“Tết vì người nghèo” cần thiết thực và hiệu quả hơn

Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999 đã trở thành hoạt động nhân đạo ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tấm lòng cùng những món quà của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm,... sẽ góp phần giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin có điều kiện đón xuân đầy đủ và ấm áp hơn, giúp họ khắc phục phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Lãnh đạo T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà tặng các hộ nghèo xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh (Long An). Ảnh: LÊ DUY
Lãnh đạo T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà tặng các hộ nghèo xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh (Long An). Ảnh: LÊ DUY

Tết đến, Xuân về luôn đem lại cho mọi người niềm vui, sự tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng. Tết này, với gia đình ông Vũ Đình Nhu, cựu chiến binh ở xã Quang Minh, huyện Bắc Quang (Hà Giang), niềm vui ấy dường như còn được nhân lên gấp bội. Ngồi trong ngôi nhà “Chữ thập đỏ” mới được hỗ trợ sửa chữa xây dựng, ông Nhu xúc động tâm sự: “Đến cả nằm mơ, tôi cũng không ngờ gia đình mình lại có được ngôi nhà mới, đẹp thế này. Tất cả là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Hội Chữ thập đỏ gia đình tôi mới có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, được sống trong ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ”. Trước đây, khi chưa được hỗ trợ kinh phí để xây ngôi nhà mới, “túp lều” nơi gia đình ông Nhu ở đã quá cũ nát, xiêu vẹo, mái ngói bị sập nhiều chỗ, mưa dột ở trong nhà mà như đang ở ngoài trời. Vì thế, có một căn nhà được xây dựng chắc chắn là ước mơ khó thành hiện thực bởi cả gia đình sống phụ thuộc vào đồng lương thương binh và phụ cấp là nạn nhân chất độc da cam của ông. Đến nay, trong căn nhà mới khang trang, gia đình ông Nhu đã có điều kiện “an cư”, yên tâm chăn nuôi, sản xuất. Tết này, cùng chung niềm vui với gia đình ông Nhu còn có hàng chục hộ gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ, giúp đỡ xây, sửa nhà. Anh Hoàng Văn Thăng, xã Ngàm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. May mắn được các cấp Hội hỗ trợ để xây nhà, gia đình anh Thăng đã có nhà mới khang trang, vững chắc. Tâm nguyện lớn của đời người đã hoàn thành, từ nay, gia đình anh có thể yên tâm làm ăn, cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Theo lãnh đạo Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)” Xuân Canh Tý 2020 với mục đích kêu gọi sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy đảng, các cấp chính quyền; vận động, phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để triển khai thực hiện phong trào đạt hiệu quả cao nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước và vận động chính sách về vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đối với công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ. Toàn Hội phấn đấu vận động và trao ít nhất 1,5 triệu suất quà tặng các hộ nghèo, hộ gia đình có người nhiễm chất độc da cam, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2019, hộ gia đình chính sách và cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp đón Xuân Canh Tý - 2020. Phấn đấu số suất quà có giá trị từ 400 đến 500 nghìn đồng/suất đạt hơn 80% tổng số suất quà. Đối tượng hưởng lợi là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, NNCĐDC, hộ bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. Trong đó đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các địa chỉ đã được đưa lên hệ thống iNHANDAO. Với các hình thức hỗ trợ như tặng quà trực tiếp (suất quà bao gồm tiền mặt và hiện vật) và các hình thức hỗ trợ khác (vận động giúp sửa chữa nhà ở, xây nhà chữ thập đỏ, tặng thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh nhân đạo, tặng học bổng, tặng bò và hỗ trợ sinh kế...). Trong năm 2019, các cấp Hội đã vận động, tổ chức trao quà Tết tặng các hộ nghèo và NNCĐDC, đối tượng chính sách, các hộ bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai đạt hơn 1.044 tỷ 428 triệu đồng để cấp gần 2,7 triệu suất quà. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động hỗ trợ 1.580 căn nhà, 373 con bò cái sinh sản, 298 sổ tiết kiệm, 84.811 người được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí... trị giá 166 tỷ đồng. Trung ương Hội hỗ trợ 65 lượt tỉnh, thành phố, kết hợp tặng quà Tết với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng cho gần 7.000 lượt đối tượng. Thực tế cho thấy, phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC” trong những năm qua được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực, kịp thời động viên, giúp hộ nghèo, NNCĐDC trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước có điều kiện đón Tết đầm ấm, yên vui. Thông qua phong trào, người nghèo và NNCĐDC nhận được sự trợ giúp cả về tinh thần và vật chất, hoặc hỗ trợ mang tính phát triển bền vững, như: xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa, vốn phát triển sản xuất, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Qua đó, thể hiện sự chăm lo đời sống vật chất và động viên về tinh thần đối với những người nghèo, NNCĐDC để giúp họ tự tin phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, góp phần không nhỏ trong vấn đề an sinh xã hội. Phong trào đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, cá nhân và nhân dân tham gia, khơi dậy lòng nhân ái của cộng đồng xã hội để chung tay giúp đỡ người nghèo và NNCĐDC. Nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo đã được các cấp Hội triển khai hiệu quả trong những năm qua. Điển hình như các mô hình hoạt động “Nồi bánh chưng xanh”, “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn tình thương” được tập trung tăng cường vào dịp Tết…

Để “Tết vì người nghèo và NNCĐDC” trở thành một phong trào truyền thống của các cấp Hội Chữ thập đỏ, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong tổ chức thực hiện, bảo đảm phong trào được triển khai đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp đối tượng. Tiếp tục đa dạng hóa các phương thức vận động nguồn lực, các hình thức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện…

Việc trao, tặng quà “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội đối với các gia đình chính sách, lòng biết ơn đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung. Các cấp ủy, chính quyền và xã hội cần quan tâm hơn nữa đến những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định đời sống, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.

TRẦN THỊ THU HẰNG

Trưởng ban Truyền thông và Tình nguyện viên - Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam