Những việc làm vì dân - những việc làm phiền dân

Người cán bộ mặt trận tận tâm

Đó là ông Nguyễn Khắc Đích, 60 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Chiết Bi (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hơn 20 năm làm công tác Mặt trận, 10 năm là Trưởng ban, ông Đích đã vận động các mạnh thường quân cấp phát học bổng cho hàng trăm học sinh nghèo học giỏi, cũng như góp phần khơi dậy phong trào “khuyến học, khuyến tài” ở địa phương.

“Tâm sáng, ý trong, hết lòng vì học sinh nghèo” là phương châm hành động của ông Đích trong nhiều năm qua. Chính tình thương vô bờ đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; với các cháu học sinh nghèo nhưng học giỏi; sự khát khao xây dựng thôn văn hóa Chiết Bi trở thành thôn vững mạnh về kinh tế, ngày càng giàu về văn hóa, ổn định về an ninh chính trị đã trở thành động lực thôi thúc ông hoạt động không ngơi nghỉ. Có thể nói, ông Đích là người giỏi tập hợp quần chúng; có uy tín với cán bộ và nhân dân trong thôn, xã; có khả năng thuyết phục, vận động các nhà hảo tâm xa gần đóng góp kinh phí xây dựng quê hương Chiết Bi ngày càng giàu đẹp. Hằng năm, ông vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước đóng góp từ 200 đến 250 triệu đồng để xóa nhà tạm cho người nghèo, bê-tông hóa đường nông thôn, cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi ở thôn Chiết Bi và giúp đỡ các thôn bạn như Ngọc Anh và Tây Trì Nhơn (xã Phú Thượng), Dưỡng Mong (xã Phú Mỹ)… Từ năm 2012 đến 2016, ông vận động bà con trong thôn đóng góp ngày công, xin gỗ, tôn từ các nhà từ thiện để xóa sáu nhà tạm bợ cho bà con. Ông Đích còn vận động người dân hiến đất để xây dựng nông thôn mới, làm đường bê-tông để các cháu học sinh đi học thuận tiện, nhất là vào mùa mưa lũ. Trong chương trình “Thắp sáng đường xóm tại khu dân cư Chiết Bi”, ông Đích đã vận động bà con của tám xóm trong thôn đóng góp 24 triệu đồng để kéo điện thắp sáng đường xóm, bình quân mỗi xóm có 10 đến 15 bóng đèn, bảo đảm an toàn giao thông ban đêm thuận tiện và tạo thuận lợi cho công tác tuần tra an ninh thôn xóm.

Từ năm 2014 đến nay, ông Đích đã vận động chùa Quan Âm (Ca-li-pho-ni-a, Mỹ) hỗ trợ gạo hằng tháng để cấp cho 14 hộ nghèo, những người già neo đơn cho đến khi qua đời, với số lượng là 15 kg/hộ/tháng. Tháng 2-2018 ông Đích đã vận động được 35 chiếc xe lăn ở nước ngoài để tặng các cháu học sinh và phụ huynh tàn tật ở thôn Chiết Bi và các thôn Ngọc Anh, Tây Trì Nhơn (xã Phú Thượng) và thôn Dưỡng Mong (xã Phú Mỹ). Hằng năm, cứ đến Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” (18-11), ông vận động chị em tiểu thương chợ Đông Ba tặng quà hộ gia đình nghèo, hoặc có người tàn tật, neo đơn. Hiện ở thôn Chiết Bi có 14 học sinh, sinh viên được nhận học bổng lâu dài của một nhà hảo tâm ở nước ngoài do ông Đích vận động (có 12 học sinh THCS và THPT và hai sinh viên đại học) đến khi học hết mới thôi tài trợ.

Ông Đích đã góp một phần công sức của mình để thôn Chiết Bi trở thành một trong những thôn tiêu biểu, dẫn đầu về công tác khuyến học khuyến tài của tỉnh Thừa Thiên Huế; thôn điển hình về xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Vang. Ông Đích tâm sự: Làm việc không toan tính vụ lợi cá nhân, không cục bộ, không thiên vị dòng họ mình, người quen mình. Làm việc chí công vô tư thì người ta mới tin tưởng và giao tiền cho mình. Do có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác Mặt trận nói chung và công tác khuyến học khuyến tài nói riêng, ông Đích đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của UBND huyện Phú Vang, Ủy ban MTTQ và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2017 ông đã được Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen: “Đã có thành tích trong công tác tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2011 - 2016”.

VÕ VĂN DẦN (Thừa Thiên Huế)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhiều năm chưa giải quyết xong thủ tục di chuyển hồ sơ liệt sĩ

Ông Tạ Văn Vượng, sinh năm 1928, ở tổ 3, khu I, phường Yết Kiêu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) là em ruột của liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh, nguyên quán xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Nhiều năm qua, ông Vượng đã nhiều lần về Thái Bình làm thủ tục di chuyển hồ sơ liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh về nơi ông cư trú ở Quảng Ninh, để thuận tiện cho việc hưởng các chế độ ưu đãi, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh, hy sinh ngày 1-7-1950, Bằng Tổ quốc ghi công số EC 417 bp/CL, theo Quyết định 246/TTga, ngày 20-6-1972 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1969, mẹ liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh qua đời, ông Tạ Văn Vượng là em ruột và cũng là người thân duy nhất còn sống thực hiện việc thờ cúng liệt sĩ. Từ năm 1995, Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Theo quy định thì ông Tạ Văn Vượng được hưởng chế độ này, nhưng do hồ sơ liệt sĩ lưu giữ tại địa phương ghi nhầm ông Tạ Văn Vượng là con liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh cho nên đơn đề nghị của ông Vượng không được giải quyết. Năm 2000, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Thái Bình giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh cho một người có tên là Tạ Văn Phú, cháu của liệt sĩ. Ông Vượng cho biết, thực tế thì không có ai trong họ tộc tên là Tạ Văn Phú, chỉ có ông Lê Văn Phú là chồng của em gái vợ ông Vượng. Do ông Vượng không cư trú ở địa phương cho nên đã ủy quyền cho ông Lê Văn Phú lĩnh chế độ thờ cúng liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh và quà thăm hỏi thân nhân liệt sĩ của địa phương rồi chuyển lại cho ông. “Năm 2013, khi ông Lê Văn Phú sắp mất, tôi về Thái Bình làm thủ tục di chuyển hồ sơ liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh ra Quảng Ninh. Hồ sơ có cả biên bản họp gia đình, dòng họ của liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh, có xác nhận của UBND xã Duy Nhất và giấy ủy quyền của ông Lê Văn Phú. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần làm hồ sơ đề nghị, nhưng nguyện vọng của tôi vẫn không được giải quyết. Chế độ thờ cúng liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh cũng bị cắt mà không có thông báo, quyết định nào”, ông Vượng cho biết.

Liên quan sự việc nêu trên, ngày 18-5-2015, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Thái Bình có Văn bản số 541 trả lời ông Tạ Văn Vượng. Nội dung văn bản nêu: Sau khi kiểm tra hồ sơ liệt sĩ đang được quản lý và lưu trữ tại Sở, do hồ sơ gốc của liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh chưa được Bộ LĐ-TB và XH chuyển về Thái Bình cho nên ngày 3-11-2014, Sở đã làm Công văn số 1425 gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB và XH) xin trích lục hồ sơ liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh và chuyển về tỉnh Thái Bình để quản lý và lưu trữ theo quy định. Nhưng đến nay, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Thái Bình vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Cục Người có công. Sở LĐ-TB và XH tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị Cục Người có công sớm trích lục hồ sơ của liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh gửi về Sở để Sở hoàn thiện di chuyển hồ sơ theo đúng quy định.

Kể từ đó đến nay, ông Tạ Văn Vượng không nhận được thông tin, văn bản nào của cơ quan chức năng về việc giải quyết đơn đề nghị di chuyển hồ sơ liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh.

Qua sự việc trên cho thấy, việc kiểm tra, xác minh thông tin liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ không phải là việc khó, việc di chuyển hồ sơ liệt sĩ cũng là một thủ tục đơn giản, theo quy định không quá 15 ngày phải hoàn tất hồ sơ. Nhưng do cán bộ chính sách thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót trong việc xác lập người hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ Tạ Văn Vĩnh, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục di chuyển hồ sơ liệt sĩ, để sự việc kéo dài, gây bức xúc và thiệt thòi về quyền lợi cho thân nhân liệt sĩ.

MINH QUỐC (Thái Bình)