Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Tâm huyết và sáng tạo vì học sinh

Nói về cô giáo Dương Thị Thu Hà, Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Ðông (Hà Nội), nhiều thầy cô giáo và các em học sinh đều dành cho cô tình cảm yêu mến và khâm phục. Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, cô Hà còn có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ghi dấu ấn với những sáng kiến mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó, phải kể đến sáng kiến giúp trẻ em mắc hội chứng down có thể học và đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống.

Chia sẻ về ý tưởng giúp trẻ mắc hội chứng down có thể học đọc, cô Hà cho biết đó là một cơ duyên khá tình cờ. Trong chuyến đi từ thiện tại Thái Bình, tận mắt thấy hình ảnh những đứa trẻ vật vã với việc đọc, viết, cùng sự vất vả và kiên trì của các thầy giáo, cô giáo khi chăm sóc, hỗ trợ học sinh bị down, cứ ám ảnh cô suốt chặng đường về. Từ đó cô Hà luôn trăn trở, làm thế nào để những đứa trẻ này học tốt hơn. Vốn là người đam mê nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến trong quá trình dạy học ở Trường THPT Lê Lợi, cô Hà bàn với nhóm học sinh của mình cùng nghiên cứu và làm một sản phẩm để mang đến cơ hội học tập, tiếp cận tri thức cho những trẻ em thiếu may mắn.

Và sau hơn nửa năm miệt mài, cô trò cùng bắt tay thực hiện, thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học, đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống ra đời.

Cô Hà cho biết: "Thiết bị PSE chính là chuỗi những hình ảnh, âm thanh, biểu cảm giúp trẻ mắc hội chứng down, tự kỷ học chữ cái. Thiết kế này vừa giúp trẻ tăng khả năng vận động, tạo hưng phấn, kích thích đến não bộ để thúc đẩy việc học đọc và rèn các kỹ năng. Sản phẩm này tích hợp âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm, tương tác với trẻ dưới hình thức vận động một cách sinh động, hấp dẫn trên tấm thảm được gắn các viên sỏi. Cô và trò đã trải qua nhiều lần thử nghiệm và trăn trở để tìm tòi những điểm để giúp trẻ tăng khả năng vận động, tạo hưng phấn, kích thích não bộ thúc đẩy việc học, đọc và rèn các kỹ năng. Bằng cách kết hợp liên ngành công nghệ thông tin, giáo dục đặc biệt, tâm lý học và y học, các cô trò đã tạo ra thiết bị PSE, mở ra phương pháp dạy học không những cho trẻ mắc hội chứng down mà có thể cho cả các đối tượng chậm phát triển khác. Qua thời gian thử nghiệm, các cháu tiến bộ trong việc nhận biết chữ cái, phát âm, vận động. Sản phẩm của cô Hà cùng các em học sinh được đánh giá là một trong bốn dự án xuất sắc nhất toàn quốc trong Chương trình Tri thức trẻ vì sự nghiệp giáo dục năm 2018. Không chỉ có dự án nêu trên, nhiều học sinh ở các trường khác nhau đã cùng cô Hà tham gia các dự án sáng tạo, với trải nghiệm thực tế hấp dẫn.

Với lòng nhiệt huyết, đam mê khoa học, hết lòng vì học sinh, cô giáo Dương Thị Thu Hà đã nhiều lần được vinh danh và nhận số tiền thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng với cô Hà, phần thưởng lớn nhất đó là tình cảm lòng yêu thương của các học sinh dành cho cô. Ðây chính là một biểu tượng đẹp của tình thầy trò, là kết quả của phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành giáo dục. Cô giáo Dương Thị Thu Hà là tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo, xứng đáng là tấm gương sáng để học trò noi theo.