Lo lắng an toàn thực phẩm trong trường học

Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các trường học ở TP Hà Nội nói riêng và nhiều địa phương nói chung vẫn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: MINH QUANG
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: MINH QUANG

Chỉ mới hai tuần bước vào năm học mới, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ trẻ nhập viện sau bữa ăn tại trường, nghi do ngộ độc thực phẩm, khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Mới đây nhất, tại Trường tiểu học Lê Hữu Tựu, xã Nguyên Khê và Trường tiểu học Tiên Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), sau bữa ăn, hàng loạt học sinh phải nhập viện. Trước đó vài ngày, một trường tiểu học tại quận 2, TP Hồ Chí Minh cũng có 98 em có biểu hiện bất thường sau bữa ăn bán trú. Tất cả sự cố này, đến nay chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng câu chuyện an toàn thực phẩm (ATTP) học đường vẫn là nỗi lo của phụ huynh. Anh Trần Văn Hưng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay, nhiều trường công lập không có thực đơn bữa ăn. Chúng tôi kiến nghị nhà trường nên cung cấp công khai thực đơn theo tuần/tháng. Nên thuê một đơn vị giám sát độc lập về hoạt động cung cấp thực phẩm và sử dụng bếp ăn tại trường để nấu cho các con. Tôi hy vọng cách này có thể giảm đến mức thấp nhất về nỗi lo mất ATTP”. Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất vào tháng 3 và tháng 9, 10. Nguyên  nhân chính thường là do khó kiểm soát  nguyên liệu, thực phẩm “đầu vào” tại các trường học. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, ban giám hiệu các trường học chưa sâu sát vấn đề ATTP, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn. Mặt khác, tuy đã có nhiều cải thiện về dinh dưỡng, song nhiều trường chưa coi trọng quy trình lưu mẫu thực phẩm. Do vậy, khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, muốn kiểm tra mẫu lưu tại trường lại không có, dẫn đến khó xác định nguyên nhân.

Ngày 23-4-2020, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có Công văn số 964/ATTP-NĐTT về ATTP trong phòng, chống dịch Covid-19 tại bếp ăn cơ sở giáo dục, trong đó nêu rõ:  Yêu cầu bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các trường học phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định… Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở; khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà-phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển; khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà-phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng. Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi. Có thể bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống… 

Cùng với việc thực hiện theo các quy định nêu trên, thời gian tới, để bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú tại trường học, theo ý kiến của các chuyên gia, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, các nhà trường cần nâng cao nhận thức, kiến thức ATTP cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường học. Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm ATTP, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hằng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm tra ba bước (trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và trước khi ăn), lưu mẫu thức ăn. Ngoài kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phải xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, buộc các trường chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm về ATTP. Cùng với đó, phụ huynh cần được trực tiếp tham gia giám sát. Nhà trường cần thành lập ban giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó phụ huynh là thành phần của ban và trực tiếp giám sát hằng ngày. Các cơ quan, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, công khai danh tính đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

ATTP nói chung và ATTP trong bếp ăn tại trường học nói riêng đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Dù các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học chiếm tỷ lệ thấp, nhưng đối tượng lại là các em nhỏ, sức đề kháng thấp, vì thế có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

TS NGUYỄN THANH PHONG

Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, thì mới tạo được chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực bảo đảm vệ sinh ATTP trường học.

Luật sư PHẠM VĂN NGÂN

Văn phòng Luật sư Hưng Thịnh (Hà Nội)