Sớm xử lý các điểm sạt lở để ổn định đời sống người dân tại tỉnh Quảng Bình

Do ảnh hưởng của mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, nhiều khu dân cư ở hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa (Quảng Bình) bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, việc xử lý, khắc phục các sự cố sạt lở của chính quyền các cấp còn chậm trễ và lúng túng làm cho người dân hết sức lo lắng.

Bờ sông Gianh bị sạt lở sâu vào sát nhà dân ở xóm Kinh Trừng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Bờ sông Gianh bị sạt lở sâu vào sát nhà dân ở xóm Kinh Trừng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Sạt lở từ xóm bờ sông...

Sau trận lũ lớn đầu tháng 9, bờ sông Gianh đoạn qua huyện Tuyên Hóa xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Đáng chú ý là tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, điểm sạt lở vào đến chân cầu thang khiến một số ngôi nhà có nguy cơ đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào. Điểm sạt lở tạo thành một bờ sâu thẳng đứng ngay sát chân tường nhà ông Mai Tân, băng qua sân nhà anh Mai Lượng, làm sập mái hiên nhà anh Mai Trung rồi lan sang hai bên, ảnh hưởng đến tám gia đình. Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên mép sông, không ai dám ở. Anh Mai Trung cho biết: “Tối 6-9, khi nước lũ sông Gianh vừa rút xuống, gia đình bỗng nghe tiếng rào rào rồi cả đoạn bờ sông đổ ụp xuống, điểm sạt lở “ăn” vào nhà và mái hiên cũng bị cuốn theo. Nhà tôi và một số hộ bị sạt lở phải di chuyển người và tài sản quan trọng sang các nhà khác để tránh”.

Theo Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Võ Xuân Trường, xóm Kinh Trừng có 86 hộ dân, 336 nhân khẩu đều là bà con công giáo. Trước đây, người dân Kinh Trừng sống ở bên kia sông, do địa hình thấp lụt cho nên địa phương đã di dời bà con đến nơi ở mới an toàn hơn. Sau nhiều năm sinh sống ổn định thì gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bờ sông Gianh bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ông Phạm Ngọc Thuận, Trưởng thôn Đức Phú 1 cho biết thêm, do ở bên sông cho nên mỗi năm lũ lớn, nhà cửa người dân cũng bị ngập nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ. Tuy nhiên, ba năm gần đây, bờ sông bị sạt lở nhiều. Sau lũ lớn vừa qua, hơn 100 m

bờ sông của thôn bị xói lở, điểm sâu nhất tính từ mặt sông vào hơn 20 m, độ cao gần 15 m. Cứ đà này không biết người dân Kinh Trừng còn đất để ở nữa hay không. Việc tiếp tục di dời cũng khó vì người dân sinh sống bằng nuôi cá lồng và chài lưới trên sông Gianh.

Cũng theo ông Thuận: “Khoảng 10 năm trước, huyện Tuyên Hóa đã triển khai dự án xây kè bờ sông cho cả khu vực này, nhưng không hiểu sao chỉ xây được gần 200 m ở phía đầu làng rồi dừng lại. Trước đây, chính quyền đã tiến hành giải phóng mặt bằng toàn tuyến và người dân chúng tôi nhận tiền đền bù hết rồi, họ đưa máy móc, phương tiện đến phá hết cây cối dọc bờ sông để làm kè, nhưng chỉ làm được đoạn ngắn rồi bỏ dở cho đến nay. Do cây cối không còn cho nên mỗi khi lũ về nước càng xói mạnh hơn”.

Trước thực trạng này, UBND xã Đức Hóa đã vận động các hộ dân trong khu vực sạt lở di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời báo cáo lên cấp trên xin hướng giải quyết lâu dài để ổn định đời sống người dân.

... đến sạt lở tại khu tái định cư

Dù mới được di dời đến nơi ở cao hơn để tránh ngập lụt, tuy nhiên sau đợt mưa lũ đầu tháng 9 năm 2019, khu tái định cư tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa đã xảy ra sạt lở làm người dân rất lo lắng.

Là một trong những hộ đầu tiên di dời từ nơi thường xuyên bị ngập lụt nặng chuyển lên tái định cư ở khu vực Cửa Truông xã Minh Hóa, gia đình chị Trương Thị Thanh mong muốn có cuộc sống ổn định lâu dài ở vùng đất mới. Thế nhưng, niềm vui mới nhen lên thì nỗi lo lắng lại ập đến bởi sự mất an toàn tại nơi ở mới. Mưa rất to liên tục trong những ngày đầu tháng 9 qua đã làm cho đất, đá từ trên núi đổ xuống làm hư hỏng nhà bếp và chuồng trại chăn nuôi của gia đình chị cùng nhiều hộ gia đình khác. Chị Thanh kể lại: “Trong đêm khuya nghe trên đồi một tiếng nổ to rồi quả đồi bị rạn nứt, đất đá đổ xuống phía sau nhà. Cả nhà phải bật dậy, di dời đến nơi an toàn trong đêm, còn đàn gia súc bị đất đè chết. Bây giờ chúng tôi vẫn phải ở nhưng mỗi khi trời mưa thì nơm nớp lo sợ. Chúng tôi mong chính quyền sớm có biện pháp xử lý để người dân yên tâm sinh sống”. Còn ông Cao Long Vĩ chia sẻ, được di dời đến đây ở, bà con mừng vì thoát khỏi cảnh ngập lụt vất vả nhưng mới được ba năm thì giờ lại bị sạt lở. Ngày bình thường tuy sợ, nhưng vẫn phải ở, còn lúc trời mưa to thì phải đi ở nhờ. Chúng tôi không biết tính sao bởi nhà cửa đã chuyển lên đây hết rồi, đất ở nơi cũ cũng bàn giao lại cho xã.

Theo đại diện lãnh đạo xã Minh Hóa, đây là khu tái định cư cho gần 100 hộ dân di dời khẩn cấp từ vùng ngập lụt lên. Dự án có số vốn 26 tỷ đồng do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, san lấp một phần đồi núi khu vực Cửa Truông làm khu tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn thiếu cho nên dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, đưa 41 hộ dân các điểm bị ngập lụt nặng nhất của xã Minh Hóa về định cư tại đây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương cho biết, việc sạt lở tại khu tái định cư Cửa Truông bước đầu được xác định là do tác động trong quá trình thi công dự án vào sự ổn định của địa hình đồi núi nơi đây. Đầu tháng 9 vừa qua trên địa bàn huyện Minh Hóa có mưa rất to và kéo dài làm cho mái ta-luy của khu tái định cư bị sạt lở. Hiện, UBND huyện giao các đơn vị liên quan tập trung xử lý, dọn dẹp những điểm sạt lở. Sau đó sẽ kiểm tra tại toàn bộ dự án, nếu phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở hoặc nguy hiểm thì tiếp tục bóc tách, xử lý hết để bảo đảm an toàn cho người dân tái định cư. Đồng thời, UBND huyện cũng mong tiếp tục được cấp vốn để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, vừa giải quyết nơi ở cấp bách cho người dân vùng thường xuyên bị ngập lụt; đồng thời bảo đảm tính hoàn thiện và ổn định lâu dài của dự án tái định cư.

“Ngày trước đến ở đây, bờ sông rất ổn định nhờ có nhiều cây cối, tôi xây nhà cách bờ sông chừng 30 m. Bây giờ cây không còn, bờ sông đã lở vào tận móng nhà, gia đình lo sợ không dám ở, nhưng di dời đi nơi khác cũng khó vì không có kinh phí”.

MAI TÂN

(Xóm Kinh Trừng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình)


“Dự án mới được đầu tư giai đoạn 1 đưa 41 hộ dân ở vùng bị ngập lụt nặng của xã Minh Hóa về tái định cư. Do thiếu vốn cho nên phía ta-luy dương phía sau nhà của người dân chưa có kè chống sạt lở, nhiều chỗ san bạt cao nhưng thẳng đứng, khi mưa dài ngày đã xảy ra sạt lở, gây nguy hiểm”.

(Đại diện lãnh đạo xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình)