Ý KIẾN BẠN ÐỌC

Phân loại, tái chế đồ nhựa góp phần bảo vệ môi trường

Việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần đang được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội khi mà các hàng quán giải khát bắt đầu sử dụng những ống hút có nguồn gốc từ thiên nhiên thay ống hút nhựa, chợ hay siêu thị dùng lá chuối để gói đồ thay bao ni-lông, các cơ quan nhà nước bắt đầu dùng bình thủy tinh đựng nước uống trong hội họp thay cho những chai nước nhựa,…

Ðiều này tạo nên cảm giác háo hức, thú vị cho người sử dụng khi được hòa mình với thiên nhiên trong những sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, đồng thời khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa,…

Ai cũng biết tác hại nghiêm trọng của đồ nhựa sau khi dùng thải ra ngoài môi trường phải mất mấy trăm năm mới phân hủy được và khi phân hủy lại tạo ra các hợp chất có hại cho môi trường đất, môi trường nước, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của động, thực vật và con người. Tuy nhiên, vì tiện lợi và giá rẻ nên đồ nhựa vẫn hiển nhiên được lựa chọn sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Việc thúc đẩy sử dụng các vật liệu thiên nhiên thay thế đồ dùng nhựa chỉ là một phần nhỏ trong chiến dịch hạn chế sử dụng đồ nhựa, xây dựng ý thức thân thiện với môi trường chứ chưa phải là giải pháp căn cơ trong việc chống tác hại của đồ nhựa.

"Rác thải cũng là một tài nguyên", là một thông điệp thường được nhắn nhủ khi tuyên truyền về hiệu quả của phân loại rác. Chính vì vậy, bên cạnh những biện pháp như sử dụng các vật liệu thân thiện với thiên nhiên để thay thế dần đồ nhựa thì mọi người trước tiên cần có ý thức phân loại rác một cách hợp lý. Với những sản phẩm làm từ nhựa, bao ni-lông nếu không còn sử dụng chúng ta cần phân loại thành một nhóm và thực hiện thu gom để các nhà máy đưa vào quy trình xử lý tái chế cho ra các đồ dùng, sản phẩm khác nhằm hạn chế tối đa việc thải loại nhựa ra môi trường. Như đang làm hiện nay, các lon bia, lon nước ngọt hoặc giấy vụn được thu mua tái chế, hay những phong trào kế hoạch nhỏ của học sinh thực hiện việc thu gom các vật dụng bỏ đi này khiến cho rác thải loại này ít bị bỏ ra ngoài môi trường. Vì vậy, nên chăng cần dấy lên phong trào thu gom đồ nhựa không còn sử dụng để làm các hoạt động kế hoạch nhỏ cho học sinh, mở các đợt thu mua đồ nhựa trong khu dân cư,…

Ðây mới chính là giải pháp cơ bản nhất và cần thiết bởi chúng ta vẫn phải sử dụng đồ nhựa trong thời gian tới khi chưa có nguyên vật liệu nào thay thế chúng một cách hiệu quả. Những phong trào, xu hướng dùng vật liệu thân thiện thay thế nhựa thời gian qua rất đáng trân trọng nhưng tẩy chay đồ nhựa không phải là cách giải quyết, quan trọng nhất chính là phân loại và tái chế nhựa để hạn chế thải chúng ra môi trường và đây mới là cách làm cần nhân rộng mạnh mẽ hơn nữa.

VĂN THI HOÀNG (Quảng Nam)