Nước Châu Giang ô nhiễm nặng

Theo phản ánh của người dân, từ ngày 6-9, dòng chảy của Châu Giang, phân nhánh của sông Nhuệ chảy qua các xã Tiên Phong, Tiên Hải, Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên) và xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý) của tỉnh Hà Nam, nhất là đoạn chảy qua cầu Câu Tử bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại khu vực này, cá chết nổi khắp mặt sông, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của những hộ dân sinh sống hai bên bờ. 

Lượng nước sông ô nhiễm nặng, kéo dài nhiều ngày qua làm cho hàng chục hộ dân nuôi cá lồng ở trên sông chịu thiệt hại nặng nề do cá bị chết hàng loạt. Những hộ nuôi cá lồng trên sông Châu Giang như anh Nguyễn Văn Luận, anh Phan Văn Phúc, anh Nguyễn Văn Cứ ở xã Tiên Sơn mất ăn, mất ngủ vì hằng ngày phải vớt hàng chục tấn cá chết đem đi chôn lấp. Anh Nguyễn Văn Luận cho biết: Từ hôm nước sông bị ô nhiễm, cá chết trắng cả mặt sông. Vẫn biết là không được phép vây lồng nuôi cá trên sông làm cản trở dòng chảy, nhưng chúng tôi quanh năm sống ở ven sông cũng muốn tận dụng dòng chảy của sông, đầu tư vây lưới để nuôi cá phát triển kinh tế. Ðợt ô nhiễm này, gia đình tôi thiệt hại khoảng bảy tấn cá, mất trắng cả trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Cứ chia sẻ: Chúng tôi sống ở ven sông Châu Giang từ bao năm nay. Năm nào cũng phải hứng chịu vài ba lần nước sông ô nhiễm từ đầu nguồn sông Nhuệ chảy về. Lần này, nước sông ô nhiễm nặng quá, khiến chúng tôi không kịp trở tay. Nhà thiệt hại ít cũng vài tấn cá, nhà nhiều hàng chục tấn cá các loại. Không kể công xá, chúng tôi mất trắng hàng trăm triệu đồng tiền vốn. Bây giờ hằng ngày còn phải tập trung vớt cá chết mang đi chôn. Người dân dù biết nước sông ô nhiễm nhưng vẫn cố nuôi cá vì không có nghề khác. Ðể rồi mỗi năm thả con cá xuống nuôi lại nơm nớp lo nước sông liệu có ô nhiễm nặng. Bà Trần Thị Sáng cho biết: Chúng tôi sống ven sông Châu Giang, hằng năm đều phải hứng chịu tình trạng nước sông ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và sinh hoạt. Ðợt này nước sông ô nhiễm nặng cộng với mùi cá chết thối, khiến cho cuộc sống bị đảo lộn, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nam trong đợt ô nhiễm này cho thấy, nước sông Châu Giang có độ kiềm yếu, bị nhiễm a-mô-ni-ắc nặng. Tại khu vực cầu Câu Tử (xã Tiên Sơn), qua kiểm tra mẫu nước bề mặt có nồng độ a-mô-ni-ắc cao gấp 18 lần mức cho phép. Tuy nhiên, do tình trạng này xuất phát từ thượng nguồn là sông Nhuệ ô nhiễm cho nên các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cũng không có biện pháp khắc phục.

Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, hằng năm, có từ 10 đến 15 đợt nước thải từ Hà Nội đổ về sông Nhuệ gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân tỉnh Hà Nam. Trong lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy có 21 nhà máy cấp nước sinh hoạt với tổng công suất 98.780 m3/ngày lấy nước từ sông Ðáy, sông Châu Giang, sông Sắt. Việc ô nhiễm nước trên các sông làm thiếu hụt nguồn cấp nước sạch, chất lượng nước sau xử lý không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Ðối với sản xuất nông nghiệp, nước bị ô nhiễm ở mức độ cao đã ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đồng thời gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm làm thiệt hại hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.

Tình trạng các dòng sông trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị ô nhiễm nặng đã kéo dài nhiều năm nay lại thường xuyên tái diễn. Việc bảo vệ môi trường nước cần sự chung tay trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan và ý thức của chính người dân.