Cần cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường ở TP Hà Giang

Thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Hà Giang. Trong nhiều năm qua, phố núi ở tỉnh cực bắc của Tổ quốc được người dân trong cả nước biết đến là thành phố “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Tuy nhiên, hình ảnh đó đang dần “mai một” do những tuyến đường nội thị xuống cấp, lồi lõm, bong tróc và một số dự án đang thi công ngổn ngang, bụi bẩn, tiềm ẩn nguy hiểm.

Chủ đầu tư dự án nước thải thành phố Hà Giang cần yêu cầu các đơn vị thi công phải hoàn trả các tuyến đường phẳng phiu như ban đầu, tránh ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Chủ đầu tư dự án nước thải thành phố Hà Giang cần yêu cầu các đơn vị thi công phải hoàn trả các tuyến đường phẳng phiu như ban đầu, tránh ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Hệ thống đường giao thông ở TP Hà Giang chủ yếu là đường bộ. Các tuyến đường này có tính đan xen dạng ô bàn cờ, đóng vai trò là các trục đường chính trong đô thị. Ngoài ra, thành phố còn có hơn 10 km đường quốc lộ đi qua trung tâm. Phần lớn các tuyến đường nội đô, các tuyến quốc lộ đi qua thành phố đều được thi công từ năm 1995 đến 2005 và đến thời điểm hiện tại đã xuống cấp khá nghiêm trọng, sụt lún, bong tróc nhiều đoạn như các tuyến: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông và hàng chục tuyến đường nhánh khác.

Trên địa bàn TP Hà Giang cũng đang triển khai một số dự án: Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hà Giang; dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng (giai đoạn II) nâng công suất hệ thống cấp nước TP Hà Giang lên 16.000m3/ngày đêm; dự án cải tạo hệ thống đường dây điện 22kV. Các dự án này cần phải đào, cắt một phần mặt đường trên nhiều tuyến phố và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân.

Anh Tô Danh Xuân, tổ 5, phường Minh Khai, cho biết: “Nhà tôi nằm trên đường Lý Tự Trọng, đầu năm nay, thành phố triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải, một phần mặt đường bị đào cắt. Sau khi làm xong phần ống dẫn nước thải, đơn vị thi công lấy đá vùi lấp phần đường đã đào cắt, chưa hoàn trả mặt đường như hiện trạng ban đầu, gây nguy hiểm cho người dân. Vừa rồi, tôi bị ngã xe máy, nguyên nhân cũng là do khi đi đến đoạn đường bị đào cắt và có đá dăm cho nên trơn trượt, đổ xe”.

Ông Vũ Hoài Nam, tổ 10, phường Trần Phú, phản ánh, những năm qua, TP Hà Giang có sự đổi thay rõ rệt nhờ sự đầu tư của Nhà nước, các công trình xây dựng, giao thông mới đã tạo ra những điểm nhấn rõ nét cho cảnh quan. Tuy nhiên, hiện nay, các tuyến đường nội đô thành phố nói chung và trên địa bàn phường Trần Phú nói riêng có nhiều chỗ đã xuống cấp, hiện tượng sụt, lún, bong tróc xảy ra khá nhiều. Ðiều đáng nói là các dự án đang triển khai gây rất nhiều khó khăn cho nhân dân. Người dân chúng tôi ủng hộ việc thi công các dự án này, tuy nhiên, TP Hà Giang cần yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công nhanh chóng hoàn trả mặt đường để người dân đi lại thuận tiện.

Trước thực trạng nhiều tuyến phố xuống cấp, TP Hà Giang đã triển khai việc duy tu, bảo dưỡng. Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, đã kiến nghị với tỉnh cho chủ trương cải tạo, nâng cấp và đến nay đã triển khai được một số tuyến như: Tuyến quốc lộ 4C qua thành phố; tuyến đường đầu cầu 3-2; tuyến đường đi xã Phong Quang; đường từ TP Hà Giang đi xã Tráng Kìm (Quản Bạ); đường vào xã Phương Thiện; nâng cấp tuyến đường Phạm Hồng Cao, đường Minh Khai. Ðồng thời chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị và các xã, phường kiểm tra, rà soát các tuyến đường, hệ thống cống rãnh thoát nước cần cải tạo, nâng cấp để có kế hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp cho nên việc duy tu, bảo dưỡng mang tính chắp vá, không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, UBND thành phố Hà Giang đã vận động nhân dân thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường nội thị. Chủ tịch UBND phường Minh Khai Trịnh Thành Công cho biết, trên địa bàn phường có nhiều tuyến đường bị hư hỏng. Việc tu sửa các tuyến đường này chỉ có thể thực hiện theo hình thức cải tạo nền đường rồi trải áp-phan mặt đường. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của thành phố hạn hẹp cho nên phường xin chủ trương của thành phố thực hiện tu sửa đường giao thông theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, từ cuối năm 2018 đến nay, phường Minh Khai đã vận động người dân đóng góp, cùng với nguồn vốn đầu tư của thành phố, tu sửa, trải áp-phan ba tuyến đường nhánh tại các khu dân cư với tổng chiều dài hơn 550 m, tổng kinh phí hơn một tỷ đồng, trong đó 50% kinh phí được huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân, cán bộ, đảng viên.

Trong điều kiện nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường còn hạn hẹp, mô hình xã hội hóa việc duy tu, bảo dưỡng đường nội thị ở phường Minh Khai được TP Hà Giang đánh giá cao và sẽ cho nhân rộng. Tuy nhiên, hình thức này chỉ thực hiện được tại một số khu dân cư có điều kiện kinh tế, tuyến đường ngắn, vốn đầu tư ít. Còn việc duy tu, bảo dưỡng một cách đồng bộ các tuyến đường nội đô vẫn cần sự quan tâm của chính quyền tỉnh Hà Giang.

Thành phố Hà Giang đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 3. Việc thực hiện cải tạo, nâng cao các tuyến đường nội đô thời điểm này là cần thiết, bảo đảm các tiêu chí về đô thị, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, kinh doanh của người dân, trả lại sự sáng, xanh, sạch, đẹp vốn có của thành phố.