Cần tăng cường quản lý Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) rộng gần 20 nghìn ha, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, cần bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khu bảo tồn này bị xâm hại và quy hoạch không hợp lý, làm gia tăng áp lực đối với rừng tự nhiên.

Gỗ quý hiếm khai thác trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.
Gỗ quý hiếm khai thác trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.

Vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng trải rộng trên địa bàn tám xã, thị trấn với hơn 21 nghìn dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao. Mặc dù hơn 14 nghìn ha rừng khu bảo tồn đã được giao khoán quản lý, bảo vệ đến từng lô, khoảnh cho người dân địa phương quản lý, bảo vệ, nhưng thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, xâm hại rừng. Điển hình là cuối tháng 11-2019, có 14 cây gỗ kẹn và một cây trám, tổng khối lượng hơn 10 m3 gỗ thuộc khu bảo tồn trên địa bàn xã Vũ Chấn bị khai thác trái phép. Cũng trong tháng 11-2019, cơ quan chức năng phát hiện có hai cây xoan nhừ, khối lượng hơn 14 m3 ở xã Sảng Mộc, thuộc rừng khu bảo tồn bị đốn hạ. Xét thấy đây là hai vụ khai thác lâm sản trái phép nghiêm trọng nên Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai và Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Võ Nhai xử lý. Để xảy ra hai vụ khai thác rừng này, trách nhiệm thuộc về chủ rừng là Ban Quản lý Khu bảo tồn và tổ nhận khoán, bảo vệ rừng. Đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ nhận khoán bảo vệ rừng, từ đó đề ra giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua cơ quan chức năng cũng phát hiện, bắt giữ hai vụ vận chuyển lâm sản quý hiếm được cho là khai thác từ Khu bảo tồn. Cụ thể, vào ngày 16-11-2019 trong quá trình tuần tra, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai phát hiện ô-tô biển kiểm soát 21H-3136 vận chuyển 128 thanh gỗ nghiến xẻ nhóm IIa (gần 1,2 m3) tại xóm Phố, xã La Hiên. Tối 13-12-2019, Chốt Kiểm lâm Nước Hai thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng bắt giữ xe ô-tô biển kiểm soát 20B-00365 vận chuyển gỗ trái phép. Đáng chú ý, các vụ vận chuyển gỗ trái phép diễn ra trong đêm tối, chủ xe, chủ gỗ manh động, bỏ trốn, vu cáo cướp xe, cướp tài sản gây khó khăn cho quá trình xử lý vi phạm.

Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Nguyễn Quang Lịch cho biết: “Hiện nay quy hoạch Khu bảo tồn có bất cập, nhiều vị trí trên bản đồ được quy hoạch là rừng đặc dụng, nhưng trên thực tế là đất ở, đất canh tác, trước đây là đất và rừng sản xuất của nhân dân với diện tích gần 3.000 ha”. Việc quy hoạch bất hợp lý này đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Cụ thể là, mặc dù là đất của mình, nhưng người dân gặp khó khăn trong quá trình canh tác. Việc người dân trồng xoan và các loại cây gỗ khác gần nhà nhưng không thể khai thác để làm nhà ở do cây nằm trong khu bảo tồn.

Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Nguyễn Quang Lịch cho biết thêm: “Quy hoạch bất hợp lý đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, vì thế tăng áp lực đối với rừng Khu bảo tồn. Chúng tôi kiến nghị thời gian tới đưa ra khỏi quy hoạch Khu bảo tồn đối với những diện tích là đất sản xuất, đất ở, rừng sản xuất để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giảm áp lực đối với rừng đặc dụng”.

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng trải rộng trên diện tích nhiều xã, dân số sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm lớn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, hạ tầng kinh tế, xã hội chưa phát triển. Để quản lý, bảo vệ khu bảo tồn hiệu quả, bên cạnh việc tổ chức phân giao bảo vệ đến tận lô, khoảnh cho kiểm lâm viên và các tổ, đội nhận khoán thì Ban Quản lý Khu bảo tồn cần tăng cường phối hợp với kiểm lâm huyện, tham mưu để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các xã đối với quản lý, bảo vệ rừng. Các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Võ Nhai cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng lõi, vùng đệm khu bảo tồn để cải thiện đời sống nhân dân, từ đó giảm áp lực đối với rừng đặc dụng. Hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn đang điều tra, xây dựng đề án phát triển cây dược liệu tại khu vực Khu bảo tồn, nếu được phê duyệt thì tiềm năng, lợi thế Khu bảo tồn được phát huy, người dân địa phương được hưởng lợi và rừng được bảo vệ hiệu quả hơn.