Cần giải pháp đồng bộ khắc phục khó khăn trong kinh doanh du lịch lữ hành

Thời gian qua, các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản, người lao động mất việc làm. Mặc dù, có nhiều giải pháp khắc phục, nhưng cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Dịch vụ xe điện tham quan phố cổ Hà Nội vắng khách do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: THU HÀ
Dịch vụ xe điện tham quan phố cổ Hà Nội vắng khách do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: THU HÀ

Theo Sở Du lịch Hà Nội, dịch Covid-19 tác động lên hầu hết các mặt của đời sống, trong đó ngành du lịch dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nội giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành. Theo thống kê, trong chín tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 6,72 triệu lượt, giảm 68,7% so với cùng kỳ năm 2019; khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1,03 triệu lượt, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, giảm 68,3% so với cùng kỳ (giảm hơn 50 nghìn tỷ đồng). Từ đầu tháng 3 đến nay, khách nước ngoài đến Hà Nội chủ yếu là khách công vụ, ngoại giao, chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Cùng với đó, công suất sử dụng phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú chín tháng đầu năm chỉ đạt 28%. Trong đó gần 1.000 cơ sở lưu trú dừng hoạt động, gần 16 nghìn lao động mất việc làm hoặc chuyển sang các công việc thời vụ khác.

Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Thành Nam Lê Nam Thành cho biết, do lượng khách du lịch giảm mạnh, cho nên trong tháng 8 và tháng 9-2020 doanh nghiệp này không mở các tua du lịch mà đóng cửa tạm dừng kinh doanh. Vì vẫn phải chi phí nhiều khoản để duy trì sự tồn tại cho nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng một nửa lao động của doanh nghiệp mất việc làm và nhận bảo hiểm thất nghiệp. Số còn lại tự tìm các công việc khác mang tính chất thời vụ với thu nhập thấp. Mặc dù doanh nghiệp và người lao động đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng, nhưng không đáng kể so với khó khăn, thiệt hại đang gặp phải.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, chín tháng đầu năm, lượng khách du lịch cũng giảm mạnh. Hầu hết các tua đón khách quốc tế bị hủy hoặc đình hoãn khiến khoảng 80% đến 90% số doanh nghiệp kinh doanh du lịch ngừng hoạt động. Thống kê của Sở Du lịch cho thấy, tám tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 76,4% so với cùng kỳ. Ða số các doanh nghiệp lữ hành phải cho nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến ở nhà hoặc nghỉ không lương. Số lượng tua của doanh nghiệp lữ hành tổ chức hiện nay chỉ đạt được từ 3% đến 5% số chuyến so với dự kiến ban đầu. Tương tự, hoạt động cơ sở lưu trú cũng hết sức khó khăn, công suất phòng hiện tại giảm 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động cũng giảm 61% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Du lịch, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành du lịch; một số nhiệm vụ quan trọng năm 2020 phải điều chỉnh, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai kế hoạch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách để chủ động đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Giải quyết các vấn đề cấp bách như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, người lao động tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ, nhất là hỗ trợ về việc làm. Ngành du lịch phối hợp các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp tăng cường hoạt động kích cầu du lịch thông qua chất lượng dịch vụ, thủ tục xuất nhập cảnh, giá tua.

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, từng địa phương có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 với khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020. Còn tại Hà Nội, nhiều chương trình kích cầu, quảng bá nhằm thu hút khách đến với Thủ đô được đẩy mạnh thực hiện. Ngành du lịch Hà Nội phấn đấu năm 2020 đón lượng khách nội địa đạt từ 50% đến 60% so với năm 2019, tương đương tám triệu lượt khách, tạo đà cho năm 2021 phấn đấu đón lượng khách nội địa đạt từ 70% trở lên so với năm 2019.

THÁI QUÂN