Cầu nối của những tấm lòng nhân đạo

Trong những năm qua, cùng với phong trào thi đua chung của cả nước, các phong trào thi đua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã diễn ra rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và thu được kết quả tích cực. Nhiều phong trào, cuộc vận động lớn do Hội phát động có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia đông đảo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. 

Đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng các nhà tài trợ trao quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn do mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: PHƯƠNG DUNG
Đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng các nhà tài trợ trao quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn do mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Nhận món quà vừa được các nhà hảo tâm hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Tân, ở thôn Cường Thịnh 2, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) không khỏi xúc động. Theo đại diện xã Thạch Kiệt, chồng chị Nguyễn Thị Tân không may mất sớm. 5 năm nay, một mình chị gồng gánh nuôi bốn con nhỏ và bố chồng đã ngoài 80 tuổi, đau ốm thường xuyên. Căn nhà của gia đình chị đã xuống cấp nghiêm trọng. Hoàn cảnh éo le, vất vả của gia đình chị Nguyễn Thị Tân sau khi được đăng tải lên hệ thống iNhandao của Hội Chữ thập đỏ, đã được rất nhiều nhà hảo tâm biết đến và chia sẻ. Ðồng thời, nhờ có sự quan tâm của chính quyền, Hội Chữ thập đỏ các cấp, giờ đây chị Tân đã có thêm kinh phí xây ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà cũ xuống cấp, các con của chị cũng có thêm sách, vở, quần áo mới.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An cho biết, ngày 23-11 vừa qua, Trung ương Hội đã phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ cùng các nhà hảo tâm tổ chức chương trình tặng quà cho các địa chỉ nhân đạo ủng hộ qua hệ thống nền tảng nhân đạo số iNhandao. Theo đó, ngoài hỗ trợ 10 địa chỉ nhân đạo tại tỉnh Phú Thọ (mỗi địa chỉ 5 triệu đồng), Chương trình đã trao 62 điện thoại thông minh và máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Tân Sơn. Ðó là những món quà được quyên góp từ các nhà hảo tâm thông qua Chiến dịch "Kết nối tương lai". Những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng đã qua sử dụng đều được kiểm tra, vệ sinh, làm mới lại máy, bảo đảm sử dụng tốt khi đến tay các em. Ðây cũng là lần đầu các học sinh Trường THCS Thu Ngạc, huyện Tân Sơn được tổ chức bữa ăn "Cơm có thịt" và tham dự phiên chợ đặc biệt "Chợ nhân đạo". Tại phiên chợ này, 168 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được phát 168 phiếu mua hàng để đi chợ. Các em được tự do chọn lựa mặt hàng: Bút, vở, sữa, gạo, dầu ăn… Mỗi phiếu trị giá 350 nghìn đồng, tổng giá trị phiên "Chợ nhân đạo" tại Trường THCS Thu Ngạc là 58,8 triệu đồng. Trong đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ
50 triệu đồng.

Những năm qua, các phong trào thi đua, các chương trình, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, triển khai đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội, giúp nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Giai đoạn 2015 - 2020, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động trợ giúp được hơn 103 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 20 nghìn tỷ đồng. Nổi bật là phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" đã trợ giúp gần 15 triệu lượt người, giúp các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có thành viên là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin thấy ấm lòng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Phong trào hiến máu tình nguyện được triển khai rộng khắp, thu hút hơn 7 triệu lượt người tham gia, tiếp nhận hơn 6,7 triệu đơn vị máu góp phần mang đến sự sống cho hàng triệu lượt bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.

Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" cũng đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh niên, thiếu niên chữ thập đỏ tham gia, qua đó xây dựng được hơn 70 nghìn địa chỉ nhân đạo, trợ giúp hàng triệu địa chỉ. Năm 2020, các cấp Hội đã kịp thời vận động người dân và cộng đồng tham gia tích cực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều sáng kiến quyên góp giúp đỡ người dân vùng dịch, vùng bị thiên tai với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Thời gian tới, Hội cần tiếp tục thực hiện tốt, nhân rộng hơn các phong trào, các mô hình trợ giúp hiệu quả, thiết thực, thật sự là cầu nối tin cậy của những tấm lòng nhân ái. Bên cạnh đó, cần quan tâm củng cố mạng lưới, mở rộng hội viên, tình nguyện viên; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trợ giúp. Các hoạt động trợ giúp cần khẩn trương, chuyên nghiệp, bảo đảm đúng người, đối tượng, có địa chỉ rõ ràng. Cách thức trợ giúp không chỉ đơn thuần là trao và nhận, mà cần tạo điều kiện thuận lợi để người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Những hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng phát triển và tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Đồng thời, khơi dậy được lòng nhân ái của mọi người, đưa công tác nhân đạo đến với từng nhà, gắn với từng người và từng việc làm cụ thể.

PGS, TS NGUYỄN THỊ XUÂN THU

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, ba mẹ con phải thuê nhà ở. Trong giai đoạn có dịch Covid-19, số tiền từ gói an sinh xã hội và sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ đã tiếp thêm động lực, giúp tôi và những người đồng cảnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

NGUYỄN THỊ MAI

(Phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)