Ngăn chặn việc khai thác đá trái phép tại vùng lõi Công viên địa chất Hà Giang

Thời gian gần đây, Báo Nhân Dân nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng khai thác đá trái phép làm vật liệu xây dựng tại huyện vùng cao Yên Minh (Hà Giang). Đáng nói là các cấp chính quyền, ngành chức năng của huyện và xã biết thực trạng này, nhưng chưa nghiêm túc xử lý với lý do “người dân khai thác để phục vụ xây dựng nông thôn mới”.

Điểm mỏ khai thác đá trái phép tại thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh.
Điểm mỏ khai thác đá trái phép tại thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh.

Khai thác trái phép tràn lan

Trước thực trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Ngày 9-7-2019, UBND tỉnh Hà Giang có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Minh xử lý nghiêm tình trạng khai thác đá trái phép để làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, đến thời điểm hiện tại, thực trạng khai thác đá trái phép vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí số điểm khai thác trái phép còn nhiều hơn so với những tháng đầu năm.

Điển hình như điểm khai thác đá trái phép tại thôn Lao Và Chải, xã Lao Và Chải. Địa điểm khai thác đá này chỉ cách tuyến đường từ huyện Quản Bạ đi Yên Minh khoảng 50 m, hoạt động đã lâu nhưng không bị xử lý. Bên cạnh đó là hàng loạt các điểm mỏ khai thác đá trái phép mới mọc lên tại nhiều xã. Đó là những điểm khai thác đá trái phép tại các thôn Xả Ván, Khán Trổ, Sủa Chải, xã Thắng Mố; hai điểm khai thác đá trái phép tại thôn Bản Muồng, xã Bạch Đích; điểm khai thác đá tại thôn Páo Phù Tủng, xã Phú Lũng; bốn điểm khai thác trái phép tại xã Sủng Thài; hai điểm khai thác trái phép tại xã Hữu Vinh.

Tại các điểm mỏ này, hoạt động khai thác trái phép diễn ra thường xuyên và công khai. Nhiều điểm mỏ nằm ngay giáp đường liên xã, gần trụ sở UBND các xã nhưng không bị kiểm tra, xử lý, điển hình là điểm mỏ tại thôn Hồng Ngài A, xã Sủng Thài. Chủ tịch UBND xã Sủng Thài Lục Xuân Hân thừa nhận: “Trên địa bàn xã hiện nay có bốn điểm mỏ khai thác đá trái phép, trong đó điểm mỏ ở thôn Hồng Ngài A là lớn và hoạt động đã khá lâu. Chính quyền xã đã có kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu người khai thác các điểm mỏ viết cam kết dừng khai thác. Thế nhưng, thực tế thì các điểm mỏ này vẫn hoạt động”.

Tại xã Hữu Vinh gần trung tâm huyện lỵ Yên Minh, tình trạng khai thác đá trái phép cũng diễn ra phổ biến. Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Vinh Phan Văn Dưỡng cho biết: “Trước đây, trên địa bàn có tất cả năm điểm khai thác đá trái phép, nhưng chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý và đề nghị Chi nhánh điện Yên Minh cắt điện ba pha để các điểm mỏ này dừng hoạt động. Đến nay, có ba mỏ dừng hoạt động, còn hai mỏ tại thôn Nà Hảo vẫn hoạt động với mục đích chính là lấy đá phục vụ xây dựng các công trình nông thôn mới như đường giao thông nông thôn, ba công trình vệ sinh của các hộ gia đình”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, các mỏ đá trái phép hoạt động ở địa bàn xã Hữu Vinh không chỉ phục vụ nhu cầu xây dựng nông thôn mới mà còn bán ra thị trường các xã trong huyện và một số xã thuộc huyện Đồng Văn.

Tại thị trấn Yên Minh, mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 thuộc địa phận thôn Nà Tèn, được cấp phép lần lượt cho các đơn vị: Công ty TNHH Thanh Long và Hợp tác xã Tân Thành. Đây là những điểm mỏ gần khu dân cư, thời gian qua, hoạt động sản xuất làm ảnh hưởng lớn tới môi trường của người dân thôn Nà Tèn. Một số hộ dân trong thôn cho biết: “Hiện nay, mỏ đá Pắc Luốc 1 của Công ty TNHH Thanh Long đang được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Phương Đông. Người dân mong muốn tỉnh không cho chuyển nhượng mỏ này mà cần dừng khai thác vì ảnh hưởng đến khu dân cư”.

Bất cập trong công tác bảo tồn di sản

Tại sao trên địa bàn huyện Yên Minh lại xảy ra tình trạng khai thác đá tràn lan, nhưng không bị xử lý, mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Trao đổi với lãnh đạo huyện Yên Minh về những bất cập nêu trên, chúng tôi được biết: Những điểm mỏ ở các xã vùng cao đều có quy mô nhỏ lẻ, việc xin cấp phép dài hạn thì phải đầu tư lớn, mất nhiều thời gian, không có nhà đầu tư có tiềm lực để theo đuổi các dự án xin cấp phép mỏ. Trong khi đó, nhu cầu vật liệu của người dân để xây dựng nhà cửa, công trình vệ sinh, nhu cầu vật liệu để làm các công trình nông thôn mới là rất cấp thiết. Trên địa bàn huyện hiện nay chỉ có hai điểm mỏ đá ở thị trấn Yên Minh được cấp phép. Nếu mua đá ở đây vận chuyển lên các xã vùng cao thì chi phí lớn, mà cuộc sống của người dân còn khó khăn, kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới thì hạn chế.

Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phan Thị Minh cho biết: “Bảo chính quyền huyện, xã có biết thực trạng này không? Biết đấy, nhưng thật sự để ngăn chặn hoàn toàn thì khó khăn lắm. Nếu cấm triệt để thì không có vật liệu để xây dựng nông thôn mới, người dân sống trên đá mà chẳng có đá để làm”.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã triển khai đề án một triệu tấn xi-măng để hỗ trợ cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng… Nhằm giải quyết khó khăn về vật liệu xây dựng, tỉnh đã giao các huyện, thành phố huy động người dân lập tổ sản xuất đứng ra khai thác, hoặc thuê các doanh nghiệp, hợp tác xã để khai thác tại các khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi) theo khối lượng, công trình nông thôn mới mà huyện đã đăng ký. Năm 2019, cách làm này vẫn được tỉnh Hà Giang thực hiện. Thế nhưng, một điều lạ là dù nhu cầu vật liệu xây dựng nông thôn mới cấp thiết, thủ tục xin cấp phép gọn nhẹ, chi phí thấp, nhưng tại huyện Yên Minh không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra xin cấp phép theo chủ trương của tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phan Thị Minh cho biết thêm: “Huyện đã có văn bản triển khai chủ trương của tỉnh cho phép các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác vật liệu xây dựng thông thường, nhưng không có ai đăng ký cả. Giờ đăng ký thì đã muộn vì tỉnh cũng không cấp phép nữa”.

Yên Minh là huyện nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2012, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quy chế quy định quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Quy chế này nghiêm cấm việc khai thác, phá đá, nhất là tại những vùng có nhiều giá trị di sản địa chất được xếp hạng cấp quốc gia, quốc tế; cấm các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác không theo quy định của pháp luật, làm thay đổi cảnh quan môi trường, hệ sinh thái trong khu vực di sản.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm không ảnh hưởng đến di sản địa chất của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã quy hoạch những điểm mỏ khai thác đá tại bốn huyện vùng cao, trong đó huyện Yên Minh có 28 điểm mỏ. Một thực tế đáng lo ngại, hầu hết các điểm khai thác đá trái phép trên địa bàn huyện hiện nay đều nằm ngoài quy hoạch các điểm mỏ của tỉnh. Lãnh đạo Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: “Không chỉ tại Yên Minh mà các huyện vùng công viên địa chất là Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc cũng xuất hiện tình trạng khai thác đá trái phép. Tình trạng khai thác đá trái phép sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan di sản địa chất, gây ô nhiễm môi trường và thể hiện sự yếu kém trong công tác bảo tồn di sản của chính quyền cơ sở”.

Nhu cầu vật liệu xây dựng để xây dựng nông thôn mới là cần thiết, tuy nhiên, vì lý do này mà để tình trạng khai thác đá trái phép tràn lan sẽ gây tác hại đến di sản địa chất, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cần quan tâm, chỉ đạo, xử lý kịp thời những bất cập nêu trên.