Lắng nghe dân nói, làm việc dân mong

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, không phải địa phương nào cũng làm tốt bởi phương pháp và cách làm ở một số địa phương chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Khi dân chủ trong dân được phát huy, người dân trở thành chủ thể trong mọi việc thì sức dân được giải phóng, tạo nên thành công.
 

Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Đảng, chính quyền với nhân dân xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn, An Giang).
Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Đảng, chính quyền với nhân dân xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn, An Giang).

Cuối năm 2020, xã Bình Hòa trở thành xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Từ khi được công nhận xã NTM vào cuối năm 2018. Cùng với lợi thế và tiềm năng vốn có, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, bộ mặt nông thôn xã Bình Hòa ngày càng "thay da đổi thịt". Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm, tăng gấp bốn lần so với năm 2010. Các tuyến đường trung tâm xã, đường dân sinh đều được nhựa hóa, bê-tông hóa, các tuyến kênh, mương nội đồng đều được kiên cố hóa; các trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Cuối năm 2020, xã Bình Hòa đã đạt đủ 19 tiêu chí về xây dựng xã NTM nâng cao. Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tuyến đường hoa trải dài 6 km nối liền các ấp Phú An 1, Phú An 2, Phú Hòa 1 và Phú Hòa 2 được thực hiện mang đến không khí đón năm mới vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Thành công này có được là do chính quyền cơ sở biết lắng nghe dân nói, làm việc dân mong, huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM.

Ông Trần Văn Tượng ở ấp Phú An 2, xã Bình Hòa nhớ lại: "Trong buổi họp đối thoại với dân của các cấp chính quyền, tôi có nêu ba vấn đề bức xúc: Thứ nhất, dân khu vực từ cầu Cả Ðiền đến cầu Tư Súc đang thiếu nước sinh hoạt; thứ hai, tình trạng ô nhiễm nguồn nước rất trầm trọng; thứ ba, tình trạng đua xe trái phép vào ban đêm. Sau khi lắng nghe ba vấn đề tôi nêu, cán bộ chính quyền xã, huyện đã tiếp thu và giải quyết". Cũng trong cuộc họp "lắng nghe dân nói", anh Mai Anh Sang nêu ý kiến: "Ðường làm rộng thì cầu cũng phải tương xứng, tại sao đường rộng mà cầu lại hẹp, khó lưu thông, không hợp lý". Còn ông Phó Văn Nghệ, ở ấp Hòa An 1 phát biểu: "Tôi đề nghị, khi chính quyền muốn cất cầu, làm đường thì nên họp dân, lấy ý kiến. Vì công trình đó làm ra, dù kinh phí ở đâu cũng để phục vụ nhân dân". Trong các buổi họp dân hay đối thoại như thế, rất nhiều ý kiến của người dân được cán bộ lắng nghe, tiếp thu và được giải quyết một cách thỏa đáng. Cũng nhờ trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn với người dân, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay được chia sẻ, tạo sự đồng thuận cao.

Năm 2020, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có năm xã được công nhận xã NTM nâng cao, trong đó có xã Bình Thành. Có được thành công này là do cùng với việc lắng nghe dân nói, cán bộ lãnh đạo các cấp cũng coi trọng việc nêu gương, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, quyết tâm đổi mới phong cách, lề lối, tác phong làm việc. Nhiều cán bộ, đảng viên ở huyện Thoại Sơn đã xung phong đi đầu trong thực hiện các công việc, nhiệm vụ chuyên môn và gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt.

Ðồng chí Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thành cho biết: "Là một cán bộ, đảng viên, tôi xác định rõ vai trò nêu gương. Tôi đã tình nguyện hiến đất để làm đường, đồng thời vận động gia đình, người dân, hàng xóm cùng nhau hiến đất để mở rộng đường, cùng nhau xây dựng NTM".

Tuyến đường ở ấp Tây Huề, xã Bình Thành dài gần 5 km. Trước đây, mặt đường cũ chỉ khoảng 2,5 m, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi mở rộng mặt đường lên 3,5 m, người dân nơi đây rất phấn khởi. Ðó cũng là thành quả của những lần đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân. Ông Quách Văn Tùng, ấp Tây Huề (xã Bình Thành) chia sẻ: "Chính quyền họp dân lấy ý kiến về làm đường thì dân rất đồng tình, ủng hộ vì đúng với tâm nguyện của bà con, mỗi gia đình tự nguyện hiến 2 m đất. Bây giờ, điện, đường, trường, trạm đầy đủ, thuận lợi, người dân đi lại thuận tiện, không bị sình lầy như trước đây nữa".

Có được sự đồng thuận của nhân dân, trên dưới một lòng, huyện Thoại Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM từ cuối năm 2018, sớm hơn lộ trình hai năm, trở thành đơn vị huyện về đích đầu tiên của tỉnh An Giang với 14 trong tổng số 14 xã đạt chuẩn NTM. Ðến giữa tháng 1-2021, huyện Thoại Sơn đã dẫn đầu toàn tỉnh An Giang với bốn xã được công nhận đạt NTM nâng cao. Ðồng chí Lê Thanh Vân, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Vĩnh Trạch, xã NTM nâng cao của huyện Thoại Sơn cho biết: "Những lần họp lắng nghe dân nói mang nhiều kết quả tích cực. Thí dụ khi người dân phản ánh cán bộ xã, ấp có khuyết điểm về lối sống, tác phong, đạo đức, là tổ chức Ðảng kịp thời chấn chỉnh ngay, hoặc người dân phản ánh thủ tục hành chính còn phiền hà, chậm được giải quyết, là chính quyền có những điều chỉnh kịp thời, không để ùn tắc như trước đây. Thêm vào đó, người dân tham gia vào các công việc chung cùng các cấp chính quyền, cùng bàn bạc, đề xuất sáng kiến, cách làm, phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân cùng thực hiện.

Xã Vĩnh Trạch cũng là địa phương đi đầu đạt chuẩn xã NTM nâng cao của huyện Thoại Sơn (An Giang). Vào thứ bảy hằng tuần, các cán bộ Ðảng ủy, UBND xã lại về khắp các ấp trong xã để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân. Ông Ðặng Công Hầu, ở ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch cho biết: "Tôi rất hoan nghênh việc cán bộ Ðảng, chính quyền đi khắp các khu vực trong xã để ngồi nghe những lời tâm sự của người dân, để đưa toàn xã vào đời sống văn hóa mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới".

Thông qua các diễn đàn lắng nghe dân nói, đối thoại với nhân dân ở tỉnh An Giang, với những kết quả đạt được, cho thấy, nếu địa phương nào thực hiện và phối hợp tốt công tác dân vận khéo, biết tương tác hai chiều giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân thì dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn như thế nào vẫn tạo ra sự chuyển biến và thành quả rõ nét.

"Tôi rất tâm đắc với tiêu chí "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin". Khi cán bộ lắng nghe tiếng nói của nhân dân thì sẽ học, hiểu và làm cho dân tin, tiếng nói của Ðảng gần dân, dân gần Ðảng, hai yếu tố gần nhau thì mọi việc dù khó mấy cũng thành công".

Ông DƯƠNG SĨ TẤN

(Xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang)

Theo tôi, cùng với việc thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" còn cần thực hiện tốt "dân giám sát, dân thụ hưởng". Ðây là giải pháp để phát huy sáng kiến, nguồn lực trong nhân dân. Từ đó vừa tạo được sự đồng thuận trong xã hội, vừa có nguồn lực thực hiện tốt và quá trình thực hiện bảo đảm mục tiêu đề ra.

Ðồng chí LÊ VĂN LĨNH

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang