hợp với nhu cầu của gia đình tôi do nhà ở xa và không có điều kiện đưa đón hằng ngày”.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, với những tiện ích và hiệu quả đem lại, hiện dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, có tới hơn 100 trường học sử dụng xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng quá nhanh, trong khi còn thiếu những quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể, nên quá trình hoạt động đã tồn tại không ít bất cập như: Dịch vụ đưa đón học sinh vẫn còn tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm trong thực hiện quy trình đưa đón học sinh... đã tạo ra nguy cơ mất an toàn cho trẻ em. Chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên sự cố đáng tiếc của cháu bé bị bỏ quên trên xe tại Trường Gateway (Hà Nội) và Trường mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh). Ngay sau đó là vụ việc năm học sinh ở Đồng Nai bị văng xuống đường từ xe đưa đón đang chạy. Những sự cố vừa nêu liên tiếp xảy ra khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng.

Được biết, sau những vụ học sinh bị bỏ quên, không bảo đảm an toàn trên xe đưa đón, các bộ, ngành liên quan đã đề xuất các giải pháp nhằm quản lý dịch vụ này. Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có công văn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện. Yêu cầu các nhà xe, lái xe không chở quá tải trọng cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu “xe hợp đồng” hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp quy định. Bên cạnh đó, các trường cần chấm dứt hợp đồng và phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng… Cùng với việc thực hiện theo quy định nêu trên, để “lấp những khoảng trống”, tạo sự an toàn cho học sinh, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để có thể giám sát một cách hiệu quả dịch vụ xe đưa đón học sinh. Đó không chỉ là quy định về phương tiện, về người lái, mà quan trọng là quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình vận tải đặc thù này. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật tham gia giao thông an toàn cho các em học sinh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, thậm chí những cá nhân có hành vi cố ý gây nguy hiểm cho học sinh có thể cấm hành nghề.

Việc tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô-tô là hoạt động bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, đối với những người trực tiếp điều khiển phương tiện xe đưa đón học sinh cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ. Do đối tượng học sinh và trẻ em là điều rất nhạy cảm, vậy nên việc tổ chức đưa đón cần đầy đủ điều kiện, từ phương tiện đến người lái xe.

TRẦN XUÂN CHUNG Chuyên gia Bộ Giao thông vận tải

Quy định về dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô-tô cần được thiết kế theo hướng trẻ em càng nhỏ thì yêu cầu càng cao. Các cơ quan quản lý cần rà soát, ưu tiên bố trí điểm dừng đỗ phù hợp để đón, trả nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời ban hành quy tắc giao thông, tiêu chuẩn riêng liên quan tới xe buýt trường học.

Luật sư NGUYỄN THU HƯƠNG Văn phòng Luật sư Hà Hương

Dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô-tô không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhiều phụ huynh, mà đồng thời góp phần làm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để hoạt động này thật sự an toàn, hiệu quả các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát thực trạng và có giải pháp quản lý loại hình hoạt động của xe đưa đón học sinh. Từ đó, tạo sự an tâm cho phụ huynh và góp phần bảo vệ tính mạng cho các em.

NGUYỄN HỒNG NHUNG Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội