Cần bảo đảm an toàn trong xây dựng

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong năm 2020, cả nước đã xảy ra 8.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm gần 1.000 người chết. Thiệt hại từ TNLĐ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vụ tai nạn nghiêm trọng mới đây xảy ra tại công trường xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An làm ba người chết. Cùng với sự phát triển chung hiện nay, tốc độ xây dựng nhiều với quy mô ngày càng lớn, đã thu hút nhiều lao động địa phương, chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo tay nghề, tác phong công nghiệp cũng như trình độ kỹ thuật bị hạn chế. Chấp hành kỷ luật lao động còn lỏng lẻo, đơn vị thi công cũng chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn lao động (ATLĐ). Trong quá trình thi công, tình trạng chạy theo tiến độ, khối lượng công việc thường khoán trắng cho giám sát, nên nhiều vụ TNLĐ xảy ra nghiêm trọng gây sập nhà, chết người, thiệt hại tài sản cho các gia đình lân cận.
 
 TNLĐ xảy ra có nhiều yếu tố mà nguyên nhân chủ yếu là các chủ đầu tư sử dụng lao động có biểu hiện tâm lý xem nhẹ ATLĐ. Cụ thể, công tác quản lý chất lượng kỹ thuật bảo đảm ATLĐ cho công nhân chưa tốt, các chủ đầu tư lo thực hiện tiến độ sản xuất, thúc ép công nhân làm thêm giờ thêm ca, chưa quan tâm đến việc mua sắm trang thiết bị ATLĐ cho công nhân, hoặc có nhưng sử dụng chưa đúng cách. Có nhiều vụ TNLĐ xảy ra, nhưng chủ đầu tư không trình báo với cơ quan chức năng, thậm chí còn có nơi khai báo thiếu trung thực. Việc xử lý những vi phạm này còn lỏng lẻo, do vậy quyền lợi của người lao động bị thua thiệt.
 
 Thiết nghĩ, các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về kỹ thuật bảo đảm an toàn tuyệt đối trong xây dựng, thường xuyên tập huấn tuyên truyền rộng rãi cho người lao động nắm vững và nâng cao nhận thức trong việc chấp hành pháp luật, cụ thể là những quy định trong lao động tại hiện trường đang thi công.
 
 Để hạn chế TNLĐ, trước hết các chủ sử dụng lao động phải coi trọng công tác ATLĐ, thực hiện nghiêm ngặt không chỉ lý thuyết hô hào mà phải cụ thể và thiết thực, xử lý nghiêm ngay từ đầu những trường hợp xem thường ATLĐ.
 
 Ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bắt buộc nhà thầu thi công, doanh nghiệp phải tuân thủ và chấp hành các quy định về ATLĐ. Đồng thời tuyên truyền giáo dục đơn vị sử dụng cũng như người lao động có ý thức chấp hành quy định bảo đảm tuyệt đối ATLĐ. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của công trình và bảo đảm các yếu tố an toàn cho người lao động.
 
 ĐỖ THÔNG 
 (Bà Rịa - Vũng Tàu)