Cần có giải pháp ngăn chặn người xuất cảnh trái phép làm thuê

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm thuê. Tuy nhiên, vẫn còn một số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê do tin vào các đối tượng “cò mồi” .

Điển hình, ngày 13-8, Phòng An ninh điều tra phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ triển khai kế hoạch tại khu vực đường mòn biên giới thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc phát hiện xe ô-tô khách BKS 12A- 034.70 chở ba công dân có biểu hiện chuẩn bị xuất cảnh trái phép. Tổ công tác yêu cầu về cơ quan làm việc. Các công dân khai do có nhu cầu sang Trung Quốc làm thuê cho nên đã nộp số tiền từ một triệu đến ba triệu đồng cho đối tượng Nguyễn Xuân Nam (sinh năm 1988, trú tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) để được đưa lên khu vực biên giới, sau đó sẽ có đối tượng khác tiếp tục đưa họ vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 29-7, Phòng An ninh đối ngoại phối hợp Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh và Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam đã phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1991, trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) tổ chức đưa dẫn bảy công dân chuẩn bị xuất cảnh sang biên giới qua đường mòn 05 thuộc thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng). Hằng thu tiền tổ chức đưa dẫn, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc từ ba triệu đồng đến năm triệu đồng/người, ai chưa có tiền sẽ trừ vào lương khi đi làm tại Trung Quốc.

Đây là những công dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An và Cao Bằng bị lực lượng công an ngăn chặn kịp thời khi chưa kịp xuất cảnh sang Trung Quốc. Họ chủ yếu làm nông, thu nhập thấp, nghe các đối tượng rủ rê cùng nhau vượt biên theo tìm kiếm việc làm với hy vọng có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Họ không lường hết được rủi ro khôn lường vì xuất cảnh trái phép cho nên không được pháp luật bảo hộ, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ, làm việc với cường độ cao. Chị Nguyễn Thị H., quê ở huyện Đô Lương (Nghệ An), cho biết: Do không có việc làm ổn định, nhận thức pháp luật còn hạn chế, thiếu thông tin cho nên bị đối tượng “cò mồi” rủ rê, lôi kéo, hứa hẹn về thu nhập cao khi sang Trung Quốc làm thuê. Nhưng khi qua biên giới mới biết mình bị lừa, bị bán, bị công an sở tại bắt giữ, phạt tiền và lao động công ích, rồi trao trả về Việt Nam.

Đại tá Tạ Văn Khoa, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới của tỉnh; tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Tuy nhiên, do đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn, lối mở... dẫn tới nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép lại chủ yếu ở các tỉnh không nằm sát biên giới. Phần lớn họ là lao động phổ thông, cho nên việc xử lý vi phạm cũng là một thách thức, bởi nhiều người trong số họ không có đầy đủ giấy tờ tùy thân. Cùng với các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, để hạn chế hoạt động xuất cảnh trái phép, BĐBP Lạng Sơn cũng đã chủ động phối hợp các lực lượng khác đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: phát tờ rơi tại các khu vực cửa khẩu, cắm biển cảnh báo tại các khu vực đường mòn, lối mở biên giới; phối hợp lực lượng chức năng nước bạn để trao trả, tiếp nhận các đối tượng bị bắt giữ trên đất bạn trở về...

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phối hợp lực lượng biên phòng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 75 lượt, với gần 600 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp, bị lực lượng chức năng bắt giữ, trao trả. Ngay sau khi tiếp nhận, đơn vị đã tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở và yêu cầu những công dân nêu trên phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi qua lại biên giới, đồng thời, cảnh báo nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với việc tự ý xuất cảnh trái phép làm thuê bất hợp pháp. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã xác minh, làm rõ từng trường hợp và hoàn chỉnh các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật để đưa công dân trở về địa phương. Vụ việc này một lần nữa cảnh báo đối với các công dân Việt Nam cần thực hiện đúng các quy định về xuất, nhập cảnh khi ra nước ngoài làm thuê, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

“Để nâng cao nhận thức trong nhân dân, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác quản lý xuất, nhập cảnh, cảnh báo những rủi ro, nhằm phòng ngừa, hạn chế tình trạng công dân xuất cảnh trái phép”.

Thượng tá LIỄU THU HÀ

Phó Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn

“Để công tác đấu tranh với hoạt động xuất cảnh trái phép qua biên giới đạt được hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; các cấp, các ngành từ biên giới đến nội địa. Trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nhân dân biết việc xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới là vi phạm pháp luật , cũng như những rủi ro, hậu quả tiền mất, tật mang...”.

Đại tá LÊ QUANG ĐẠO

Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn