Cẩn trọng với bánh Trung thu kém chất lượng

Do chịu tác động đại dịch Covid-19, năm nay thị trường bánh Trung thu ít sôi động hơn so với các năm trước. Bên cạnh việc giảm số lượng điểm bán bánh trên các tuyến phố, lượng người mua đến thời điểm này cũng không nhiều.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Ảnh: Lê Nam

Nhu cầu giảm, nhiều cơ sở sản xuất bánh đã chuyển hướng phát triển mảng bán hàng qua mạng (online). Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn chất lượng bánh Trung thu vẫn là mối quan tâm của người tiêu dùng.

Tại thời điểm này năm trước, trên các tuyến phố ở Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt điểm bán bánh Trung thu của các thương hiệu. Song năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các điểm bán này ít hơn hẳn, quy mô cũng không rộng và khá vắng khách. Chị Hoàng Thị Vân, quản lý một điểm bán bánh Trung thu trên tuyến đường Lê Ðức Thọ (Mỹ Ðình, Nam Từ Liêm) cho biết: “Thông thường mùa bánh Trung thu sẽ được bắt đầu từ đầu tháng bảy âm lịch đến hết Rằm tháng tám. Như mùa Trung thu năm trước, lượng khách tập trung vào gần thời điểm Rằm tháng bảy đến Rằm tháng tám, tuy nhiên năm nay nhu cầu thị trường ít hơn và phần lớn khách hàng đã chuyển sang xu hướng đặt bánh online để tránh tiếp xúc trực tiếp, cũng như tụ tập nơi đông người. Do vậy, dự kiến doanh thu của chúng tôi sẽ giảm nhiều so với các năm trước”. Tương tự, tại điểm bán bánh khác ở góc phố Doãn Kế Thiện (Cầu Giấy) tình hình buôn bán cũng không khá hơn. Anh Huy, người quản lý sạp bánh ở đây cho biết, so với mọi năm, thị trường năm nay buôn bán diễn ra chậm hơn, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì chỉ bằng 50% đến 70%.

Mặc dù vậy, nhưng năm nay các hãng vẫn tung ra nhiều sản phẩm mang phong cách riêng cho mùa Trung thu. Theo đó, ở phân khúc bánh cao cấp, lấy cảm hứng từ hoa sen, bộ sưu tập bánh Trung thu chủ đề hoa sen được Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị) giới thiệu với khách hàng. Không chỉ được kết tinh từ hương vị truyền thống và những sản vật quý hiếm, bộ sản phẩm này của Hữu Nghị còn gửi gắm những nét đẹp của nghệ thuật ẩm thực qua các hộp Thanh Nguyệt tinh khôi, Tinh hoa, Trứ danh, Trác tuyệt và cả những lời chúc Thu như ý với hộp Thanh Nguyệt đoàn viên, Bình an, Phú túc, Ðại phát. Bên cạnh đó vẫn có các loại bánh hương vị truyền thống. Công ty Hữu Nghị cũng xây dựng chính sách giá phù hợp với các khoảng giá khác nhau hướng tới đa dạng đối tượng khách hàng. Giá bánh năm nay dao động từ 40 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/chiếc, các hộp đặc biệt với thiết kế tinh tế và những nguyên liệu hảo hạng có giá từ 330 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/hộp.

Tháng Tám âm lịch năm nay là một mùa Trung thu đặc biệt bởi dịch Covid-19 cho nên thay vì đến các điểm bán bánh Trung thu để mua bánh, nhiều người dân đã thay đổi thói quen bằng cách chuyển sang mua hàng online. Chính vì vậy, thị trường bánh Trung thu trực tuyến nhộn nhịp, sôi động hơn hẳn thị trường truyền thống cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ có lợi thế nhanh gọn, tiện lợi, thị trường online còn hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh, thậm chí còn có lợi cho khách hàng vì các công ty hầu như đều có chính sách giao hàng miễn phí. Tuy nhiên, bên cạnh các loại bánh Trung thu có thương hiệu, rõ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thì các loại bánh Trung thu được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc cũng đang dồn dập “đổ bộ” trên hàng loạt trang web bán hàng trực tuyến. Theo đó các sản phẩm bánh Trung thu mi-ni nội địa Trung Quốc đang được khá nhiều người quan tâm với 24 vị cả chay và mặn với giá bán từ 65 nghìn đồng đến 115 nghìn đồng/20 chiếc hoặc bán theo cân từ 89 nghìn đồng đến 99 nghìn đồng/kg. Hay bánh ngàn lớp trứng muối chảy với giá từ 79 nghìn đồng đến 99 nghìn đồng/hộp/6 cái... Theo quan sát thì loại bánh này có trọng lượng khoảng 40 gram, kích thước bằng một phần tư bánh Trung thu thông thường, bao bì ghi chữ Trung Quốc, không có tem phụ bằng tiếng Việt, người mua không rõ hạn sử dụng, không rõ nơi sản xuất, không rõ thành phần… Thực tế, với các sản phẩm còn đang mập mờ thông tin như trên, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị phát hiện, kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu. Ðiểm chung của các sản phẩm này là không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, hạn sử dụng, không rõ chất lượng, không bảo đảm an toàn sử dụng, được nhập lậu với giá rẻ từ Trung Quốc về để bán kiếm lời.

Trước tình hình này, để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng dịp Tết Trung thu năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hành Công văn số 1798/TCQLTT-CNV ngày 24-8-2020 yêu cầu các cục QLTT tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. Theo đó, trước Tết Trung thu, cần kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh Trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, trứng muối... để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn được phân công quản lý. Tổng cục QLTT lưu ý các cục QLTT địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng; yêu cầu các cục QLTT tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào địa bàn tỉnh, thành phố có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh Trung thu giá rẻ, nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các cơ sở sản xuất bánh Trung thu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra điều kiện chung về an toàn thực phẩm như: Ðiều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ, nhất là các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất; chú ý kiểm tra các loại bánh Trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Cùng với những biện pháp của ngành chức năng, để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người thân, các chuyên gia trong ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng, hiện nay việc mua bánh Trung thu online còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi việc bán các sản phẩm này qua mạng hiện nay rất tự phát, tràn lan, do thiếu sự kiểm soát về quy chuẩn thực phẩm đối với các sản phẩm này. Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi đặt mua bánh Trung thu online không rõ nguồn gốc bởi các sản phẩm này rất có thể sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh mua hàng trôi nổi, hàng không có giấy tờ kiểm định của cơ quan chức năng.

“Do mặt hàng bánh Trung thu chỉ mang tính thời vụ, hoạt động sản xuất và tiêu thụ diễn ra trong thời gian ngắn, đòi hỏi việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác kiểm tra không chỉ tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công theo quy mô hộ gia đình, các làng nghề truyền thống, mà còn được tăng cường tại các công ty, khách sạn, doanh nghiệp… có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường”.

PGS, TS NGUYỄN THANH PHONG

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

“Khi chọn mua bánh cần chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, như: Có đủ trang thiết bị che đậy, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất...”.

TRẦN NGỌC TỤ

Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội

“Người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh Trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhất là, với những chiếc bánh rẻ tiền, không bảo đảm an toàn, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, trà trộn, lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng”.

NGUYỄN THỊ HIỀN

(Chuyên gia dinh dưỡng)