Ngăn chặn hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cho nên tình hình vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trái ngược với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của các ban, ngành, đoàn thể thì vẫn có những cá nhân trốn khỏi khu cách ly; chống người thi hành công vụ; buôn lậu khẩu trang qua biên giới… vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bảo Lâm (BĐBP tỉnh Lạng Sơn) kiểm đếm số khẩu trang không rõ nguồn gốc vừa tạm giữ. Ảnh: ĐỨC SƠN
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bảo Lâm (BĐBP tỉnh Lạng Sơn) kiểm đếm số khẩu trang không rõ nguồn gốc vừa tạm giữ. Ảnh: ĐỨC SƠN

Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thu Vân, trú tại số 92 phố Đình Đông, phường Đông Hải (quận Lê Chân) về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trước đó, tại cửa vào tầng hầm chung cư D2, phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền), Vũ Thị Thu Vân vào lấy xe máy thì được các cán bộ phòng, chống dịch Covid-19 của phường yêu cầu kiểm tra thân nhiệt. Tuy nhiên, thay vì thiện chí hợp tác thì bà Vân đã có lời lẽ thóa mạ và hất tung máy đo thân nhiệt của tổ kiểm tra rồi bỏ đi. Ít lâu sau, bà Vân quay lại nhưng không chấp hành việc đo thân nhiệt mà còn giật khẩu trang, tát Trung úy Vũ Xuân Quân, cán bộ Công an phường Đồng Quốc Bình. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Công an quận đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Vân.

Trước đó, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình phối hợp lực lượng hải quan bắt giữ vụ vận chuyển lậu 21.700 chiếc khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Lào tiêu thụ. Cụ thể, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) phát hiện xe đầu kéo BKS 36C-39323 và xe khách BKS 38B-00215 có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện trên các xe này có nhiều thùng các-tông, bên trong chứa 21.700 chiếc khẩu trang y tế. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Bước đầu, các đối tượng Hoàng Bá Q., quê ở tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Hải N. và vợ là Nguyễn Thị N., cùng quê ở tỉnh Hà Tĩnh là lái xe, phụ xe của các phương tiện nêu trên khai nhận vận chuyển thuê cho các đối tượng người nước ngoài không rõ tên tuổi để bán kiếm lời. Hiện nay, vụ việc đã được các cán bộ BĐBP xử lý theo quy định.

Theo một cán bộ công an, các hành vi vi phạm nêu trên rất đa dạng, nhưng để người dân hiểu đúng về hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi tòa án các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, hướng dẫn cách xác định tội danh theo quy định tại các Điều 155, 174, 188, 196, 240, 295, 288, 330, 360,… của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19, theo Điều 330 thì người vi phạm có thể tùy tính chất, mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Đối với hành vi buôn lậu khẩu trang được dùng vào việc phòng, chống dịch Covid-19 nhằm thu lợi bất chính trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng,… thì theo Điều 188 có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Cũng tương tự như vậy, người nào đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, căn cứ theo điểm c, khoản 1, Điều 240 thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm…

Cũng liên quan việc xử lý các hành vi vi phạm này, Sở Tư pháp TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 925/STP-PBGDPL gửi các cơ quan báo chí đề nghị phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan phòng, chống dịch Covid-19. Tại văn bản này quy định chi tiết mức phạt đối với 13 hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể: Nếu không đeo khẩu trang tại nơi công cộng thì người vi phạm bị phạt tiền tối đa đến 300 nghìn đồng. Người nào vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến năm triệu đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tối đa đến bảy triệu đồng. Người nào đưa những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 lên mạng máy tính, mạng viễn thông có thể bị xử phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đối với hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch sẽ bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng. Người nào che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)… Ngoài ra, các lực lượng chức năng các địa phương có thể căn cứ vào Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007,… để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành,… khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, nhất là: các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng;... nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Trong hơn hai tháng qua, lực lượng BĐBP đã chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ khoảng 152 vụ buôn lậu khẩu trang, trang thiết bị y tế/ hơn 85 đối tượng, thu giữ khoảng 4,5 triệu chiếc khẩu trang, hơn 3.200 lọ nước sát khuẩn, hơn 19.100 găng tay… Các đơn vị BĐBP đã chủ động, kịp thời phát hiện sớm, ngăn chặn; điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật rất nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép khẩu trang, trang thiết bị y tế qua biên giới…

Đại tá PHAN THĂNG LONG

Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng)