Ngăn chặn tình trạng cạnh tranh gặt lúa thuê không lành mạnh

Thư bạn đọc phản ánh, hiện nay nông dân ở nhiều địa phương đang tất bật thu hoạch vụ lúa chiêm xuân năm 2020 bằng máy gặt thuê. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng giúp cho người dân giảm bớt nhọc nhằn, song một số chủ máy gặt có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh như: Dùng dao, kiếm ẩu đả, dùng chông sắt cài trên ruộng lúa nhằm phá hỏng máy gặt, gây bức xúc dư luận, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT).

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Ninh Bình.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Ninh Bình.

Mới bước vào hè, nắng đã gắt như đổ lửa trên những cánh đồng lúa vàng rực, trĩu hạt ở xã Gia Lâm, huyện Nho Quan (Ninh Bình) thì cũng là lúc người dân đang hối hả, tất bật thu hoạch vụ lúa chiêm xuân năm 2020. Nhiều hộ thuê máy gặt, thợ gặt xuống đồng thu hoạch lúa từ sáng sớm để giảm bớt nhọc nhằn. Song một số chủ máy gặt, thợ gặt lại bị một số đối tượng đe dọa, chửi bới qua tin nhắn, điện thoại nhằm ngăn cản họ thu hoạch lúa giúp người dân. Có trường hợp đe dọa không được, một số đối tượng xông thẳng ra đồng, dùng dao quắm đuổi đánh chủ máy, thợ gặt. Anh Nguyễn Ngọc May và Nguyễn Văn Tặng, ở tỉnh Thái Bình đang gặt thuê ở cánh đồng thôn 9, xã Gia Lâm là những trường hợp bị đuổi đánh, bị chém trong mùa gặt thuê vừa qua. Anh May bị thương ở cánh tay buộc phải vào viện điều trị. Đại úy Đinh Công Lực, Trưởng Công an xã Gia Lâm cho biết: Công an xã Gia Lâm đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường kịp thời lập biên bản, xác định người đe dọa, đuổi đánh chủ máy gặt, thợ gặt ở cánh đồng thôn 9 là: Nguyễn Văn Lâm ở xã Gia Lâm và một đối tượng khác có tên là Kiệt. Đồng thời, tăng cường lực lượng bảo đảm ANTT phục vụ người dân thu hoạch an toàn. Nguyên nhân xảy ra sự việc nêu trên qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trước đó, anh Lâm đã ký Hợp đồng số 03-2020 CN, ngày 24-4-2020 nhận khoán (bên B) thu hoạch lúa chiêm xuân năm 2020 với HTX nông nghiệp Gia Lâm (bên A) thuộc xã Gia Lâm. Theo đó, bên B có trách nhiệm thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp các diện tích ở những xứ đồng của người dân thuộc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Gia Lâm mà máy gặt có thể thu hoạch được như ở các thôn 2, 4, 5, 6, 7; đồng thời hợp đồng gặt cho một số thôn khác trong đó có thôn 9. Giá hợp đồng gặt bên A phải trả cho bên B là 95 nghìn đồng/sào lúa; còn bên A thu của các hộ dân là 105 nghìn đồng/sào lúa. Do vậy, khi thấy chủ máy gặt, thợ gặt từ nơi khác tới thu hoạch lúa ở thôn 9, Lâm rủ đối tượng tên là Kiệt phóng xe bán tải tới đồng lúa của một số hộ ở thôn 9, rồi nhảy xuống đuổi đánh nhóm thợ gặt nêu trên.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở thôn 9, việc HTX nông nghiệp Gia Lâm ký hợp đồng gặt lúa chỉ có 95 nghìn đồng/sào, nhưng thu của người dân công gặt 105 nghìn đồng/sào là cao hơn giá thị trường, cho nên nhiều hộ dân không chấp nhận. Ông Đinh Văn Sinh ở xã Gia Lâm cho biết: Nông dân vất vả mấy tháng trời mới được một vụ lúa, thu nhập thấp, vì thế ở đâu nhận gặt rẻ thì người dân thuê. Giá gặt lúa thuê thời điểm đầu tháng 5 tại xã Gia Lâm chỉ có 90 nghìn đồng/sào, sẽ đỡ chi phí tiền công gặt cho người dân là 10 nghìn đồng/sào; ngoài ra nhiều hộ còn bớt được cả công vận chuyển tới vài trăm nghìn đồng. Thực tế trên cho thấy việc điều hành thu hoạch vụ lúa chiêm xuân 2020 của HTX nông nghiệp Gia Lâm còn bất cập, chưa bám sát thị trường để giảm chí phí trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, làm phát sinh những tranh chấp không đáng có giữa các nhóm chủ máy gặt, thợ gặt với nhau, gây mất ANTT trên địa bàn. Hiện, Công an huyện Nho Quan đã yêu cầu Công an xã Gia Lâm khẩn trương củng cố hồ sơ để có cơ sở xử lý nghiêm các vi phạm nêu trên theo đúng quy định pháp luật. Nhớ lại vụ thu hoạch lúa chiêm xuân năm trước ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) chúng tôi thấy việc cạnh tranh giữa các nhóm chủ máy gặt thuê cũng có nhiều biểu hiện phức tạp tương tự. Một số chủ máy gặt bị phá hỏng máy, thiệt hại nhiều về kinh tế, song chỉ biết ngậm “ bồ hòn” làm ngọt vì không tìm ra thủ phạm. Đó là trường hợp chủ máy gặt Phan Công Tiếu, ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp. Anh Phan Công Tiếu cho biết: Năm ngoái, máy gặt của anh đang gặt lúa cho một số hộ dân ở xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, thì bị nhiều thanh sắt dài cuốn sâu vào máy khiến không hoạt động được. Kiểm tra ruộng lúa, anh Tiếu phát hiện nhiều thanh sắt dài cắm trên mặt ruộng lẫn với lúa. Khi máy gặt tới đó, các thanh sắt sẽ cuốn theo lúa vào bên trong phá hỏng máy gặt.

Hiện nay, nông dân ở tỉnh Ninh Bình và nhiều địa phương khác đang tất bật thu hoạch vụ lúa chiêm xuân năm 2020 bằng máy gặt thuê. Dưới nắng hè chói chang, trên nhiều cánh đồng lúa, không khí thu hoạch rất sôi động. Tiếng máy gặt đập liên hợp rộn rã, được bà con các vùng nông thôn sử dụng khá phổ biến vì thời gian thu hoạch rút ngắn, giảm bớt nhọc nhằn, lại giảm cả chi phí sản xuất. Một số chủ máy gặt thuê cho biết: Máy gặt đập liên hợp chỉ cần một thợ lái điều khiển cắt lúa và ba đến bốn nhân công phụ việc thu thóc đóng vào bao, hoặc vận chuyển thóc theo nhu cầu của người thuê. Một máy gặt đập hoạt động hết công suất có thể thu hoạch từ 75 đến 80 sào/ngày. Mùa gặt có hai vụ/năm, thu nhập từ gặt thuê bằng máy khá cao, cho nên nhiều chủ máy gặt, thợ gặt khi bước vào thời điểm thu hoạch lúa chiêm xuân, lúa vụ mùa hằng năm là bắt đầu đi khắp các cánh đồng ở các địa phương để gặt thuê. Song họ luôn nơm nớp lo sợ tình trạng “bảo kê”, sợ kẻ xấu hành hung, không cho thu hoạch lúa giúp nông dân.

Để bảo đảm tình hình ANTT ở các vùng nông thôn trong mùa gặt, các xã, HTX cần thống kê, nắm chắc danh sách chủ máy gặt là người địa phương, người địa phương khác đến gặt thuê trên địa bàn. Từ đó tổ chức cho các chủ máy gặt ký cam kết không tranh giành việc thu hoạch lúa, không thuê kẻ xấu bảo kê, công khai giá gặt lúa để người dân lựa chọn, chấp hành nghiêm các quy định về việc bảo đảm ANTT, phục vụ nông dân yên tâm thu hoạch và sản xuất.

Công an chính quy đã được tăng cường về xã cần chủ động nắm bắt tình hình trong mùa gặt, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các biểu hiện “bảo kê” trong mùa gặt và các vi phạm khác nhằm bảo đảm ANTT ở các vùng nông thôn.

PHẠM MINH TÚ (Xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)