Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Bí thư chi bộ hết lòng vì công việc

Nói đến ông Trần Văn Quế, cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, nhiều người đánh giá ông là một người có trách nhiệm trong công việc cũng như nỗ lực trong công tác dân vận.

Chia sẻ về công việc của mình, ông Quế cho biết: “Tôi là trưởng thôn và Bí thư chi bộ từ năm 2014, trưởng thôn là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với nhân dân, có làm tốt cầu nối này thì nhân dân mới hiểu chính sách và thực hiện đúng. Bên cạnh đó, người trưởng thôn luôn là người phải sâu sát cơ sở để hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kiến nghị của nhân dân với Đảng, chính quyền cùng có giải pháp giải quyết. Đặc biệt là công tác vận động, tuyên truyền, người trưởng thôn phải vận động không quản thời gian, mưa nắng để nhân dân cùng đồng thuận thực hiện”.

Việc đầu tiên mà ông Quế vận động thành công là việc di chuyển địa điểm họp chợ đến nơi hợp lý. Nếu ai đi qua quốc lộ 32 nhiều năm trước đây khi đến địa phận xã Cam Thượng giáp thôn Đông Viên (xã Đông Quang) đều gặp cảnh người dân họp chợ buôn bán gà từ sáng sớm, làm huyên náo cả một khu dân cư, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đã có trường hợp tai nạn chết người tại khu vực chợ này. Nhiều lần huyện đã cùng với xã tiến hành giải tỏa nhưng vì mưu sinh mà nhiều người coi thường tính mạng của chính mình. Khi đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Viên, ông Quế nghĩ ngay đến việc vận động các hộ này, ông tranh thủ gặp gỡ từng người buôn bán về việc họp chợ và tư vấn là trong thôn vẫn còn diện tích để các hộ họp chợ buôn bán bình thường, địa điểm mới cũng thuận lợi cho việc buôn bán. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, ông Quế đã cùng với lãnh đạo thôn vận động nhân dân đóng góp được 60 triệu đồng để xây dựng chợ mới cho các hộ buôn bán gà.

Cũng trên cương vị trưởng thôn, việc làm tiếp theo của ông Quế là vận động các hộ dùng nước sạch. Ông đã tổ chức họp với lãnh đạo thôn, với nhân dân về việc lắp đặt nước sạch đến từng hộ dân, với kinh phí là 3 triệu đồng/hộ. Với phương châm vận động những hộ có điều kiện kinh tế làm trước, vào mùa khô nước sạch khan hiếm, nên các hộ có khó khăn về kinh tế cũng đã cố gắng để lắp đặt, tổng số 530 hộ của thôn Đông Viên đã lắp đặt và sử dụng nước sạch, sức khỏe từ đó cũng tốt hơn.

Là thôn đi đầu của xã Đông Quang về bê-tông hóa đường ngõ, xóm, khi lên làm trưởng thôn, thấy có một số đoạn đường nhỏ, chưa được bê-tông hóa, ông Quế tiếp tục vận động một số hộ ở sáu xóm đóng góp với số tiền khoảng 1,1 tỷ đồng để bê-tông khoảng 700 m đường giao thông ở các ngõ nhỏ. Đến nay, đường ngõ, xóm ở thôn Đông Viên đã bê-tông đạt 100%.

Sau nhiều năm với những cố gắng trong công tác vận động, ông Quế đã được Huyện ủy Ba Vì khen thưởng đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền, UBND huyện Ba Vì khen thưởng là lao động tiên tiến nhiều năm. 

VỚI sự cố gắng của mình, ông Quế đã góp phần xây dựng thôn Đông Viên là thôn đi đầu trong mọi phong trào thi đua của xã Đông Quang. Đồng chí Ngô Tiến Thắng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Đồng chí Quế là một tấm gương hết lòng vì công việc chung, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xây dựng thôn Đông Viên phát triển về mọi mặt trong nhiều năm qua”. 

TRẦN PHƯƠNG

(Hà Nội)

----------------------------------

Lò mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường

Nhiều hộ dân ngụ tại tổ 9, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên cấp thẩm quyền phản ánh về việc lò mổ gia súc, gia cầm tập trung xây dựng nằm ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân, lò mổ này xây dựng từ năm 2006 với diện tích 2.000 m2. Do xây dựng từ lâu, đến nay cơ sở vật chất, hệ thống nhà xưởng đã xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải bị ách tắc, gây ô nhiễm nặng nề khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị ảnh hưởng. Bà Lê Thị Dung (hộ dân sống gần khu vực lò mổ) bức xúc: “Lò mổ ngày càng ô nhiễm nặng khiến sức khỏe của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mùa nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc không chịu được. Mùa mưa, nước thải chảy tràn hết vào nhà dân, kéo theo ruồi, nhặng bủa vây. Cả mấy chục hộ dân chịu ảnh hưởng đã làm hàng trăm lá đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri cũng ý kiến nhưng nhiều năm qua vẫn chỉ nhận được những lời hứa, chờ đợi trong vô vọng”. Anh Lê Thiện Nhân cho biết thêm: “Nhà tôi ở sát vách lò mổ nên mùi bốc ra không chịu nổi. Chưa kể mùa mưa ruồi, muỗi dày đặc bám khắp nhà. Cứ khoảng tầm 2 giờ sáng, lò mổ bắt đầu hoạt động giết mổ, tiếng gia súc, gia cầm inh tai không thể nào ngủ được”. Ông Nguyễn Đức Trung, Tổ trưởng tổ 9 (thị trấn Chư Ty) cũng xác nhận: “Hàng chục hộ dân sống gần lò mổ đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp, các ngành về tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ lò mổ. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tổ dân phố đã có ý kiến rất nhiều lần nhưng chưa đem lại kết quả. Đến nay, nhiều năm trôi qua, hàng trăm con người nơi đây vẫn phải sống chung với mùi hôi thối. Đề nghị huyện Đức Cơ, chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý, để người dân được sống trong môi trường trong sạch, không phải lo âu bệnh tật”.

ANH PHAN

(Gia Lai)