Cần bảo đảm chất lượng nguồn nước cho nhà máy nước

Nhà máy Nước sạch Ngọc Tuấn (thuộc Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka) đang khai thác và cung cấp nước sạch cho hơn bảy nghìn hộ gia đình, gần 200 cơ quan và doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 19 nghìn m3/ngày đêm ở 15 xã, phường, thị trấn, thuộc huyện Kim Ðộng, huyện Ân Thi và thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, hiện nay về phía thượng nguồn cách vị trí trạm bơm nước nguồn của Nhà máy Nước sạch Ngọc Tuấn hơn 100 m đang có bến tàu hoạt động vận chuyển, bốc dỡ đất, bùn, than, hóa chất... trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu vào.

Trạm lấy nước mặt sông Hồng ở xã Phú Cường (TP Hưng Yên) của Nhà máy Nước sạch Ngọc Tuấn.
Trạm lấy nước mặt sông Hồng ở xã Phú Cường (TP Hưng Yên) của Nhà máy Nước sạch Ngọc Tuấn.

Trước sự việc trên, UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên tổ chức cuộc họp liên ngành để giải quyết những kiến nghị của Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên: Hiện tại, khu vực bãi sông xã Phú Cường có năm bến thủy nội địa đã được UBND tỉnh Hưng Yên quy hoạch tại Quyết định số 3353/QÐ-UBND, ngày 29-12-2017. Trong đó, ba bến được UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư (một bến được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động bến thủy nội địa), hai bến chưa được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, chưa được cấp giấy phép. Bến tàu bốc dỡ hàng hóa, kinh doanh xăng dầu cách trạm bơm nguồn của Nhà máy Nước sạch Ngọc Tuấn tại xã Phú Cường, TP Hưng Yên về phía hạ lưu, thuộc bờ trái sông Hồng, đây là cây dầu tự phát, không có trong quy hoạch, chưa được cấp phép hoạt động, giáp ranh với bến thủy nội địa Phú Cường 1 của Doanh nghiệp tư nhân Sông Hồng đã được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận dự án đầu tư và cho thuê đất dài hạn. Do vậy, việc di dời các bến thủy nội địa theo đề xuất của Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka không khả thi, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND thành phố Hưng Yên thực hiện các giải pháp đồng bộ: UBND thành phố Hưng Yên chỉ đạo các phòng chuyên môn, lực lượng chức năng và UBND xã Phú Cường khẩn trương giải tỏa ngay đối với cây dầu tự phát. Yêu cầu các chủ bến hàng hóa trên địa bàn chủ động phối hợp với Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka có biện pháp bảo đảm chất lượng nguồn nước, chịu trách nhiệm đối với hành vi làm ô nhiễm môi trường khu vực nguồn nước trước pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đánh giá lại chất lượng nguồn nước, tại khu vực đặt trạm bơm, tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn bảo đảm chất lượng nguồn nước tại khu vực trạm bơm. Nếu nguồn nước không bảo đảm chất lượng, có kế hoạch tham mưu di chuyển nhà máy; phát hiện và xử lý kịp thời đối với hành vi làm ô nhiễm môi trường khu vực và nguồn nước. Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka đánh giá lại chất lượng nguồn nước tại khu vực đặt trạm bơm cấp nguồn của công ty và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định độc lập. Chủ động có giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước đầu vào; theo dõi các vi phạm của tàu thuyền xả thải bẩn, độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và thông báo kịp thời các vi phạm đến cơ quan chức năng.

Theo UBND xã Phú Cường: Năm 2017, Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka có đề nghị UBND xã Phú Cường cho thuê khoảng 1.000 m2 đất công để xây dựng trạm bơm nước nguồn. Ngày 20-8-2019 UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 1835/QÐ-UBND về việc cho Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka thuê đất tại xã Phú Cường để làm trạm bơm và hồ chứa nước tạm lắng phù sa và tiến hành giao đất trên thực địa. Xã Phú Cường có năm doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khai thác cát; trong đó, ba doanh nghiệp đang hoạt động và được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động từ trước năm 2010, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Sông Hồng, Công ty Vinacomax, Công ty TNHH Hoàng Anh; hai doanh nghiệp chưa được cấp phép hoạt động là Công ty Nam Huy và Công ty Tiến Thành. Ngoài ra, tại khu vực gần trạm lấy nước của Nhà máy nước Ngọc Tuấn còn có lán tạm chứa xăng, dầu của ông Vũ Chí Công cung cấp cho tàu hút cát của gia đình hoạt động. Tất cả các bến bãi của các doanh nghiệp và cá nhân trên đều nằm trên khu vực cách khu vực trạm bơm nước đầu nguồn của Nhà máy nước Ngọc Tuấn khoảng 100 m đến 800 m về phía thượng lưu sông Hồng. Chủ tịch UBND xã Phú Cường Phạm Văn Bạo cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hưng Yên, UBND xã Phú Cường đã giải tỏa xong lán bơm chứa xăng, dầu của ông Công. Còn hoạt động vận chuyển, kinh doanh vật liệu của các bến bãi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước Ngọc Tuấn như thế nào là do các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước có quy mô từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 50 nghìn m3/ngày đêm ở khu vực đồng bằng, trung du tối thiếu về phía thượng lưu là 800 m, về phía hạ lưu là 200 m. Trong khi đó, tại vị trí gần trạm bơm lấy nước nguồn của Nhà máy Nước sạch Ngọc Tuấn (trong phạm vi 800 m về phía thượng nguồn) vẫn có nhiều phương tiện thủy neo đậu để bơm dầu, hút cát, bốc dỡ vật liệu than, đất gây ô nhiễm. Những kiến nghị của Sở Giao thông vận tải Hưng Yên về việc bảo đảm chất lượng nguồn nước đầu vào cho Nhà máy Nước sạch Ngọc Tuấn vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên quan tâm đúng mức, tổ chức thực hiện triệt để. Do vậy, UBND tỉnh Hưng Yên cần sớm chỉ đạo giải tỏa những bến bãi hoạt động trái phép. Xem xét lại toàn bộ việc quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép bến thủy nội địa, giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt trên sông Hồng, báo cáo đánh giá tác động môi trường và việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường của những dự án trên để sớm có những giải pháp, quyết định phù hợp, nhằm bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước.