Kết nối việc làm cho người lao động dịp cuối năm

Dịp cuối năm cũng là lúc thị trường việc làm thời vụ dành cho người lao động tự do rất sôi động. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thuê lao động lĩnh vực này giảm sút đáng kể. Trước tình hình này, các ngành chức năng của TP Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp để giúp người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống.

Người lao động đến ứng tuyển tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (số 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy). Ảnh: MINH NGỌC
Người lao động đến ứng tuyển tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (số 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy). Ảnh: MINH NGỌC

Thời điểm quý IV hằng năm, thị trường lao động luôn nhộn nhịp nhất trong năm, khi mà nhiều doanh nghiệp bắt đầu tập trung sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu cuối năm và Tết Nguyên đán. Anh Trần Văn Huy, giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may gia công trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) cho biết: “Nhu cầu mua sắm của người dân cuối năm tăng mạnh, nên cứ vào dịp cuối năm tôi phải tuyển thêm từ 10 đến 20 nhân viên để thay ca vào những ngày cao điểm và trả lương từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Mặc dù vậy, hiện tại doanh nghiệp của tôi vẫn thiếu nhân viên, nếu không tìm đủ người, có lẽ sẽ phải kéo dài tuyển dụng đến giáp Tết”. Còn chị Nguyễn Thu Hà, người bán hàng đại lý bánh kẹo tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy) cho hay, dịp Tết Nguyên đán tới, chị không thuê người bán hàng thời vụ như những năm trước để tiết kiệm chi phí. Theo chị Hà, khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu mua sắm giảm so với các năm trước, nên việc bán hàng của chị sẽ không quá bận rộn đến mức phải thuê người bán hàng. Về phía người lao động, qua khảo sát thực tế, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động tự do không có việc làm. Là người đã tham gia ứng tuyển tại một số doanh nghiệp, anh Phạm Quang Linh, ở phố Khương Trung (quận Thanh Xuân) từng làm trong lĩnh vực du lịch cho biết: “Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dịch vụ, văn phòng, công nghệ. Còn đối với những người có nhu cầu tìm việc ở lĩnh vực dệt may, khách sạn, dịch vụ du lịch thì không dễ”. Anh Nguyễn Duy Hoàn, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), là người đã có nhiều năm làm lao động tự do ở Thủ đô chia sẻ: “Đến thời điểm này, nhu cầu thuê lao động thời vụ dịp Tết Nguyên đán vẫn rất ít, nên tôi đang tính về quê tìm việc khác”.

Có một thực tế là vào dịp cuối năm, ngày lễ, Tết, trong khi các doanh nghiệp vẫn khó tuyển được nguồn lao động theo yêu cầu, thì số lao động thất nghiệp do tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn tăng cao. Đây chính là bài toán khó tìm lời giải của thị trường lao động. Nguyên nhân do nguồn cung lao động chủ yếu là nhóm lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, còn doanh nghiệp lại có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao, có kinh nghiệm làm việc.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội được biết, trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, để góp phần tạo điều kiện cho người lao động thuộc nhóm không có giao kết hợp đồng có thể tiếp cận được việc làm, ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần; tổ chức sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh chung quanh, trung tâm đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho lao động tự do. Mặt khác, trung tâm đang liên tiếp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần để kết nối thị trường lao động. Tất cả các dịch vụ này hoàn toàn miễn phí cho cả người lao động và doanh nghiệp cần tuyển dụng. Mức lương cho lao động phụ thuộc vào từng vị trí việc làm và kinh nghiệm. Chỉ tính riêng tại sàn Giao dịch việc làm Hà Nội, phiên giao dịch trực tuyến đã có hơn 20 doanh nghiệp tham gia tìm kiếm lao động với hơn 800 vị trí việc làm tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: hành chính - nhân sự, nhân viên kinh doanh, bán hàng, kế toán... Mức lương cho lao động phụ thuộc vào từng vị trí việc làm và kinh nghiệm. Những lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc làm công việc thời vụ, bán thời gian, mức thu nhập dao động từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Còn mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng hướng tới các vị trí tuyển dụng yêu cầu chất lượng cao như kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng, phó phòng có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc. Bên cạnh đó, cũng có những mức thu nhập thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp trong quá trình phỏng vấn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.

Những tháng cuối năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, thị trường lao động Hà Nội vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Để tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các ngành chức năng cần đẩy mạnh các sàn giao dịch việc làm trực tuyến nhằm tạo cơ hội cung cấp thông tin, việc làm cho người lao động, nhưng cũng bảo đảm an toàn, phòng dịch hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, cùng với việc có kế hoạch tuyển dụng phù hợp để thu hút nhân lực, nên quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của người lao động, có thêm các chế độ ưu đãi để người lao động cảm thấy yên tâm và có thể gắn bó lâu dài. Đối với người lao động đang tìm việc, để có được việc làm tốt như mong muốn, cần nỗ lực học hỏi nhiều hơn, trang bị những kỹ năng, kiến thức đáp ứng công việc theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cần thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, cẩn trọng trước những thông tin tuyển dụng, xem xét kỹ lưỡng về doanh nghiệp trước khi ứng tuyển, nghiên cứu về hợp đồng lao động, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Các phiên giao dịch đã kết nối việc làm cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động là sinh viên, lao động thất nghiệp hoặc lao động tự do từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Mặc dù cầu lao động tăng nhưng tình trạng thiếu hụt lao động vẫn xảy ra do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao vào dịp giáp Tết.

VŨ QUANG THÀNH Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Thực tế thị trường lao động tại nhiều địa phương cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, người lao động có nhu cầu tìm việc, song cung và cầu vẫn còn “vênh” nhau. Doanh nghiệp khó tuyển, người lao động lại không tìm được việc làm như mong muốn.

NGUYỄN TUẤN ANH Chuyên gia Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Để tìm được những việc làm thời vụ phù hợp, cùng với việc học tập, nâng cao trình độ ngành nghề chuyên môn, người lao động nên theo dõi thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm (thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín). Ngoài ra cần cảnh giác trước tình trạng người môi giới việc làm yêu cầu trả trước phí giới thiệu việc làm với mức cao, bất hợp lý.

TRẦN HUY (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)