Bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi bị tai nạn lao động

Tai nạn lao động xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng, sức khỏe của người lao động (NLĐ), mà gia đình họ cũng kiệt quệ do mất người thân hoặc mất đi trụ cột kinh tế, thu nhập giảm sút, nhiều trường hợp rơi vào tình trạng đói nghèo. Vì vậy, những đơn vị, cá nhân có trách nhiệm trong các vụ tai nạn lao động cần thực hiện đầy đủ việc bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi bị tai nạn không còn khả năng lao động, gia đình anh Trần Duy Thơ, ở xã Đình Chu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) gặp rất nhiều khó khăn.Ảnh: MẠNH MINH
Sau khi bị tai nạn không còn khả năng lao động, gia đình anh Trần Duy Thơ, ở xã Đình Chu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) gặp rất nhiều khó khăn.Ảnh: MẠNH MINH

Hơn một năm trước, anh Trần Duy Thơ, sinh năm 1986, ở xã Đình Chu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) bị tai nạn lao động ngã giàn giáo khi tham gia thi công công trình lắp đặt nhà xưởng của một công ty ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Người lái cẩu đã làm dây cẩu bật dầm thép va vào khiến anh Thơ bị ngã xuống đất từ độ cao khoảng 4 m. Do không có mũ bảo hộ, lại bị va đập mạnh cho nên anh Thơ bất tỉnh tại chỗ. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, anh Thơ được đại diện nhà thầu thi công đưa đến Bệnh viện Quân y 108 để cấp cứu, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do tiên lượng xấu, chết não độ 4. Trải qua nhiều tháng nằm viện, anh Thơ đã may mắn thoát chết nhưng di chứng để lại vô cùng nặng nề. Là lao động chính, trụ cột gia đình, giờ đây anh Thơ chỉ nằm một chỗ, vẫn phải có người chăm sóc, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ anh bị dị tật câm điếc bẩm sinh, hai con còn rất nhỏ.

Ngay trong tháng 5, tháng an toàn vệ sinh lao động vừa qua cũng xảy ra hai vụ tai nạn lao động gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vụ sập công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty AV Healthcare (Hàn Quốc), ở khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vào chiều 14-5-2020 làm 10 người chết, 15 người bị thương. Trong số các nạn nhân bị thương có hai trường hợp gãy đốt sống thắt lưng, một người gãy xương sườn, một người gãy xương đòn, một người gãy tay. Tại hiện trường, bức tường cao hơn 5 m, dài hơn 100 m bị sập nghiêng một bên, chung quanh nhiều giàn giáo, bê-tông, sắt thép nằm ngổn ngang. Lực lượng cứu hộ phải dùng xe múc, xe cẩu phá bức tường để cứu người. Vụ tai nạn đứt dây cáp lồng sắt rơi xuống sông Pô Kô trong lúc một nhóm công nhân đang thi công xảy ra ngày 25-5 vừa qua tại công trình xây dựng thủy điện Plei Kần, thuộc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) làm ba người tử vong và ba người khác bị thương.

Cả ba vụ tai nạn lao động nêu trên đều xảy ra trên công trường xây dựng, xuất phát từ việc thi công công trình thiếu các biện pháp kỹ thuật về an toàn lao động, người sử dụng lao động không đào tạo, huấn luyện an toàn lao động, không trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ, công tác giám sát chuyên môn, quy trình làm việc chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, cũng có một phần nguyên nhân từ phía NLĐ do không thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn an toàn lao động. Các nạn nhân đều là những “công nhân thời vụ”, không có hợp đồng lao động bằng văn bản và không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động cho nên họ không được hưởng các chế độ liên quan. Hầu hết các nạn nhân đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân là trụ cột kinh tế gia đình. Trường hợp anh Trần Duy Thơ, khi tai nạn xảy ra, gia đình anh đã phải vay mượn khắp nơi để trang trải các chi phí tốn kém cho việc cấp cứu, điều trị và chăm sóc hằng ngày nhưng không được chủ sử dụng lao động quan tâm, hỗ trợ kinh phí. Gia đình anh Thơ đã phải làm đơn gửi các cơ quan chức năng và nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi, chủ sử dụng lao động mới đồng ý bồi thường thiệt hại.

Luật sư Lê Ngọc Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trước khi nhận NLĐ vào làm việc, người sử dụng lao động và NLĐ phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm NLĐ có thể ủy quyền cho một NLĐ trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.

Như vậy, những trường hợp người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động với NLĐ là vi phạm nghĩa vụ giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp chưa có hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm đối với NLĐ bị tai nạn.

Điều 144, 145 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị và bồi thường cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định. Trường hợp NLĐ qua đời vì tai nạn lao động, thì người thân còn được thanh toán trợ cấp một lần hoặc hưởng chế độ tuất hằng tháng. Đối với NLĐ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật BHXH. Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mức độ bồi thường hay trợ cấp cho NLĐ bị tai nạn lao động sẽ phụ thuộc vào yếu tố lỗi và mức độ suy giảm khả năng lao động. Người sử dụng lao động sẽ phải bồi thường cho NLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Còn nếu tai nạn lao động do lỗi của chính NLĐ gây ra, thì người sử dụng lao động trợ cấp cho NLĐ bằng ít nhất 40% so với mức bồi thường.

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm xác định được người có lỗi, có trách nhiệm trong các vụ tai nạn lao động vừa qua, thực hiện đầy đủ việc bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân trên tinh thần bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất cho người bị thiệt hại.

Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng lao động; giải quyết tai nạn lao động, thì sẽ bị xử lý theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ths LÊ NGỌC HƯNG

Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia

Mặc dù NLĐ bị tai nạn lao động trong khi đang làm việc mà không do lỗi của chính họ gây ra nhưng nhiều chủ sử dụng lao động đùn đẩy trách nhiệm, trốn tránh việc bồi thường.

TRẦN VĂN THU

(Huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)