Chấn chỉnh việc sử dụng sai nguồn cấp bù thủy lợi phí

Thực hiện chính sách miễn, giảm thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14-11-2008 của Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Điện Biên đều phân bổ nguồn ngân sách cấp bù thủy lợi phí (hiện nay gọi là tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi) cho 10 huyện, thị xã và thành phố. Song từ năm 2016 đến nay, nhiều huyện, thành phố sử dụng nguồn này không đúng quy định, thậm chí có huyện dùng 100% nguồn kinh phí được cấp cho việc khác…

Bơm nước chống hạn tại xã Thanh Lương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Bơm nước chống hạn tại xã Thanh Lương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Điện Biên, hiện nay toàn tỉnh có 10 huyện, thị xã và thành phố (sau đây gọi chung là đơn vị cấp huyện) và hai công ty, gồm: Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên, Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Ðiện Biên được phân bổ nguồn kinh phí này để duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi và chi cho công tác quản lý, điều hành; tổng kinh phí cấp cho huyện và hai công ty được căn cứ vào tổng các công trình thủy lợi và diện tích lúa, hoa màu.

Căn cứ Quyết định 211/1998/QÐ-BNN-QLN ngày 19-12-1998 của Bộ NN và PTNT về việc ban hành quy định chế độ sử dụng kinh phí cho sửa chữa thường xuyên tài sản cố định của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, ngày 26-3-2014, Sở NN và PTNT Điện Biên đã ban hành Văn bản 411/SNN-TL hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí gửi các đơn vị thụ hưởng. Theo đó, nguồn kinh phí này được dùng chi cho hai mục đích, gồm: Công tác quản lý, điều hành tối đa 70% tổng số kinh phí thủy lợi của các công trình thủy lợi cho tổ chức hợp tác dùng nước trực tiếp quản lý; chi cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên công trình (phát dọn, nạo vét kênh mương, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ công trình) tối thiểu 30%. Cũng trong Văn bản 411, có quy định: đối với nguồn kinh phí dành cho duy tu, sửa chữa nhỏ hằng năm (đã trích) nếu chưa sử dụng hết thì chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không được dùng và quyết toán vào việc khác.

Quy định là vậy, song thực tế, một số huyện trong tỉnh Điện Biên thực hiện không đúng. Huyện Điện Biên và Điện Biên Đông đã dùng toàn bộ kinh phí được cấp hằng năm (mỗi huyện khoảng ba tỷ đồng) để sửa chữa các công trình thủy lợi; thành phố Điện Biên Phủ lại dùng nguồn này để sửa chữa lớn trong khi quy định là sửa chữa nhỏ. Hay như Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên (trong giai đoạn 2016 - 2018), đã chi 78,1% tổng kinh phí được cấp cho công tác quản lý, điều hành (trong khi Văn bản 411 của Sở NN và PTNT Điện Biên hướng dẫn quy định tối đa là 70%); còn lại chi cho công tác duy tu, sửa chữa nhỏ 21,9% (quy định tối thiểu 30%).

Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Điện Biên Nguyễn Thị Huyền cho biết: Do các xã chưa thành lập tổ chức hợp tác dùng nước cho nên từ năm 2016 trở về trước, huyện dùng 100% nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí (khoảng ba tỷ đồng) để sửa chữa các công trình. Sau khi Thanh tra Sở Tài chính phát hiện, thì từ năm 2017 đến nay, huyện Điện Biên đã phân bổ kinh phí về cho các xã thực hiện, nhưng các xã chưa thành lập được các tổ chức hợp tác dùng nước cho nên nguồn chưa tiêu được. Huyện Điện Biên Đông chi sai cũng bởi vì các xã chưa có tổ chức hợp tác dùng nước. Còn với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên, người đại diện là ông Nguyễn Văn Duyên khẳng định: “Trong nội dung chi cho sửa chữa thường xuyên, duy tu có 10% nguồn kinh phí dành cho công tác dự phòng, vì vậy công ty không chi sai so với quy định”. Tuy nhiên, đối chiếu theo Quyết định 211 của Bộ NN và PTNT và Văn bản hướng dẫn 411 của Sở NN và PTNT Điện Biên thấy rằng, không có quy định hay hướng dẫn thể hiện “phải dành 10% dự phòng cho công tác duy tu, sửa chữa nhỏ thường xuyên”.

Ông Nguyễn Ðức Ðặng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN và PTNT Điện Biên) cho biết: Các địa phương chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác làm dịch vụ thủy nông, vì vậy lúng túng trong việc giao và cấp phát cho đối tượng quản lý, sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, Chi cục Thủy lợi đã hướng dẫn các địa phương thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở (gồm hợp tác xã hoặc tổ hợp tác), song ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc thành lập các hợp tác xã rất khó khăn, nhất là trong lĩnh vực quản lý, khai thác thủy lợi. Còn đối với tổ hợp tác thì quy mô đơn giản hơn nhưng tổ hợp tác lại không có tư cách pháp nhân, vì vậy, việc phân bổ nguồn kinh phí về tổ chức này cũng vướng. Bởi thực tế đó cho nên đến nay hầu hết các huyện trong tỉnh đều chưa thành lập được các tổ chức thủy lợi cơ sở.

Đến năm 2019, toàn tỉnh Điện Biên có 917 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng. Trong đó, cấp tỉnh quản lý 37 công trình, cấp huyện 880 công trình; tổng năng lực tưới theo thiết kế các công trình là 37.669 ha. Với tổng công trình thủy lợi nêu trên, trung bình mỗi năm tỉnh Điện Biên được cấp khoảng 34 tỷ đồng từ nguồn cấp bù thủy lợi phí, song từ việc chi sai nguồn cấp bù thủy lợi phí khiến nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng, không bảo đảm năng lực tưới cho sản xuất, đồng ruộng. Ngay như vụ đông xuân này, riêng huyện Điện Biên đã có 250 ha thiếu nước, nguy cơ khô hạn khó khắc phục. Thực tế này rất cần ngành chức năng tỉnh Điện Biên kiểm tra, chỉ đạo để các đơn vị được cấp nguồn sử dụng đúng quy định.