Ý kiến bạn đọc

Không trục lợi trong dịch bệnh

Vừa qua, sau khi phát hiện thêm một số trường hợp dương tính với Covid-19 thì rất nhiều cửa hàng bán gạo, thịt, mì ăn liền, rau củ quả… đã đột ngột tăng giá. Cụ thể, tại một số chợ của Hà Nội như: Nam Đồng (quận Đống Đa); Khương Đình (quận Thanh Xuân)…, giá bí xanh tăng từ 12 nghìn đồng lên 25 nghìn đồng/kg; bí đỏ tăng từ 13 nghìn đồng lên 30 nghìn đồng/kg; giá thịt lợn thì tăng từ 160 nghìn đồng lên 350 nghìn đồng/kg.

Thậm chí, giá mì ăn liền được đẩy lên rất cao so bình thường cũng không có đủ hàng để bán. Dòng người đổ về các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi cũng ngày một đông. Nhiều người còn tranh giành một thùng mì ăn liền hay một hộp trứng gà. Tranh thủ thời cơ, một số chủ cửa hàng còn tuồn các sản phẩm tồn kho hoặc sắp hết hạn sử dụng để bán cho người tiêu dùng.

Không những thực phẩm bị “cháy” hàng mà máy đo thân nhiệt trên trán cũng được các cửa hàng bán thiết bị y tế tăng giá chóng mặt. Theo một chủ cửa hàng bán thiết bị y tế ở phố Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội), ngày bình thường thiết bị đo thân nhiệt của các hãng thường dao động từ 700 đến 800 nghìn đồng/cái nhưng do nhiều người đổ xô đi mua khiến các thiết bị này bị đẩy giá lên 1,8 triệu đến 2,5 triệu đồng/cái. Hơn nữa, hầu hết các thiết bị y tế được sản xuất ở Trung Quốc mà thị trường này đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa; nguyên liệu đầu vào không có sẵn đã khiến các công ty ở Việt Nam không nhập khẩu được hàng hóa. Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý nhiều người tìm mua thiết bị này cho nên một số người bán đã găm hàng, tạo cơn sốt ảo để tăng giá bán tranh thủ kiếm lời… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những cơ sở như siêu thị gia đình số 250 Khương Trung (quận Thanh Xuân); hệ thống các siêu thị của Big C, Vinmart+,… bán hàng đúng giá.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội khuyến cáo người dân không nên tích trữ hàng hóa, thực phẩm bởi các mặt hàng dự trữ còn rất nhiều. Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kịp thời chỉ đạo các cục quản lý thị trường địa phương, nhất là Hà Nội, TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc… xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua vét, mua gom hoặc định giá bán hàng hóa bất hợp lý; giám sát chặt chẽ địa bàn nhằm ổn định thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp...

Thiết nghĩ, việc những người bán hàng tăng giá đột ngột hàng hóa trong dịch bệnh là những hành động không đẹp, cần bị xử lý nghiêm theo quy định. Trong lúc này, những tiểu thương chân chính cần tự xây dựng thương hiệu bán hàng có tâm và có tầm; không vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất uy tín, danh dự của bản thân, nhất là trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.