Hà Nội xử lý các công trình xây dựng sai phép, trái phép

Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP Hà Nội đã có chuyển biến và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, cùng với tốc độ phát triển đô thị diễn ra nhanh, tình hình vi phạm TTXD vẫn diễn biến phức tạp.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại quận Hai Bà Trưng.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại quận Hai Bà Trưng.

Nhiều công trình vi phạm đã được chỉ rõ, nhưng việc xử lý chậm, chưa triệt để, gây bức xúc trong dư luận.

Theo phản ánh của các hộ dân trú tại ngõ 1, phố Kiều Mai thuộc tổ 11, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), từ khoảng giữa năm 2018, chủ thửa đất số 17, ngõ 1, phố Kiều Mai khi tiến hành xây dựng nhà mới, đã tự ý chuyển cột điện của khu dân cư ra vị trí bên cạnh, nhằm mục đích lấn chiếm đất công xây nhà trái phép. Do diện tích cơi nới trên tầng 2 lên đến gần 40 m2 áp sát đường dây điện, không bảo đảm an toàn lưới điện và gây nguy hiểm tính mạng và tài sản của các hộ dân, sau nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở, ngày 4-12-2018, UBND phường Phúc Diễn đã ra thông báo về việc cưỡng chế công trình xây dựng trái phép. Tuy nhiên, cho đến nay, đã tám tháng kể từ khi có quyết định cưỡng chế, phần sai phạm của công trình vẫn nguyên hiện trạng, chưa bị xử lý dứt điểm.

Qua kiểm tra, tại số nhà 823 Bạch Ðằng (quận Hai Bà Trưng), chủ đầu tư đã xây dựng công trình trên đê và hành lang thoát lũ từ năm 2017. Ngày 19-1-2017, tổ công tác tại phường Bạch Ðằng đã lập biên bản về vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm tại 823 Bạch Ðằng với quy mô vi phạm: tầng 3, dựng 21 cột sắt chữ I cao 2,8 m, hàn các dầm sắt ngang, mái lợp tôn, diện tích khoảng 100 m2, đã làm lan-can sắt cao 0,8 m, dài 15 m. Ngày 10-8-2017, UBND phường Bạch Ðằng ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về việc cưỡng chế công trình vi phạm. Sau đó, chủ đầu tư đã có đơn xin tự tháo dỡ, tuy nhiên, chưa tháo dỡ triệt để. Qua gần hai năm, đến nay, chủ công trình mới tháo dỡ toàn bộ mái tôn, vì kèo tầng 3 và tiếp tục khắc phục các nội dung vi phạm. UBND quận Hai Bà Trưng giao UBND phường Bạch Ðằng, Ðội quản lý TTXD đô thị giám sát, đôn đốc chủ đầu tư trong quá trình tự tháo dỡ. Trên đây chỉ là hai trong số những công trình xây dựng riêng lẻ vi phạm TTXD xảy ra một thời gian dài, nhưng việc xử lý thiếu quyết liệt và chưa triệt để. Thực tế, còn nhiều công trình xây dựng không phép, trái phép với quy mô lớn cũng bị chậm xử lý và khắc phục như công trình 8B Lê Trực, công trình xây dựng sai phép tại 93 Lò Ðúc, công trình xây dựng sai phép tại 54 và 84 phố Trần Hưng Ðạo…

Theo số liệu của Sở Xây dựng (TP Hà Nội), số trường hợp vi phạm TTXD tồn đọng từ năm 2015-2016 đến tháng 11-2018 tại địa bàn 16 quận, huyện TP Hà Nội là 44 trường hợp. Trong đó, nhiều công trình mặc dù có sự đôn đốc của Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện từng bước phân loại, đề xuất các phương án để giải quyết dứt điểm nhưng việc xử lý chưa đúng tiến độ, để kéo dài… Trao đổi về một trong nguyên nhân dẫn đến những vi phạm TTXD còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý kịp thời, đồng chí Nguyễn Văn Nam, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng cho rằng, đó là do nhiều nơi các cấp lãnh đạo, cấp ủy chính quyền chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết của ban thường vụ quận ủy, dẫn tới thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có nơi, có thời điểm buông lỏng công tác quản lý TTXD. Hệ thống thanh tra xây dựng, chính quyền các phường chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm. Công tác quản lý, giám sát chủ đầu tư xây dựng công trình theo giấy phép và hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt chưa thường xuyên, kịp thời; tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả, dẫn đến không ít trường hợp chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm...

Để nâng cao hiệu quả quản lý TTXD cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sở, ngành, thành phố, nhất là hệ thống chính trị cơ sở; đồng thời, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường trong việc xử lý vi phạm. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra xây dựng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác được giao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công vụ về thanh tra xây dựng theo từng cấp độ. Làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm TTXD. Tiếp thu ý kiến phản ánh của nhân dân, khuyến khích người dân tham gia quá trình xử lý đối với các vi phạm TTXD, kịp thời thông tin về kết quả xử lý vi phạm TTXD đến quần chúng nhân dân. Cần có sự nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.