Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực Tuy Đức

Huyện biên giới Tuy Đức nằm ở phía tây bắc của tỉnh Đắk Nông, là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, nguồn nước dồi dào… và có ưu thế riêng trong phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy Đức đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác những lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo động lực cho nông nghiệp địa phương bứt phá đi lên. 

Sản phẩm Mắc-ca Mơ Nông của Hợp tác xã nông nghiệp xanh Quảng Trực, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Sản phẩm Mắc-ca Mơ Nông của Hợp tác xã nông nghiệp xanh Quảng Trực, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Giai đoạn 2020-2025, song song với định hướng đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tuy Đức sẽ tập trung phát triển “chỉ dẫn địa lý”, xây dựng “nhãn hiệu tập thể”; “nhãn hiệu chứng nhận” cho các sản phẩm nông sản chủ lực, và nông sản đặc sản, có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tạo lập và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Trần Viết Cự về định hướng xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương. 

Phóng viên: Đồng chí cho biết lợi thế so sánh của Huyện Tuy Đức trong việc phát tiển sản xuất nông nghiệp của địa phương? 

Đồng chí Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức: Tuy Đức có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn chiếm 93% tổng diện tích tự nhiên, trong đó hơn 60 nghìn ha được đưa vào sản xuất nông nghiệp. Điều kiện tự nhiện thuận lợi đã tạo cho địa phương những tiểu vùng có điều kiện khí hậu, đất đai đặc biệt để phát triển một số loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao, mang tới sự khác biệt và sức canh tranh cao trên thị trường như mắc-ca và khoai lang Nhật Bản.

Mắc-ca và khoai lang Nhật Bản trồng tại Tuy Đức cho năng suất, sản lượng, chất lượng vượt trội hơn hẳn so với nhiều địa phương khác. Do đặc tính của cây có sự đặc biệt về điều kiện tự nhiên nên mắc-ca và khoai lang Nhật Bản đã tạo ra lợi thế riêng, khác biệt của địa phương trong phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Riêng đối với sản phẩm khoai lang đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu Khoai lang Tuy Đức tại Quyết định số 43757/QĐ-SHTT, ngày 08-08-2012.

Chăn nuôi cũng là lĩnh vực thế mạnh được Tuy Đức chú trọng. Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, đặc biệt có nhiều đồng cỏ tự nhiên, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng, nhiều trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao đạt quy mô hàng chục nghìn sản phẩm một năm.

Diện tích cây công nghiệp chiếm gần 80% tổng diện tích cây trồng các loại, trong đó có gần 20 nghìn ha cà-phê, hơn 5,5 nghìn ha cao-su, khoảng 4,1 nghìn ha điều và khoảng hơn 2,2 nghìn ha hồ tiêu… đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản ổn định phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt đối với cây mắc-ca, đến nay toàn huyện đã trồng được 1.290 ha, trở thành một trong các địa phương có diện tích mắc-ca lớn nhất vùng Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Đăk Nông nói riêng. Mặc dù mới bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch, song mắc-ca đang thể hiện là cây trồng mang lại nhiều tiềm năng về kinh tế và môi trường, mắc-ca trồng tại Tuy Đức cho năng suất, sản lượng, chất lượng vượt trội hơn hẳn so với nhiều địa phương khác. 

Bên cạnh tiềm năng về đất đai, khí hậu, vị trí địa lý cũng là lợi thế cho ngành kinh tế nông nghiệp phát triển. Tuy Đức nằm ở cửa ngõ phía nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các vùng kinh tế tiềm năng như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh; có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Bu Prăng là điều kiện tốt để hợp tác, giao lưu, trao đổi và phát triển sản xuất nông nghiệp với nước bạn, nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực Tuy Đức -0
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Tuy Đức hướng dẫn cho xã viên hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến hạt mắc-ca.

Phóng viên: Hiện nay Tuy Đức đã xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực nào trong quá trình xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa? 

Đồng chí Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức: Trong định hướng phát triển, Tuy Đức xác định các mặt hàng nông sản gồm cà-phê, cao-su, điều, tiêu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp chủ yếu vào cơ cấu GDP của địa phương. Hiện sản lượng cà-phê đạt trên 47.000 tấn/năm, đóng góp khoảng 65% giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng hơn 40% GDP; tổng sản lượng mủ cao-su khai thác gần 4.200 tấn/năm; sản lượng điều thu hoạch gần 4.800 tấn/năm; sản lượng hồ tiêu hơn 3.900 tấn/năm. 

Ngoài các mặt hàng nêu trên khoai lang, mắc-ca cũng được xác đinh là các mặt hàng nông sản chủ lực. Tổng diện tích khoai lang trồng hàng năm của huyện đạt từ 800-900 ha, sản lượng đạt hơn 12.000 tấn củ/năm.

Phóng viên: Vì sao Tuy Đức xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu là khâu đột phá trong phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của địa phương?

Đồng chí Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức: Đến cuối năm 2020, Tuy Đức vẫn là một huyện thuần nông với hơn 80% dân số sống ở nông thôn. Nông nghiệp đóng vai trò là ngành kinh tế chủ lực quan trọng, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và giải quyết việc làm ở nông thôn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác lợi thế để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. 

Kết quả, giai đoạn 2015-2020, đã chuyển đổi gần 2.000 ha cây trồng năng suất thấp sang trồng các loại cây khác phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 đạt 7,5%/năm, trong đó: trồng trọt tăng 9,3%/năm, chăn nuôi 4,5%/năm và dịch vụ nông nghiệp 8,6%/năm. Giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác đạt bình quân từ 70-80 triệu đồng.

Mặc dù nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, nhưng về cơ bản vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: tăng trưởng khá, nhưng thiếu bền vững, chưa khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có. Sản xuất phần lớn dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị; mức độ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất thấp. Đến nay ngoài cây khoai lang Nhật Bản thì chưa có mặt hàng nông sản nào xây dựng được hình ảnh thương hiệu; chủ yếu xuất bán dưới dạng thô, không qua chế biến… do đó, giá trị mang lại thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, sức cạnh tranh sản phẩm kém, giá cả không ổn định.

Để nông nghiệp có bước phát triển vững chắc, Tuy Đức đã xác định phải coi khoa học công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ứng dụng kho học công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Đi đôi với việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện sẽ tập trung phát triển “chỉ dẫn địa lý”, xây dựng “nhãn hiệu tập thể”; “nhãn hiệu chứng nhận” cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nông sản đặc sản, có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu; đây là cơ sở tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tạo lập và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực Tuy Đức -0

Sản phẩm khoai lang đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu Khoai lang Tuy Đức tại Quyết định số 43757/QĐ-SHTT, ngày 08-08-2012.

Phóng viên: Tuy đức sẽ có cơ chế, chính sách nào nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp…trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực? 

Đồng chí Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức: Tuy Đức sẽ tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các chủ trương lớn của Nhà nước như các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù họp với đặc điểm điều kiện thực tế của địa phương; thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Đổi mới và phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ. Hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ nông dân... có điều kiện ứng dụng công nghệ cao. 

Tập trung đầu tư và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục huy động đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghiệp, nhất là dự án liên kết hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các nhà máy chế biến nông sản; tạo quỹ đất “sạch” để doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến.

Bố trí nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường mở các lớp tập huấn để đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ cơ sở bảo đảm đủ mạnh, làm cầu nối giữa khoa học công nghệ với nông dân trong ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất. 

Hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; khai thác lợi thế của từng vùng, địa phương để thực hiện tốt chương trình OCOP - “mỗi xã một sản phẩm”, tổ chức gắn “sao” cho các sản phẩm. 

Tăng cường liên kết, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá nông sản của Tuy Đức, đặc biệt là các nông sản chủ lực, có giá trị cao. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các mối liên kết 4 nhà "Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông" góp phần giúp doanh nghiệp và nông dân có cơ hội hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Phóng viên: Vai trò quản lý của Nhà nước đối với định hướng phát triển nông nghiệp ở khâu đột phá theo Nghị quyết Đảng bộ huyện Tuy Đức nhiệm kỳ 2020-2025?

Đồng chí Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức: Tuy Đức sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch, các chương trình hành động về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể: 

Thứ nhất, hỗ trợ, khuyến khích vận động người dân tích tụ ruộng đất, tập trung đầu tư sản xuất theo quy mô lớn theo nguyên tắc thị trường, tạo tiền đề ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các nông dân với nhau để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Thứ hai, thực hiện tốt những chính sách hỗ trợ về vốn, nhất là các nguồn vốn vay đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 

Thứ ba, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nhất là nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý vật tư nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra thường xuyên việc kinh doanh, buôn bán, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, giúp người nông dân tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Thứ năm, hỗ trợ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tạo mọi điều kiện thuận lợi và tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biên nông sản; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững; xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản.

Thứ sáu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, khuyến khích và hỗ trợ người dân tích cực tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Globalgap, hữu cơ... nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản “sạch” cung cấp cho thị trường tiêu.

Thứ bảy, tổ chức rà soát và đánh giá lại tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, theo nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp, bảo đảm dễ thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!